Đơn giản hóa thủ tục trong Luật Đầu tư công

PV-Thứ hai, ngày 16/09/2024 13:52 GMT+7

VTV.vn - Luật Đầu tư công (sửa đổi) đang được Bộ Kế hoạch và đầu tư xây dựng theo hướng đơn giản hoá thủ tục.

Luật Đầu tư công (sửa đổi) đang được Bộ Kế hoạch và đầu tư xây dựng theo hướng đơn giản hoá thủ tục. Một trong 5 nhóm chính sách được sửa đổi là thúc đẩy thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài, bằng cách thiết kế một chương riêng. Mới đây, Hội thảo lấy ý kiến các đối tác phát triển về dự thảo Luật cũng đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức.

Sự kiện có sự tham dự của nhiều đối tác phát triển như: Ngân hàng thế giới WB, Ngân hàng Phát triển châu Á ADB, Quỹ tiền tệ Quốc tế IMF, UNICEF, Tổ chức y tế Thế giới WHO, Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản JICA… Các đối tác đánh giá cao dự thảo của Luật đầu tư công sửa đổi, đặc biệt là các chính sách về dự án ODA. Ví dụ việc phân cấp, phân quyền trong việc phê duyệt và thực hiện các dự án; đơn giản hoá thủ tục đầu tư; tách bồi thường, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập...

Các nhà tài trợ cũng mong muốn Chính phủ sớm ban hành Nghị định hướng dẫn để có thể thực hiện luật ngay sau khi có hiệu lực. Việc sửa đổi Luật Đầu tư công lần này rất toàn diện với tiến độ khẩn trương. Yêu cầu của Luật mới là khắc phục căn bản những vướng mắc, điểm nghẽn, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn và khơi thông nguồn lực cho phát triển.

Đơn giản hóa thủ tục trong Luật Đầu tư công - Ảnh 1.

Các đối tác đánh giá cao dự thảo của Luật đầu tư công sửa đổi, đặc biệt là các chính sách về dự án ODA

Ông Phạm Hoàng Mai, Vụ trưởng Vụ Kinh tế đối ngoại, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, khi thiết kế chương ODA, Ban Soạn thảo đặt ưu tiên giải quyết những khó khăn vướng mắc trong triển khai dự án ODA.

Dự thảo phân cấp nhiều hơn thẩm quyền cho UBND, cơ quan chủ quản. Những phân cấp này phù hợp với các chính sách pháp luật trong nước. Theo đó, các dự án viện trợ không hoàn lại được phân cấp cho UBND.

Đáng chú ý, trước đây dự án chỉ được giải ngân, triển khai thực hiện khi có kế hoạch trung hạn và kế hoạch đầu tư công hàng năm. Nhiều đối tác phát triển đã có ý kiến về việc phải bổ sung kế hoạch hàng năm sẽ ảnh hướng đến tiến độ triển khai, giờ dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi) cho phép triển khai rồi báo cáo cấp có thẩm quyền sau (hậu kiểm).

Theo bà Susan Lim đến từ Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), mục tiêu chính là làm sao sử dụng hiệu quả nhất vốn ODA. Bà Susan cũng đánh giá cao các thay đổi lớn của dự thảo như đơn giản hóa thủ tục; trao quyền nhiều hơn, giảm thiểu thời gian liên quan, nhất là ở cấp chính quyền địa phương.

"Với dự án khẩn cấp, ADB đề xuất cần có quy định cụ thể để có thể sử dụng vốn ODA hiệu quả hơn, ví dụ các dự án về thiên tai, bão lũ, biến đổi khí hậu", Bà Susan Lim gợi ý.

Ông Daniel Plankermann, Giám đốc Ngân hàng tái thiết Đức tại Việt Nam cho rằng, có luật tốt chưa đủ, Việt Nam cần sớm có các văn bản hướng dẫn thi hành luật như nghị định, thông tư. Các quy định pháp luật khác cũng cần được rà soát kỹ lưỡng, đảm bảo tính đồng bộ.

Đặc biệt, cần lưu ý đến các quy định chuyển tiếp, tránh tạo ra rủi ro do thay đổi chính sách. "Làm sao để quá trình chuyển tiếp được đơn giản hóa, các dự án đang chuẩn bị cũng được hưởng chính sách tốt hơn", ông Daniel Plankermann cho hay.

Về nội dung này, Thứ trưởng Trần Quốc Phương khẳng định, hồ sơ trình luật đã kèm theo dự thảo nghị định hướng dẫn thi hành. Văn bản hướng dẫn sẽ được hoàn thiện thêm khi luật được Quốc hội thông qua theo hướng các dự án đang trong quá trình chuẩn bị (với một số điều kiện được xác định rõ) cũng sẽ được hưởng lợi.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước