CEO Vua Cua Đoàn Thị Anh Thư: Kiên định & minh bạch

Lê Hoa-Chủ nhật, ngày 23/06/2024 17:33 GMT+7

CEO Đoàn Thị Anh Thư

VTV.vn - Đoàn Thị Anh Thư chia sẻ, phương châm hoạt động kinh doanh của mình là phải minh bạch trong mọi hoạt động, có thể ngu dốt rồi tốt hơn chứ đừng gian lận để tỏ ra thông thái

Cua chọn người

* PV: Những kinh nghiệm Anh Thư đã có được trước khi bắt tay thực hiện dự án Vua Cua? Lý do nào khiến Anh Thư quyết định dấn thân vào lĩnh vực kinh doanh cua?

- Đoàn Anh Thư: Trước khi kinh doanh Vua Cua, Thư đã có kinh nghiệm kinh doanh mảng điện thoại di động và phụ kiện bán trực tuyến, làm trưởng phòng marketing của vài công ty. Thật ra, Thư cũng không phải là người chọn kinh doanh cua, mà cua chọn Thư. Mình tin rằng, mỗi người được sinh ra với một số phận đã được sắp đặt và chúng ta chỉ cần cố gắng sống, làm việc chăm chỉ, kiên trì mỗi ngày.

* Anh Thư có thể chia sẻ về những khó khăn, thách thức khi bắt đầu khởi nghiệp?

- Đến hiện tại, Thư vẫn gặp khó khăn và thử thách mỗi ngày chứ không phải chỉ khi mới bắt đầu, chỉ khác là bản thân đã có kinh nghiệm, bản lĩnh, năng lực nên xử lý tốt hơn. Đến giờ nhìn lại, nếu nói khó khăn nhất thì Thư cho rằng, mình luôn mặc một “cái áo” rộng quá so với bản thân, việc kinh doanh mở rộng mỗi năm, nên “cái áo” mỗi năm mỗi rộng hơn, đến lúc dịch Covid thì vỡ trận.

Nói nôm na, mình hiểu là năng lực lúc đó chỉ đủ để quản trị 7 nhân sự (con số rất đẹp trong quản trị) nhưng lại tăng vèo sau 6 năm lên 160 nhân sự, năng lực quản trị yếu kém từ nhân sự, vận hành, tài chính kế toán… Lẽ ra, chúng ta phải tự nâng cấp năng lực bản thân và đội ngũ song song với việc mở rộng và phát triển.

* Cạnh tranh trên thị trường là một bài toán không đơn giản. Anh Thư đã giải bài toán này thế nào, đặc biệt trong kinh doanh ngành F&B?

- Trong lòng Thư, trước giờ chỉ có các thương hiệu khác coi Thư là đối thủ, chứ Thư thì không. Với Thư, khách hàng là chén cơm của doanh nghiệp, để có cơm ăn, chúng ta chỉ cần quan tâm đến khách hàng cần gì và giải quyết cái họ cần. Quan điểm này của Thư nhất quán từ đầu cho đến mãi về sau, không thay đổi.

Vậy nên, khi vắng khách, Thư thường sẽ xem lại khảo sát, đánh giá của khách hàng, từ đó họp lại đội ngũ xem mình cần cải thiện gì. Tất nhiên, điều đó không có nghĩa là mình coi thường hay xem nhẹ đối thủ, nhưng mình sẽ định nghĩa khác đi: thương trường cần có đối thủ để cùng tốt hơn mỗi ngày và người có lợi cuối cùng vẫn phải là khách hàng, họ phải nhận được nhiều giá trị song song với lợi nhuận doanh nghiệp.

CEO Vua Cua Đoàn Thị Anh Thư: Kiên định & minh bạch - Ảnh 1.

Đoàn Thị Anh Thư tham gia một chương trình truyền hình về ẩm thực

“Lấn sân” thị trường Mỹ

* Không chỉ kinh doanh trong nước, Vua Cua còn mở rộng thị trường tại Mỹ. Việc xuất khẩu cua chế biến sang Mỹ chắc chắn đã mang lại cho Anh Thư nhiều bài học kinh doanh mới trong lĩnh vực xuất khẩu?

Đối với xuất khẩu, Thư thấy bài học quan trọng nhất vẫn là phải nghiên cứu kỹ thị trường, đưa ra được sản phẩm phù hợp với người dùng. 4 tháng đầu, Thư bê y chang sản phẩm đang có ở Việt Nam qua Mỹ nên thất bại ê chề, chưa kể, vì đi hàng bằng máy bay nên giá bán cao dẫn đến khách hàng không có cơ hội mua lại nhiều lần. Thất bại về chiến lược giá bán. May mắn, Vua Cua lại làm thương hiệu tốt và biết kể chuyện về doanh nghiệp của mình, nên cơ hội sửa sai vẫn trong tầm tay. Trong tháng 5 này, Thư vừa xuất cảng lần đầu đi tàu biển một container hàng Vua Cua với các sản phẩm và chính sách giá phù hợp hơn với thị trường Mỹ.

Hầu hết khách hàng đều đang quen dần và ủng hộ thương hiệu Vua Cua, cụ thể trên website sayweee, ba loại xốt Vua Cua nhận được nhiều lượt mua và đánh giá tốt. Tuy nhiên, để duy trì, cần có những bước đi về sản phẩm, giá và marketing đúng đắn và phù hợp.

* Nói về câu chuyện chuyển đổi số, con đường kinh doanh trong thời đại số của Vua Cua sẽ như thế nào?

Muốn áp dụng công nghệ vào công ty truyền thống, chúng ta cần chuẩn về các quy trình vận hành, từ đó mới vẽ áp lên giao diện và chức năng của nền tảng phù hợp nhất, ngoài ra, cần những nhân lực công ty sẵn sàng thay đổi để sử dụng nền tảng mới. Đến hiện tại, vì Vua Cua chỉ đơn giản là công ty sản xuất và bán hàng (sản xuất cũng vừa chuyển giao cho gia công tại các nhà máy lớn của đối tác) thì công nghệ của Vua Cua chỉ là phần mềm kế toán và website giới thiệu sản phẩm, phần mềm quản lý bán hàng (POS) dành cho các đối tác nhượng quyền.

* Anh Thư đã và đang triển khai dự án của mình như thế nào? Phương châm trong hoạt động kinh doanh của bạn?

- Hiện tại, công ty Vua Cua tinh gọn, chỉ vỏn vẹn 8 nhân sự hoạt động, chủ yếu là bán nguyên liệu và hỗ trợ marketing cho các hệ thống nhượng quyền trong nước (22 tiệm bánh canh Vua bánh canh và 2 Vua Cua). Trong thời gian tới, 90% doanh thu Vua Cua đến từ việc xuất khẩu 3 dòng sản phẩm chính: nước xốt hoàn chỉnh, cua và hải sản sơ chế cấp đông, các sản phẩm chế biến giá trị gia tăng như bánh canh cua, miến xào cua, xôi cua, lẩu riêu cua…

Bên cạnh đó, Thư đang làm trợ lý cho chị Dziễm Chinh và cùng chị ấy nghiên cứu phát triển thương hiệu CT Choice (trực thuộc công ty CTWS Group). Đây là thương hiệu có các dòng sản phẩm “ready to eat” là món ăn sáng, bánh dân gian, các món ăn chính của Việt Nam, khách hàng chỉ cần hâm nóng là ăn, ví dụ: xôi bắp, bánh mì chả cá, canh bún, bún cá, cá kho các loại…. Thông qua công việc này, giúp Thư thấu hiểu hơn về khách hàng ở Mỹ, từ đó, giúp được cho Vua Cua và rất nhiều các thương hiệu Việt Nam khác qua Mỹ thành công.

Phương châm hoạt động kinh doanh của Thư hiện tại là kiên định và minh bạch trong mọi hoạt động. Ngoài ra, khi đã làm gì phải kiên định và không bỏ cuộc. Đối với Thư, người thành công chỉ khác người thất bại ở một câu: cố gắng hơn chút nữa.

* Cảm ơn Anh Thư!

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước