Người dân thực hiện giãn cách xã hội nhằm chống dịch COVID-19 tại một siêu thị ở Berlin, Đức. Ảnh tư liệu: THX/TTXVN.
Tuy nhiên, "cú sốc" mang tên COVID-19 đối với ngành bán lẻ cũng mang đến những thay đổi dần dần và qua đó sẽ giúp củng cố lĩnh vực này trong nhiều năm tới, bao gồm các khoản đầu tư lớn vào công nghệ, tạo ra các phương pháp mới để kết nối với người tiêu dùng và tăng tốc độ giao đơn hàng trực tuyến. Đó là một sự thay đổi đáng kinh ngạc so với những dự đoán hồi giữa năm 2020 về viễn cảnh "u ám" của ngành này.
Thích ứng để tồn tại
Michael Baker, một nhà phân tích của D.A. Davidson, người đã theo dõi các nhà bán lẻ Mỹ trong hơn hai thập kỷ qua, nhận định rằng: "Rất nhiều nhà bán lẻ đang thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng COVID-19 và trở nên mạnh mẽ hơn trước khi họ bước vào".
Đại dịch đã thúc đẩy người mua sắm trên toàn cầu thích ứng nhanh chóng, điều buộc các nhà bán lẻ cũng phải làm như vậy. Việc bị "mắc kẹt" trong nhà suốt vài tháng và sau đó thận trọng trong việc ghé qua các cửa hàng truyền thống khi chúng mở cửa trở lại, người tiêu dùng đã mạnh tay chi tiêu cho thương mại điện tử hơn bao giờ hết, nhờ các khoản tiền mặt hỗ trợ từ các chương trình kích cầu của chính phủ, cùng với khoản tiết kiệm từ việc không phải đi du lịch hoặc ăn uống bên ngoài.
Kể từ khi Amazon "khơi mào" cho kỷ nguyên mua sắm trực tuyến hơn hai thập kỷ trước, câu hỏi lớn được đặt ra là làm thế nào để các nhà bán lẻ truyền thống tồn tại? Câu trả lời cuối cùng là ngành bán lẻ đã trở thành "đa kênh", một từ thông dụng về việc kết hợp giữa các cửa hàng thực tế và cửa hàng trực tuyến, hay thậm chí là đặt hàng trực tuyến nhưng nhận hàng tại cửa hàng.
Đại dịch đã tạo ra một áp lực hiện hữu mà nhiều nhà kinh doanh cần để có một tầm nhìn toàn diện. Họ phản ứng bằng cách thay đổi mô hình kinh doanh của mình theo những cách chưa từng có, từ cách họ xử lý dịch vụ khách hàng đến cách họ hoàn thành đơn đặt hàng. Greg Buzek, Chủ tịch công ty nghiên cứu IHL Group, cho biết" "Nó đã thay đổi hoàn toàn cách chúng ta mua sắm. Và giờ đây, các nhà bán lẻ đang triển khai công nghệ vào hoạt động kinh doanh của mình với tốc độ hiếm thấy, với sự gia tăng đáng kể trong việc sử dụng robot tại kho hàng và các công cụ quản lý hàng tồn kho như thẻ kệ hàng điện tử".
Tại Trung Quốc, một trong những thị trường bán lẻ phức tạp nhất thế giới, các cửa hàng nhanh chóng thâm nhập sâu hơn vào mảng thương mại điện tử. Theo nhà tư vấn Kearny, nhiều người ủng hộ việc sử dụng các nhóm chat để thực hiện đơn đặt hàng và giữ liên lạc với những khách hàng không muốn tiếp xúc trực tiếp. Các nhà bán lẻ thuộc tất cả các lĩnh vực đã tăng doanh số bán hàng của họ thông qua việc phát video trực tuyến (livestream), coi đó như một kênh mua sắm tại nhà trong thời đại kỹ thuật số. Ở Vũ Hán, tâm chấn ban đầu của đại dịch, dịch vụ giao đồ ăn tại nhà đã giúp các nhà bán lẻ thiết lập dịch vụ nhận hàng không cần tiếp xúc, khởi đầu cho sự bùng nổ của loại hình đó.
Marks & Spencer, chuỗi cửa hàng bách hóa của Anh, vốn rất giỏi trong việc xoay chuyển tình thế trong hơn một thập kỷ qua, đã tận dụng đại dịch để đẩy nhanh tốc độ chuyển đổi của mình bằng cách đóng cửa các cửa hàng hoạt động kém hiệu quả và đầu tư vào các dịch vụ kỹ thuật số, bao gồm cả cửa hàng tạp hóa trực tuyến. Marks & Spencer đã hai lần nâng dự báo lợi nhuận trong năm nay, khi giá cổ phiếu của họ tăng hơn 60%.
