"Trong vài tuần qua, môi trường chính trị đã thay đổi rất nhanh. Tôi đã phải nhìn nhận xem sự thay đổi cấu trúc công ty nào sẽ là cần thiết và điều đó sẽ có tác động gì tới chức vụ quản lý toàn cầu mà tôi đang nắm giữ. Trong hoàn cảnh này, khi chúng ta đang chờ đợi một giải pháp thật sớm, tôi rất buồn phải thông báo với mọi người rằng tôi đã quyết định rời công ty", ông Mayer viết trong thư.
"Tôi muốn nói rõ rằng quyết định này không liên quan gì đến công ty, tương lai hay niềm tin mà tôi có vào những gì chúng tôi đang cùng xây dựng. Yiming (ông chủ của ByteDance) hiểu quyết định của tôi và tôi cảm ơn anh ấy về sự ủng hộ vừa qua", ông Mayer viết thêm.
Quyết định từ chức của ông Kevin Mayer diễn ra trong bối cảnh TikTok đang bị chính quyền Mỹ đưa vào tầm ngắm
Quyết định từ chức của ông Kevin Mayer diễn ra trong bối cảnh TikTok đang bị chính quyền Mỹ đưa vào tầm ngắm.
"Mỹ cần hành động quyết liệt nhằm vào chủ sở hữu TikTok để bảo vệ an ninh quốc gia. Mọi cá nhân hoặc tài sản nằm trong quyền xét xử của Mỹ sẽ bị cấm giao dịch với ByteDance (công ty mẹ của TikTok, có trụ sở ở Bắc Kinh) sau 45 ngày từ thời điểm thông qua văn bản này", sắc lệnh được Tổng thống Trump ký ban hành hôm 6/8 có đoạn viết.
Theo tờ CNBC, hiện Microsoft và Oracle đang cạnh tranh để mua chi nhánh TikTok ở Mỹ từ tập đoàn mẹ là ByteDance.
CEO Kevin Mayer gia nhập TikTok từ ngày 1/6. Trước đó, ông cũng là sếp lớn tại Disney.
Trong diễn biến mới nhất của vụ việc, đầu tuần này, TikTok đã khởi kiện chính quyền của ông Trump liên quan đến sắc lệnh cấm mọi giao dịch với ByteDance được ký vào ngày 6/8 vừa qua.
TikTok cho rằng việc lệnh cấm được đưa ra mà không có thông báo trước hoặc cho công ty này cơ hội giải trình đã vi phạm Tu chính án thứ 5 của hiến pháp Mỹ.
TikTok và công ty mẹ ByteDance đã bác bỏ mọi cáo buộc của Nhà Trắng khi cho rằng họ là mối đe dọa an ninh quốc gia. Đồng thời TikTok và ByteDance nhấn mạnh họ đã thực hiện "các biện pháp đặc biệt để bảo vệ quyền riêng tư và bảo mật dữ liệu người dùng Mỹ (trên ứng dụng TikTok)".
TikTok mới đây đã kiện chính quyền của ông Trump ra tòa
"Chúng tôi cảm thấy mình không có lựa chọn nào khác ngoài hành động để bảo vệ quyền lợi của mình, cũng như quyền lợi của cộng đồng và nhân viên của chúng tôi", TikTok cho biết.
Cũng theo TikTok, sắc lệnh ký ngày 6/8 bởi Tổng thống Trump có thể khiến nước Mỹ mất đi 10.000 việc làm. Đồng thời gây tổn hại không thể khắc phục đối với hàng triệu người Mỹ sử dụng ứng dụng này để giải trí, kết nối và sinh kế hợp pháp, đặc biệt là trong thời kỳ đại dịch.
Cùng với TikTok, Patrick Ryan – một giám đốc chương trình kỹ thuật của ứng dụng này cũng đã kiện chính quyền của ông Trump vì lo ngại rằng ông và 1.500 đồng nghiệp của mình có thể bị mất việc nếu sắc lệnh được thực thi.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!