Để khuyến khích và tạo điều kiện cho doanh nghiệp, Chính phủ đã có nghị định cho phép doanh nghiệp được trích từ 3-10% thu nhập trước thuế để có vốn phát triển khoa học công nghệ. Thế nhưng 3 năm trôi qua, đến nay chỉ mới hơn 50 doanh nghiệp tại TP.HCM trích lập quỹ này.
Công ty VISSAN đã trích lập Quỹ phát triển khoa học công nghệ được 2 năm, số tiền trong quỹ khoảng 14 tỷ đồng. Nhu cầu đầu tư máy móc công nghệ thì nhiều, nhưng tiền vẫn phải “chôn” ở đó vì doanh nghiệp bối rối không biết làm thế nào để sử dụng quỹ này.
“Trong các thông tin nghị định hướng dẫn có quy định: "nếu như máy móc thiết bị muốn đầu tư thì phải được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xem xét, quyết định", chúng tôi hỏi mãi vẫn không biết cơ quan có thẩm quyền xem xét là cơ quan nào, đến bây giờ chúng tôi vẫn loanh quanh với khó khăn này”, bà Đặng Thị Phương Ninh - Phó Tổng Giám đốc VISSAN cho biết.
Theo đại diện Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM, các doanh nghiệp không quan tâm trích lập quỹ vì với quy mô doanh nghiệp nhỏ, mức trích tối đa 10% không đủ đầu tư cho khoa học công nghệ. Ngoài ra, thủ tục quyết toán tài chính rất nhiêu khê.
“Trong 10% này thì 70% là tiền của doanh nghiệp, chỉ có 30% là Nhà nước hỗ trợ bằng việc không thu thuế thu nhập doanh nghiệp nhưng áp dụng quy trình thủ tục thì như quản lý Nhà nước hết sức phức tạp mà đối với doanh nghiệp thường tập trung vào việc nghiên cứu thực tiễn ngay, chứ họ không có nhân lực để làm tất cả thủ tục theo kiểu Nhà nước”, ông Nguyễn Việt Dũng - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM nói.
Một cái khó khác là quy định nội dung chi của quỹ chưa bao quát thực tiễn hoạt động doanh nghiệp. Đơn cử như theo Luật Khoa học công nghệ, các hoạt động khoa học công nghệ bao gồm 6 phần, nhưng với quy định Bộ Tài chính: Quỹ phát triển khoa học công nghệ chỉ được áp dụng cho 2 trong số 6 hoạt động trên, nếu sử dụng không đúng sẽ bị truy thu thuế thu nhập doanh nghiệp và tính lãi phát sinh.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!