CBRE: Việt Nam là thị trường hàng đầu để các nhà bán lẻ mở rộng kinh doanh

VTV Digital-Thứ ba, ngày 22/02/2022 15:34 GMT+7

Ngành bán lẻ Việt đang bước vào giai đoạn bình thường mới với khả năng thích ứng tốt và triển vọng lạc quan. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)

VTV.vn - Theo CBRE, Việt Nam vẫn là thị trường mục tiêu hàng đầu các nhà bán lẻ được khảo sát lựa chọn để mở rộng kinh doanh.

Theo báo cáo mới nhất của CBRE châu Á, dù chịu nhiều ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 nhưng ngành bán lẻ tại thị trường châu Á - Thái Bình Dương nói chung và tại Việt Nam nói riêng đang có những tín hiệu tích cực.

“Báo cáo gần đây của chúng tôi cho thấy niềm tin của các nhà bán lẻ về tiềm năng tăng trưởng của ngành trong tương lai. Sự lạc quan này được củng cố bởi niềm tin rằng đại dịch cuối cùng sẽ được kiểm soát và cuộc sống sẽ dần trở lại bình thường”, ông Vivek Kaul, Giám đốc Ngành Bán lẻ của CBRE tại châu Á cho biết.

Năm 2021, sự bùng phát của dịch COVID-19 đã khiến các doanh nghiệp trong ngành bán lẻ gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, với việc Chính phủ ban hành Nghị quyết số 128/NQ-CP quy định về "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19" và tỷ lệ tiêm chủng vaccine ngày càng cao, ngành bán lẻ Việt đang bước vào giai đoạn bình thường mới với khả năng thích ứng tốt và triển vọng lạc quan.

Điển hình như tại TP Hồ Chí Minh, sau 4 tháng mở cửa trở lại, các loại hình dịch vụ ăn uống tại chỗ, vui chơi giải trí đã trở lại gần tối đa công suất.

Theo CBRE, Việt Nam vẫn là thị trường mục tiêu hàng đầu các nhà bán lẻ được khảo sát lựa chọn để mở rộng kinh doanh. Điều này cho thấy mức độ tin tưởng cao vào sự trở lại của ngành du lịch quốc tế, tăng trưởng lượng khách đến các trung tâm thương mại và chi tiêu của người tiêu dùng tăng lên.

Về triển vọng ngành bán lẻ năm 2022, báo cáo của CBRE đã chỉ ra xu hướng đầu tiên định hình thị trường bán lẻ là các cửa hàng vật lý sẽ được duy trì, phát triển và đóng vai trò quan trọng trong hoạt động kinh doanh, dù đại dịch đẩy nhanh sự thâm nhập của thương mại điện tử.

Nguyên nhân là các kênh bán hàng trực tuyến dù có nhiều ưu thế nhưng vẫn không thể thay thế mua sắm trực tiếp - nơi người tiêu dùng có thể trải nghiệm sản phẩm "thực", dịch vụ "thực" đến chủ động thời gian mua, nhận hàng. Do đó, đa số các nhà bán lẻ đều không ngừng tìm kiếm các vị trí đẹp để mở rộng kinh doanh, trong đó trung tâm thương mại đang là lựa chọn số 1 để đầu tư vững chắc.

Báo cáo của CBRE cũng cho thấy xu hướng lớn thứ 2 của thị trường, đó là 60% các nhà bán lẻ cho biết các cửa hàng flagship tại vị trí đắc địa đóng vai trò chủ chốt trong việc mang lại trải nghiệm hấp dẫn cho khách hàng.

Trong bối cảnh ngành bán lẻ tiếp tục chuyển dịch trong thời kỳ bình thường mới, các doanh nghiệp cần phải thích nghi và thay đổi để duy trì lợi thế cạnh tranh và nắm bắt cơ hội để bứt phá.

Dự báo về thị trường bán lẻ trong thời gian tới, ông Vivek Kaul nhận định: “Chúng ta vẫn đang tiếp tục hành trình phục hồi sau một giai đoạn đầy thử thách. Khi ngành bán lẻ tiếp tục phát triển, các xu hướng mới cũng đang mang lại những cơ hội lớn. Hãy hành động ngay bây giờ để nắm bắt những cơ hội này có thể tạo ra lợi ích cho doanh nghiệp. Nhìn chung, tương lai của ngành bán lẻ trong năm 2022 và sau này đều khá xán lạn”.

Thị trường bán lẻ Việt Nam tiếp tục thu hút đầu tư Thị trường bán lẻ Việt Nam tiếp tục thu hút đầu tư

VTV.vn - Theo báo cáo nới đây của Jetro, bất chấp những tác động của dịch COVID-19, vẫn có khoảng 55% doanh nghiệp Nhật muốn mở rộng kinh doanh tại Việt Nam.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước