EU và Nhật Bản ký thỏa thuận thương mại tự do. (Ảnh: RTE)
CPTPP chỉ là một trong số nhiều nỗ lực mà các quốc gia trên thế giới đang thể hiện nhằm thúc đẩy quá trình hợp tác và tự do thương mại trong bối cảnh bóng ma của chủ nghĩa bảo hộ đang đe doạ triển vọng nền kinh tế toàn cầu.
Ngày 17/7, Nhật Bản và liên minh châu Âu (EU) đã cùng nhau ký thoả thuận tạo ra một khu vực tự do thương mại lớn nhất thế giới, chiếm 30% sản lượng và 40% thương mại toàn cầu. 94% hàng nhập khẩu từ châu Âu và 99% hàng nhập khẩu từ Nhật Bản sẽ được xoá bỏ thuế.
Còn tại Bangkok, các nhà đàm phán từ 16 quốc gia cũng bắt đầu nối lại việc đàm phán Hiệp định đối tác toàn diện khu vực RCEP nhằm hướng đến một thoả thuận trước thời điểm cuối năm nay. Theo Bloomberg, cả 2 hiệp định trên đều chỉ là những hiệp định tự do thương mại kiểu cũ, chủ yếu hướng đến việc giảm thuế và đặt ra những mục tiêu không quá tham vọng. Ví dụ, FTA EU - Nhật Bản sẽ chỉ giúp GDP của Nhật Bản tăng trưởng 0,2% trong vòng 10 năm tới, còn với EU là chưa tới 0,1%.
Tuy nhiên, đạt được kết quả khiêm tốn, vẫn hơn là không có gì, đặc biệt trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ đang đe doạ thương mại toàn cầu như hiện nay.
Quan trọng hơn, các thành quả này sẽ là động lực quan trọng, thúc đẩy tự do thương mại trên khắp thế giới. Bên cạnh FTA với Nhật Bản, EU cũng đang có những động thái xích lại gần hơn với một nền kinh tế lớn khác là Trung Quốc, bất chấp những sự khác biệt quan điểm về nhiều vấn đề.
EU hiện cũng đã khởi động đàm phán các hiệp định thương mại riêng rẽ với New Zealand, Australia, Indonesia và dự kiến sẽ ký kết FTA với khối Thị trường chung Nam Mỹ (MERCOSUR) vào tháng 11 tới. Còn tại Đông Bắc Á, một thỏa thuận thương mại tự do ba bên đang được thúc đẩy giữa Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản. Theo nhận định của Bloomberg, làn sóng thoả thuận thương mại này rất có thể sẽ khiến chính sách bảo hộ của Mỹ dần bị bỏ lại phía sau.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!