Chuyên gia đề xuất giải pháp cho kế hoạch phục hồi kinh tế Việt Nam

Thuỳ An-Thứ sáu, ngày 01/10/2021 15:43 GMT+7

VTV.vn - Tập trung phát triển nền công nghiệp hỗ trợ, mạnh tay hơn cho các chính sách tiền tệ và tài khoá... là những ý kiến đáng chú ý cho chương trình phục hồi kinh tế Việt Nam.

Sáng 1/10, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức Hội nghị tham vấn về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế gắn với nâng cao năng lực nội tại, tính tự chủ của nền kinh tế giai đoạn 2022-2023.

Tại đây, các hiệp hội doanh nghiệp, chuyên gia, tổ chức đã trình bày nhiều ý kiến đóng góp cho chương trình phục hồi kinh tế Việt Nam.

Chuyên gia đề xuất giải pháp cho kế hoạch phục hồi kinh tế Việt Nam - Ảnh 1.

Hội nghị tham vấn về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế gắn với nâng cao năng lực nội tại, tính tự chủ của nền kinh tế giai đoạn 2022-2023 diễn ra vào sáng nay (1/10)

Chiếc lốp ô tô 

Phát biểu tại hội nghị, ông Phan Đăng Tuất, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Công nghiệp Hỗ trợ Việt Nam đánh giá doanh nghiệp hỗ trợ đang bị đứt gãy từ cả 2 phía: Từ đầu ra cho đến cung ứng đầu vào. Và từ tình trạng thực tế hiện tại của ngành công nghiệp hỗ trợ, theo ông Tuất cần nhìn dài hơn đến việc tái cấu trúc nền kinh tế nói chung đến ngành công nghiệp hỗ trợ nói riêng.

Ông Tuất dẫn chứng, ngành công nghiệp hỗ trợ có 4 quy trình cơ bản khai nhiên (khai thác khoảng sản tự nhiên), công nghiệp phụ liệu, công nghiệp hỗ trợ chế tạo từ vật liệu ra, cuối cùng là công nghiệp hoàn thiện ra sản phẩm cuối cùng. 

Ông Tuất đánh giá, ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam hiện nay mới chỉ dừng ở lại khâu gia công, chế tạo chi tiết linh kiện, trong khi máy móc nhập khẩu, linh kiện nhập khẩu. Và điều này tạo ra một khoảng trống cực kỳ nguy hiểm cho nền kinh tế Việt Nam. 

“Một chiếc lốp ô tô nặng 30 kg bán được 4 triệu đồng, trong khi đó cái cao su trong gạt nước của Meceders có 1,7 lạng giá 150 USD. Vật liệu cao su từ cái gạt nước này mới là linh hồn của ngành công nghiệp hiện đại. Hay như trên một chiếc ô tô có 200 mác thép khác nhau, Việt Nam đóng góp được bao nhiêu trong số đó?”, ông Tuất nêu ví dụ.

Chuyên gia đề xuất giải pháp cho kế hoạch phục hồi kinh tế Việt Nam - Ảnh 2.

Ông Phan Đăng Tuất, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Công nghiệp Hỗ trợ Việt Nam lấy ví dụ chiếc lốp ô tô để nhấn mạnh nền kinh tế cần có một ngành công nghiệp hỗ trợ mạnh

Ông Tuất cho rằng chúng ta cần tập trung phát triển ngành công nghiệp vật liệu. Nếu không ngành công nghiệp mãi chỉ là ngành công nghiệp gia công thuần tuý.

“Trong dài hạn, từ nay đến 2023, tôi nghĩ phải làm sao đó phải có một chương trình phát triển công nghiệp vật liệu thì mới nói đến một ngành công nghiệp hiện đại, mới nói đến thay đổi cơ cấu, chiến lược tăng trưởng… Nếu không chúng ta sẽ chỉ dừng lại ở mức độ gia công”, ông Tuất đánh giá.

Cắt giảm lãi suất, thuế

Dưới góc độ rộng hơn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam Phạm Huy Hùng một lần nữa nhấn mạnh tình thế khó khăn chung khi hơn 90.000 doanh nghiệp đóng cửa sau 9 tháng đầu năm. 

Theo ông Hùng, những doanh nghiệp đang gắng gượng phục hồi thì lại đối diện với việc thiếu vốn kinh doanh. Bên cạnh đó là hàng loạt những khó khăn như: Thị trường bị thu hẹp, chuỗi cung bí đứt gãy, chi phí tăng (chi phòng chống dịch, giá thành nguyên vật liệu, giá logicsic…)

Ông Hùng nhấn mạnh để hỗ trợ doanh nghiệp, một trong những giải pháp căn cơ quan trọng nhất là đẩy nhanh tốc độ tiêm đủ 2 mũi vaccine. Ông Hoàng đưa ra mục tiêu tiêm cho 80% dân số trong năm 2021.

Về các gói hỗ trợ thời gian qua, ông Hoàng đánh giá còn thấp và giảm, giãn thuế còn mang tính chất cầm chừng; mức độ hỗ trợ còn ít so với nhu cầu của doanh nghiệp. Thời gian thụ hưởng hỗ trợ là quá ngắn so với nhu cầu và tình hình thực tế của doanh nghiệp. 

Do đó, ông Hùng kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành liên quan điều chỉnh các gói hỗ trợ phù hợp hơn, để doanh nghiệp có thể tiếp cận. 

Chuyên gia đề xuất giải pháp cho kế hoạch phục hồi kinh tế Việt Nam - Ảnh 3.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam Phạm Huy Hùng cho rằng lãi suất cho vay vẫn đang cao so với tỷ suất lợi nhuận bình quân của nền kinh tế

Về phía Ngân hàng Nhà nước, ông Hùng cho rằng lãi suất cho vay thời gian qua đã giảm những vẫn còn cao. Lãi suất huy động giảm nhanh trong thời gian qua những lãi suất cho vay lại giảm chậm. 

“Lãi suất cao so với tỷ suất lợi nhuận bình quân của nền kinh tế, nhiều doanh nghiệp hiện nay đang phải chấp nhận lãi suất tín dụng từ 9-10%. Chúng tôi đề nghị Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước chú ý cần chỉ đạo sâu vấn đề này, để lãi suất cho vay hiện hành trong cả năm 2021 và năm 2022 cho tất cả các doanh nghiệp chỉ từ 7 - 8%”, ông Hùng đề xuất.

Với Bộ Tài chính, ông Hoàng đề nghị xem xét các gói hỗ trợ tín dụng và bảo lãnh cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Bởi theo ông Hùng, đây là những doanh nghiệp bị tổn thương nghiêm trọng, sự suy kiệt năng lực tài chính của họ sẽ tạo ra gánh nặng cho an sinh xã hội, làm chậm sự phục hồi của nền kinh tế.

Mạnh tay hơn

Phân tích sâu hơn về chính sách tài khoá và tiền tệ, TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng dư địa chính sách của ta bây giờ tốt hơn rất nhiều: Lạm phát thấp và ổn định; hệ thống tài chính, tuy còn rủi ro, nhưng vững và tốt hơn rất nhiều; bộ chi ngân sách, và nợ công, tốt hơn nhiều so với 2009; cán cân đối ngoại tốt hơn nhiều, dự trữ ngoại tệ trên 100 tỷ USD…

“Dư địa chính sách còn hay không còn, lớn hay nhỏ là do quan điểm đánh giá. Tôi cho là còn nhiều, và không chi bây giờ hỗ trợ dân, cứu doanh nghiêp là có “tội”, ông Cung cho biết.

Như với chính sách tiền tệ, theo ông Cung ngoài lãi suất, chúng ta có thể mà có thể tăng cung tiền, tăng tín dụng, bỏ trần tìn dụng đối với từng tổ chức tín dung, hoặc các tổ chức đạt điều kiện quy định; có gói tín dung đặc biệt…

Chuyên gia đề xuất giải pháp cho kế hoạch phục hồi kinh tế Việt Nam - Ảnh 4.

TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng cần chi mạnh tay hơn trong quá trình phục hồi nền kinh tế

TS Nguyễn Đình Cung cho rằng muốn phục hồi kinh tế thì phải chấp nhận một mức bội chi ngân sách cao hơn, mạnh tay chi nhiều hơn trước đây.

"Chúng ta không thể tự ta trói ta ở mức bội chi 3-4% như hiện nay mà nên chi tiêu nhiều hơn nữa, phải mạnh tay hơn”, ông Cung đề xuất.

Cùng quan điểm, TS Cấn Văn Lực cũng đồng tình với quan điểm mạnh tay hơn để hỗ trợ nền kinh tế. Theo ông Lực, để hỗ trợ nền kinh tế, nhiều quốc gia đã chấp nhận nợ công tăng, thậm hụt ngân sách tăng. 

“Nợ công toàn cầu đã tăng 20% trong 1,5 năm qua, từ 80% GDP lên 100 GDP toàn cầu. Thâm hụt ngân sách tăng 7% từ 3,2% lên 10,2%. Vấn đề ở đây việc mạnh tay cho các chương trình không phải thực hiện bằng mọi giá mà là chi tiêu có lộ trình, có kiểm soát", ông Lực cho biết.

5 nhóm giải pháp

Góp ý về chương trình phục hồi, ông Nguyễn Đình Cung đưa ra 5 nhóm giải pháp cụ thể. Trong đó, nhóm thứ nhất là tăng cường năng lực kiểm soát an toàn dịch bệnh để mở lại nền kinh tế. Trong nhóm này tập trung vào tìm kiếm cung ứng đủ vaccine; việc ban hành quy định kiểm soát dịch bệnh để mở lại nền kinh tế do Thủ tướng hoặc Chính phủ ban hành; đồng thời tăng cường năng lực hệ thống y tế.

Nhóm thứ hai theo ông Cung, đó là nhóm giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh vượt qua đại dịch. Trong đó có hỗ trợ tín dụng, giảm chi phí (đặc biệt những khoản phí mà doanh nghiệp lỗ cũng phải nộp) trong 2 năm liên tiếp, giảm tiền điện, hỗ trợ tín dụng đặc biệt cho một số ngành bị tê liệt như du lịch, hàng không, miễn phí công đoàn 3 năm liền…

Nhóm thứ ba ông Nguyễn Đình Cung cho biết đó nhóm giải pháp kích thích đầu tư, kích cầu tiêu dùng. Nhóm thứ tư là hỗ trợ an sinh xã hội, hỗ trợ người lao động. Nhóm thứ năm là cải cách môi trường kinh doanh đầu tư, kiên trì tháo bỏ rào cản…

Chuyên gia đề xuất giải pháp cho kế hoạch phục hồi kinh tế Việt Nam - Ảnh 5.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh một chương trình phục hồi và phát triển kinh tế là yêu cầu rất cấp thiết

Trước đó, phát biểu mở đầu hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, Việt Nam vừa qua đã và đang chịu tác động từ đại dịch COVID-19. Tăng trưởng kinh tế chậm lại. GDP quý III âm 6,17%. GDP 9 tháng đầu năm chỉ tăng 1,42% so với cùng kỳ.

Trước thực tế trên, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách để hỗ trợ chia sẻ khó khăn người dân, doanh nghiệp.

“Chính sách hỗ trợ chủ yếu bao gồm cả chính sách tài khóa và tiền tệ về thuế, phí, lệ phí, khoanh nợ, giãn nợ, gia hạn và giảm lãi suất các khoản vay, chi ngân sách nhà nước với quy mô khoảng 6,7 tỷ USD.

Nếu tính cả các khoản hỗ trợ qua các kênh khác như Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp, các khoản miễn, giảm cước viễn thông, điện, nước, học phí, quy mô các gói hỗ trợ năm 2021 vào khoảng 10,45 tỷ USD - tương đương 2,84% GDP”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng thông tin.

Hiện Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã và đang thực hiện phối hợp với các bộ ngành địa phương xây dựng chương trình phục hồi và phát triển kinh tế gắn với nâng cao năng lực nội tại và tính tự chủ của nền kinh tế giai đoạn 2022-2023.

“Việt Nam đã bắt đầu thay đổi cách tiếp cận với dịch COVID-19 theo hướng “thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19. Do đó, một chương trình phục hồi và phát triển kinh tế là yêu cầu rất cấp thiết”, ông Dũng nhấn mạnh.

Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước