Mặc dù các sản phẩm đó vẫn đáp ứng tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm nhưng nguyên liệu kém hơn và có giá bán rẻ hơn so với cùng mặt hàng bán tại Tây Âu.
Sự kiện đã bất ngờ trở thành vấn đề chính trị lớn, được đem ra bàn thảo ở cấp cao nhất giữa các Tổng thống và Thủ tướng châu Âu. Đây cũng là đề tài nóng trên nhiều tờ báo châu Âu.
Một vài nước Đông Âu đã phân tích cùng một sản phẩm thực phẩm đóng hộp nhưng bán tại các nước châu Âu khác nhau.
Tờ 24h ra tại Croatia cho biết cùng một lọ chocolate Nutella giống hệt nhau nhưng bán tại Áo và Đức lại ngon hơn hẳn đúng loại chocolate đó bán tại Hungary. Bài báo viết: "Cơ quan kiểm soát thực phẩm Hungary đã xét nghiệm 24 sản phẩm đóng hộp và kết luận là các tập đoàn chế biến thực phẩm đã dùng nguyên liệu kém hơn và rẻ tiền hơn trong các sản phẩm dành bán tại Đông Âu". Một Bộ trưởng Hungary đã khẳng định đây là bê bối thực phẩm lớn nhất của Liên minh châu Âu.
Chuyện nhỏ đã trở thành chuyện to là do các nước Tây Âu đang ủng hộ mô hình Liên minh châu Âu hội nhập không đồng đều, các nước Đông Âu lo ngại sẽ bị gạt ra rìa. Tờ Thế giới của Pháp trong bài báo "Người châu Âu chia rẽ quanh lọ Nutella" cho biết các nước Đông Âu đã đột nhiên có những lời cáo buộc mạnh mẽ hiếm thấy. Bài báo trích lời Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Czech rằng "mọi người thấy mệt mỏi vì cứ phải là thùng rác của châu Âu" và lời Thủ tướng Slovakia rằng "cách làm này hạ nhục và tạo ra hại loại công dân trong cùng một liên minh".
Các tuyên bố này làm cho Ủy ban châu Âu ngã ngửa vì kinh ngạc bởi Liên minh châu Âu không có chính sách phân biệt, đó là chuyện của doanh nghiệp. Các nhà sản xuất được phép dùng nguyên liệu khác nhau để chế biến phù hợp khẩu vị của từng thị trường, thay đổi mùi vị, màu sắc, bao bì, miễn là phải tôn trọng các quy định về vệ sinh thực phẩm và nêu rõ thành phần trên bao bì. Tờ Tây Pháp viết, người Mỹ cũng vẫn làm như vậy và ví dụ "Hãng Coca-Cola khẳng định, sử dụng các chất tạo ngọt khác nhau tùy theo từng quốc gia không ảnh hưởng gì đến chất lượng sản phẩm".
Trong khi đó, điều mà các nước Đông Âu không đả động đến là mặt bằng giá cả ở Đông Âu và Tây Âu không như nhau. Dùng nguyên liệu giống hệt nhau cho một loại sản phẩm bán cả ở Hà Lan và Bulgaria, chắc gì cả người Hà Lan và người Bulgaria đều thấy hợp khẩu vị và quan trọng hơn là nguyên liệu giống nhau thì giá bán phải như nhau. Điều này có thể thấy người Hà Lan cho rằng giá đó là chấp nhận được, thế nhưng với người Bulgaria lại là quá cao.
Chuyện tưởng như chỉ chỉ là của doanh nghiệp nay bị chính trị hóa đến mức theo tờ La Vanguardia của Tây Ban Nha, cuối cùng "Ủy ban châu Âu phải nêu vấn đề trong văn bản kết luận Hội nghị thượng đỉnh châu Âu vừa rồi".
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!