Chậm giải ngân đầu tư công do vướng mặt bằng

Ban Thời sự-Thứ tư, ngày 02/10/2024 06:20 GMT+7

VTV.vn - Vướng mắc về cơ chế chính sách, vướng giải phóng mặt bằng, vướng do thiếu nguyên vật liệu là những nguyên nhân khiến tiến độ giải ngân các dự án bị chậm.

Chậm giải ngân đầu tư công do vướng mặt bằng

Các dự án hạ tầng, dự án giao thông trọng điểm luôn chiếm từ 45-60% tỉ lệ phân bổ vốn đầu tư công tại các tỉnh, Thành phố. Thế nhưng, vướng mắc về cơ chế chính sách, vướng giải phóng mặt bằng, vướng do thiếu nguyên vật liệu là những nguyên nhân khiến tiến độ giải ngân các dự án bị chậm. Đây là tình trạng chung của hầu hết các địa phương, do tiến độ giải ngân vốn đầu tư công đến nay cũng là nguyên nhân khiến chưa được như kỳ vọng.

Đây là bảng giá đất mà TP. Hà Nội phê duyệt từ 2019, được sửa đổi bổ sung năm 2023 chiếu theo Luật đất đai 2013. Khi Luật đất đai 2024 có hiệu lực từ ngày 1/8, bảng giá đất này đã không còn phù hợp để áp dụng định giá đất bồi thường giải phóng mặt bằng và bồi thường tái định cư trên địa bàn. Hơn nữa, mức giá có sự biến động, chênh lệch lớn so với thị trường, không đảm bảo hài hoà lợi ích của người dân. Việc giải phóng mặt bằng dự án Vành đai 4 tại Quận Hà Đông cũng vì thế bị kéo chậm.

Bà Vũ Thị Ngọc Hiền - Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường quận Hà Đông, Hà Nội cho biết: "Chúng tôi cũng đã phê duyệt giá đất từ tháng 10/2023 và đang trong quá trình triển khai. Tuy nhiên theo nguyên tắc định giá đất của Luật đất đai 2024, giá đất cụ thể phải là giá tại thời điểm phê duyệt dự án. Như vậy tại thời điểm này, chúng tôi sử dụng bảng giá đất đã phê duyệt 2023 không còn phù hợp, chính vì vậy mà chúng tôi phải tổ chức định giá lại".

Ngược lại, cũng trên địa bàn TP. Hà Nội, nhưng tại huyện Chương Mỹ, giá đất không có biến động so với bảng giá đất cũ, nên việc giải phóng mặt bằng dự án Mở rộng Quốc lộ 6 được triển khai nhanh chóng. Chỉ trong hai tháng triển khai đã đạt 35% diện tích giải phóng mặt bằng.

Ông Nguyễn Anh Đức - Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ, Hà Nội nêu ý kiến: "Hiện nay, UBND huyện Chương Mỹ vẫn đang triển khai theo đơn giá đền bù theo chỉ đạo của Thành phố là áp dụng tới tháng 12/2025. Đối với địa bàn huyện Chương Mỹ, giá đất không có biến động lớn, giá đất vẫn ổn định và có thể làm cơ sở để phê duyệt".

Có thể thấy, cùng trên địa bàn một thành phố, nhưng có địa phương không bị ảnh hưởng bởi cơ chế, nhưng có địa phương lại phải làm lại thủ tục xác định giá đền bù giải phóng mặt bằng, ảnh hưởng lớn tới tiến độ giải ngân dự án, kéo theo chậm giải ngân đầu tư công tại địa phương.

Chậm giải ngân đầu tư công do vướng mặt bằng - Ảnh 1.

Thiếu mặt bằng, nhiều mũi thi công của dự án chưa thể bứt tốc

Nhiều dự án chậm tiến độ do thiếu hạn mức đất giao thông

Việc bố trí vốn đã được đổi mới và cải cách mạnh mẽ, quyết liệt. Trách nhiệm và thẩm quyền của các Bộ, ngành và địa phương đã được tự chủ nhiều hơn trước. Thế nhưng hậu quả từ thiên tai, những trở ngại từ mỏ vật liệu cũng như công tác giải phóng mặt bằng vẫn chưa được xử lý triệt để. Tình trạng nhà thầu chờ mặt bằng vẫn diễn ra ở nhiều dự án.

Sau gần nửa năm thi công, dự án tuyến cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng mới giải phóng mặt bằng được khoảng 40%. Mục tiêu giải phóng được 70% mặt bằng trong tháng 9 năm nay của tỉnh Lạng Sơn đã không đạt được kỳ vọng. Thiếu mặt bằng, nhiều mũi thi công của dự án chưa thể bứt tốc.

Ông Nguyễn Quang Vĩnh - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Đèo Cả cho biết: "Để giải quyết bài toán lâu dài, chúng tôi vẫn muốn từ phía Bộ Tài nguyên Môi trường, Chính phủ có hướng dẫn cụ thể để các địa phương tự tin hơn trong công tác phê duyệt giải phóng mặt bằng".

Đại diện tỉnh Lạng Sơn cho biết, sau khi điều chỉnh hạn mức đất ở nhiều dự án, địa phương vẫn còn thiếu chỉ tiêu đất cho giao thông. Để điều chỉnh chỉ tiêu đất cho giao thông, mới đây Bộ Tài nguyên Môi trường cho phép địa phương tự quyết định. Tuy nhiên, hướng dẫn cụ thể như thế nào vẫn chưa có, khiến việc thu hồi đất cho hai dự án đường bộ cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng và Đồng Đăng - Trà Lĩnh vẫn chưa nhiều tiến triển.

Ông Hồ Tiến Thiệu - Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn nhận định: "Chỉ tiêu quy hoạch đất giao thông do tỉnh Lạng Sơn để triển khai hai dự án này tổng còn thiếu 170 ha. Chúng tôi rất mong sớm được giải quyết để công tác giải phóng mặt bằng được đẩy nhanh hơn".

Những chiếc máy này nhẽ ra phải được đưa vào hiện trường ngay từ lúc lên đây. Tuy nhiên, nhiều tháng nay vẫn phải nằm im, bất động. Mặt bằng hiện vẫn là lực cản lớn nhất cho nhiều dự án giao thông trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn hiện nay.

Bên cạnh đó, giải ngân vốn đầu tư công của 9 tháng của năm 2024 thấp hơn cùng kỳ năm 2023 vẫn chủ yếu nằm ở các nguyên nhân chủ quan, đặc biệt công tác chỉ đạo điều hành ở các cấp cơ sở, cấp tổ chức thực hiện từ đầu năm đến nay cũng chưa quyết liệt. Nhiều nơi xuất hiện tình trạng đùn đẩy, sự thận trọng quá mức của một bộ phận cán bộ, khiến nhiều dự án lớn tiếp tục chậm tiến độ.

Mới đây, Ban thường vụ thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh đã tạm đình chỉ công tác giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng Thành phố do chưa hoàn thành nhiệm vụ trong công tác giải ngân vốn đầu tư công. Đại diện tỉnh Quảng Ninh cho biết, sẽ tiếp tục rà soát và xử lý cán bộ nếu để chậm trễ giải ngân vốn đầu tư công. Không có vùng cấm, không có ngoại lệ.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước