Châu Âu nghiêm ngặt với doanh nghiệp xanh “giả”

Như Anh-Thứ sáu, ngày 24/03/2023 07:06 GMT+7

VTV.vn - Mới đây, EU đã tuyên bố sẽ đưa ra các điều luật siết chặt hơn đối với doanh nghiệp quảng bá sản phẩm của mình là thân thiện với môi trường nhưng thực ra không phải vậy.

Một dự án xanh sẽ nhận được nhiều lợi ích, từ việc được ngân hàng cấp vốn, cho đến trợ cấp từ chính phủ nhiều nước. Do đó, nhiều doanh nghiệp muốn dán nhãn các sản phẩm, dự án của mình là xanh, tuy nhiên không phải lúc nào nhãn mác này cũng phản ánh sự thật.

Cụm từ "green-washing" (tăng trưởng xanh giả) được dùng để miêu tả các doanh nghiệp mà sản phẩm của họ thì được dán nhãn là xanh, không gây hại tới môi trường, nhưng thực tế không phải vậy. Ở một mức độ nào đó, sản phẩm của họ vẫn có tác hại tới môi trường.

Một vài ví dụ được kể đến như hãng đồ ăn nhanh McDonald's. Năm 2019, hãng này tung ra chiến dịch thay thế ống hút nhựa bằng chất liệu có thể tái chế được, nhưng sự thật là những ống hút của McDonald's không thể tái chế. Nguồn gốc của nguyên liệu cũng khiến người ta đặt dấu hỏi về tác hại với môi trường. Hoặc như hãng ô tô Volkswagen, năm 2015, hãng ô tô này dính bê bối làm giả báo cáo khí thải của vài dòng xe chạy dầu diesel, dẫn tới các vụ kiện và bồi thường lên tới hàng tỷ USD.

Châu Âu nghiêm ngặt với doanh nghiệp xanh “giả” - Ảnh 1.

Năm 2019, hãng McDonald's tung ra chiến dịch thay thế ống hút nhựa bằng chất liệu có thể tái chế được, nhưng sự thật là những ống hút của McDonald's không thể tái chế. (Ảnh minh họa - Ảnh: Bloomberg)

Ủy ban châu Âu đã đề xuất các quy tắc vào ngày 22/3, yêu cầu các công ty ở châu Âu đưa ra bằng chứng để chứng minh sản phẩm của họ, từ hàng điện tử cho tới mỹ phẩm, thật sự là "xanh".

"Nếu các công ty đưa một sản phẩm có nhãn giả hoặc tuyên bố giả mạo ra thị trường và họ bị tố cáo, thì tất nhiên họ sẽ phải ra tòa. Quyết định của tòa án có thể là lệnh cấm bán một sản phẩm như vậy trên thị trường Liên minh châu Âu (EU), hoặc cũng có thể đi kèm với tiền phạt", ông Virginijus Sinkevicius, Ủy viên Ủy ban Môi trường EU, cho biết.

Theo bộ quy tắc vừa được đề xuất, doanh nghiệp vừa muốn quảng bá sản phẩm của mình là xanh, trước tiên phải thực hiện đánh giá sản phẩm của mình dựa trên cơ sở khoa học, đánh giá tất cả các tác động môi trường đáng kể để chứng minh rằng sản phẩm của họ đáp ứng được yêu cầu.

Ông Sinkevicius cho rằng, một bộ quy tắc như vậy là cần thiết vì bây giờ người tiêu dùng càng ngày càng có ý thức về môi trường, nên họ sẽ ưu ái bỏ tiền ra mua những sản phẩm được dán nhãn "xanh" hay tái chế.

"EU có những doanh nghiệp vừa và nhỏ rất nghiêm túc và xuất sắc trong việc tạo ra các sản phẩm thân thiện với môi trường. Nhưng họ lại phải cạnh tranh với những doanh nghiệp xanh giả mạo. Những nhãn hiệu giả mạo này ngày càng tinh vi hơn trong cách thức quảng cáo. Vì vậy chúng tôi can thiệp để có một môi trường kinh doanh bình đẳng hơn", ông Virginijus Sinkevicius, Ủy viên Ủy ban Môi trường EU, cho hay.

Đề xuất này sẽ bao gồm tất cả các sản phẩm tiêu dùng được bán ở EU, trừ khi chúng được điều chỉnh bởi các luật hiện hành của EU về quy định một số nhãn hàng, ví dụ: thực phẩm được dán nhãn hữu cơ. Các nước EU và Nghị viện châu Âu phải đàm phán về luật cuối cùng. Ông Sinkevicius cho biết, ông hy vọng những cuộc đàm phán đó sẽ kết thúc để luật có thể được áp dụng vào năm 2024.

Châu Âu tăng tốc trong cuộc đua năng lượng xanh Châu Âu tăng tốc trong cuộc đua năng lượng xanh

VTV.vn - Đầu tháng này, Ủy ban châu Âu EC đã công bố kế hoạch đầy tham vọng trong cuộc đua năng lượng xanh.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước