Chạy xe ôm, lái xe ba gác, bán vé số dạo… được hỗ trợ bao nhiêu tiền?

Thuỳ An-Thứ sáu, ngày 02/07/2021 11:20 GMT+7

VTV.vn - Gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng theo Nghị quyết 68 có một chính sách hỗ trợ riêng cho đối tượng là lao động tự do.

Hôm qua (1/7), Thủ tướng đã thông qua Nghị quyết 68 về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. Gói hỗ trợ lần này có giá trị khoảng 26.000 tỷ đồng.

Nghị quyết 68 gồm 12 chính sách quy định rõ đối tượng và số tiền được hỗ trợ. Đáng chú ý, Nghị quyết 68 đã quy định riêng 1 chính sách hỗ trợ cho đối tượng lao động tự do. Cụ thể theo Nghị quyết 68, đối với lao động tự do, căn cứ điều kiện cụ thể và khả năng ngân sách của địa phương, các tỉnh, thành phố xây dựng tiêu chí, xác định đối tượng, mức tiền hỗ trợ nhưng mức hỗ trợ không thấp hơn 1,5 triệu đồng/người/lần hoặc 50.000 đồng/người/ngày căn cứ theo thực tế số ngày tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của địa phương.

Giao quyền chủ động cho địa phương

“Trong chỉ đạo của Bộ Chính trị và Chính phủ đặc biệt nhấn mạnh chăm lo cho đối tượng lao động tự do. Đây là một trong những đối tượng bị ảnh hưởng sâu nhất những cũng là đối tượng khó triển khai hỗ trợ nhất”, Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 6 vào chiều qua.

Chạy xe ôm, lái xe ba gác, bán vé số dạo… được hỗ trợ bao nhiêu tiền? - Ảnh 1.

Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết lao động tự do là đối tượng khó triển khai hỗ trợ nhất

“Khi triển khai gói Nghị quyết 42 gặp rất nhiều khó khăn, có những bác tổ trưởng tổ dân phố cho biết phải đi đến 8-9 lần mới gặp được người lao động, đến khảo sát, đánh giá rồi mới hỗ trợ được vì lao động tự do di chuyển thường xuyên, không ổn định nơi cư trú; rồi còn phải lấy xác nhận tại nơi ở, nơi cư trú”, ông Dung nói.

Do đó, nếu như Chính phủ ban hành một chính sách cụ thể và Chính phủ đứng ra hỗ trợ ngân sách cho nhóm đối tượng này sẽ khó khả thi.

"Chúng tôi đã làm việc với TP Hồ Chí Minh, Hà Nội và một số địa phương đông lực lượng lao động tự do đều nhận được sự ủng hộ và hôm nay, Chính phủ đã thống nhất chủ trương hỗ trợ nhóm đối tượng lao động tự do. Nhưng chủ trương này, Chỉnh phủ giao toàn quyền cho địa phương căn cứ vào điều kiện của mình, căn cứ vào khả năng ngân sách của mình chủ động xây dựng tiêu chí, xác định đối tượng, xác định mức tiền”, ông Dung cho biết.

Theo ông Dung, chẳng hạn như TP Hồ Chí Minh vừa thông qua gói hỗ trợ hơn 800 tỷ đồng cũng xác định một số nhóm người lao động làm công việc lái xe ba gác, bốc vác, bán vé số dạo… được hỗ trợ hay ở Đà Nẵng cũng hỗ trợ cho nhóm hướng dẫn viên du lịch được vay tới 100 triệu đồng.

Chạy xe ôm, lái xe ba gác, bán vé số dạo… được hỗ trợ bao nhiêu tiền? - Ảnh 2.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết sẽ trao quyền chủ động cho các địa phương trong việc hỗ trợ lao động tự do nhưng mức hỗ trợ tối thiểu không dưới 1,5 triệu đồng/tháng và tối thiểu không dưới 50.000 đồng

“Cách xử lý như vậy sẽ hợp lý hơn Chính phủ đưa ra quy định hỗ trợ tối thiểu không dưới 1,5 triệu đồng/tháng và tối thiểu không dưới 50.000 đồng. Những địa phương hỗ trợ trên mức đó Chính phủ càng hoan nghênh. Về ngân sách cho gói hỗ trợ lao động tự do sẽ do các địa phương cân đối nguồn thu và dự phòng”, Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết.

Thực hiện song song gói 26.000 tỷ đồng và gói 62.000 tỷ đồng?

Cũng trong buổi họp báo chiều qua, Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội nhận được câu hỏi là có hay không việc thực hiện song song gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng trong Nghị quyết 68 mới được thông qua và gói 62.000 tỷ đồng hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trong Nghị quyết 42 (được thông qua vào năm ngoái)?

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết riêng Nghị quyết 42 đã có 14,4 triệu người được thụ hưởng với tổng số tiền từ ngân sách Nhà nước và các chính sách hỗ trợ khác khoảng 39 nghìn tỷ, trong đó ngân sách Nhà nước hỗ trợ là 13 nghìn tỷ đồng.

Chạy xe ôm, lái xe ba gác, bán vé số dạo… được hỗ trợ bao nhiêu tiền? - Ảnh 3.

Không thực hiện song song 2 gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng và 62.000 tỷ đồng

“Gói này có song song với gói theo Nghị quyết 42 không? Tôi nói là không. Gói 42 chỉ là gói ngắn hạn và đến 31/12/2020, tất cả các chính sách của gói 42 đã hết hiệu lực. Tiền còn lại đã theo chu kỳ ngân sách và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đồng ý chuyển sang sử dụng cho những công việc khác”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước