Tình hình đã tới mức, giá cước vận tải biển tăng cao cũng không còn là vấn đề chính, miễn là có hàng để bán. Lúc này ở châu Âu các doanh nghiệp nhập khẩu nông sản châu Á đang phải cố gắng tích trữ hàng hoá.
Nhiều nước châu Á dịch bệnh bùng phát, vùng nguyên liệu bị cô lập, công suất chế biến sụt giảm. Nếu dịch bệnh kéo dài, nguồn cung nông sản từ châu Á sang châu Âu sẽ giảm sút, thậm chí đứt đoạn.
"Khi tình hình COVID-19 phức tạp ở các nước châu Á, công ty chúng tôi đã dự kiến đặt hàng rất nhiều so với thời điểm trước đây. Công ty cũng đang theo dõi thường xuyên về giá cước vận tải. Nhưng hiện nay điều quan trọng không phải là cước vận tải nữa, mà quan trọng là phải có chỗ đi hàng cho kịp cung ứng dịp cuối năm", ông Phạm Văn Hiển - Giám đốc công ty LTP Import Export B.V. (Hà Lan) cho biết.
Giá cước vận tải biển đang tăng cao. Ảnh minh họa: Dân trí.
Tại châu Âu, giá cả nông sản châu Á đang tăng. Nếu tốc độ nhập khẩu chậm lại hoặc đứt gãy thì giá bán còn cao thêm nữa. Vậy nên doanh nghiệp nhập khẩu một mặt phải cố gắng tăng đặt hàng tối đa khi còn có thể, mặt khác hạn chế lượng hàng bán ra.
Ông Phạm Văn Hiển cho hay: "Hiện tại, công ty cũng đang áp dụng biện pháp phân phối hàng, điều tiết hàng theo mức độ hợp lý. Ví dụ cho khách hàng đặt 100 thùng, công ty có thể cung ứng được 50, trong thời gian chờ các container qua".
Hàng hoá vừa cập cảng châu Âu là những lô được bốc xếp lên tàu biển cách đây khoảng 1 tháng, trước khi đại dịch bùng phát ở châu Á. Hiện tại, ở các cửa hàng bán lẻ, mọi chuyện vẫn tương đối bình thường, lượng hàng lưu kho vẫn đủ cho khoảng 3 tháng bán hàng nhưng 2 tháng nữa nếu nguồn cung vẫn chưa tái lập sẽ là vấn đề lớn.
Hiện tại, ở các cửa hàng bán lẻ, mọi chuyện vẫn tương đối bình thường nhưng 2 tháng nữa nếu nguồn cung vẫn chưa tái lập sẽ là vấn đề lớn.
Ông Trần Tiến Minh - Chủ cửa hàng Xuân Minh, Vương quốc Bỉ cho biết: "Trên thực tế là có sợ thiếu hàng. Tại tôi sợ vấn đề dịch bệnh diễn ra dài lâu. Mặt hàng ảnh hưởng nặng nhất đó là bánh phở, bún, bánh hỏi, hàng đông lạnh, hàng tươi sống, rau củ quả.
Ở Việt Nam ngưng trệ là ở bên này cũng bị ngưng trệ. Thái Lan, Indonesia ngưng trệ, bên này cũng bị ngưng trệ. Tình hình ảnh hưởng chung, không riêng của một quốc gia nào".
Các doanh nghiệp nhập khẩu cũng như các cửa hàng bán lẻ nông sản đều mong muốn, đại dịch ở châu Á sớm được khống chế, kịp có đủ hàng hoá xuất khẩu sang châu Âu trước đợt bán hàng tốt nhất trong năm - hai tháng trước Tết cổ truyền.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!