Với các cửa hàng bị đóng cửa tại Mỹ, các nhà bán lẻ đã áp dụng những cách mới để phục vụ khách hàng. Bán hàng qua livestream lan rộng từ Trung Quốc sang nhiều nơi trên thế giới và dần trở thành một nguồn doanh thu đáng kể nhờ phần mềm rẻ tiền và dễ sử dụng. Nhiều chuỗi cửa hàng bán lẻ cũng đưa những trải nghiệm tại cửa hàng truyền thống lên web để thu hút khách hàng. Các nhà bán lẻ cũng tìm ra nhiều cách để thúc đẩy doanh thu từ thương mại điện tử hơn nữa, bao gồm việc để nhân viên tại cửa hàng trợ giúp khách hàng đăng nhập vào các trang mua sắm trực tuyến của họ bằng cách trò chuyện, chia sẻ hình ảnh và video qua ứng dụng di động.
Các mô hình mua sắm cũng thay đổi đáng kể ở những nơi mà thương mại điện tử đang trong giai đoạn phát triển ban đầu. Các nhà bán lẻ tại các thị trường từ Mexico đến Nga đã tăng tốc độ giao hàng và xây dựng hệ thống thanh toán an toàn hơn.
Tất nhiên, sự thành công của sự chuyển đổi này sẽ phụ thuộc vào việc các hành vi tiêu dùng mới sẽ duy trì ra sao hậu COVID-19. Các nhà bán lẻ đang "đặt cược" rằng các dịch vụ, chẳng hạn như nhận đơn đặt hàng trực tuyến tại một cửa hàng thực tế, sẽ đóng góp nhiều hơn cho doanh thu của họ. Đại dịch cũng ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng và gây ra tình trạng thiếu lao động, khiến tiền lương tăng cao. Và các nhà bán lẻ đang chờ đợi xem những rào cản này sẽ kéo dài bao lâu.
Sự "hồi sinh" ngoạn mục
Đối với những "người chơi" lớn trong ngành bán lẻ, năm 2021 chứng kiến một sự phục hồi ấn tượng. Tại Mỹ, các chuỗi bán lẻ với quy mô hơn 50 cửa hàng dự kiến có thêm hơn 4.000 chi nhánh nữa trong năm nay. Theo IHL Group, đây sẽ là mức tăng đầu tiên kể từ năm 2017. Tổng số cửa hàng đóng cửa trong nhóm này vào năm 2021 ước tính là 3.500 cửa hàng, bằng 1/4 tổng số cửa hàng phải đóng cửa năm 2020.
Sự phục hồi này là lý do quan trọng khiến quỹ SPDR S&P Retail, theo dõi chỉ số quản lý ngành bán lẻ S&P, đã tăng 32% trong năm nay, dễ dàng dẫn đầu mức tăng mạnh mẽ của chỉ số S&P 500. Tuy nhiên, cổ phiếu ngành bán lẻ ở các nơi khác trên thế giới cũng không chứng kiến sự tăng vọt như vậy.
Theo Placer.ai, ngay cả khi các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 đang xuất hiện và hoành hành mạnh mẽ tại một số khu vực trên nước Mỹ, tổng lượt khách ghé thăm các cửa hàng thực tế ở Mỹ trong năm nay chỉ thấp hơn 0,8% so với cùng kỳ năm 2019, trước khi đại dịch bùng phát. Điều này được hỗ trợ bởi các cửa hàng thực hiện các đơn đặt hàng trực tuyến và nhận hàng tại quầy. Best Buy là một trong những chuỗi bán lẻ đã xây dựng hệ thống phục vụ khách hàng ngay tại lề đường trong thời kỳ cao điểm đại dịch để khách hàng không phải vào trong cửa hàng. Ứng dụng mua sắm của Target thậm chí hiện còn cho phép khách hàng được chọn chính xác vị trí đặt túi đồ trong ô tô của họ.
Dù vậy, các cửa hàng thực tế vẫn là nơi mà phần lớn hàng hóa được bán. Trong khi ở Trung Quốc, thương mại điện tử chiếm khoảng 30% tổng doanh số bán lẻ, thì tỷ lệ này ở các thị trường khổng lồ như Nhật Bản, Mexico và Ấn Độ chỉ chưa bằng một nửa. Ngay cả các thương hiệu khởi nguồn là thương mại điện tử cũng vẫn đề cao giá trị của các cửa hàng thực tế và chuyển sang mô hình đó nhằm thúc đẩy tăng trưởng khi lợi nhuận từ thương mại điện tử bị đình trệ.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!