Chiến lược đầu tư trong giai đoạn còn lại của năm 2023 sẽ ra sao?

P.V-Thứ tư, ngày 12/07/2023 16:06 GMT+7

VTV.vn - Tăng trưởng GDP Quý II/2023 đã có sự cải thiện hơn so với quý I, tuy nhiên, tính chung 2 quý đầu năm thì GDP vẫn ở mức 3,72%, thấp so với kỳ vọng và mục tiêu đề ra.

Trước đó, Quốc hội và Chính phủ đã đưa ra nhiều giải pháp để hỗ trợ cho doanh nghiệp và nền kinh tế như giảm lãi suất liên tiếp, thúc đẩy đầu tư công hay giảm thuế VAT… và thị trường chứng khoán cũng đã đi trước đón đầu với điểm số và thanh khoản tăng cao. 

Trao đổi trong Talk show Phố Tài Chính (The Finance Street Talk Show) trên VTV8, các chuyên gia đánh giá, trong hai quý còn lại của năm 2023, nền kinh tế sẽ có những diễn biến tích cực hơn, qua đó thị trường chứng khoán cũng sẽ tiếp tục trong xu hướng đi lên dần đều.

Chiến lược đầu tư trong giai đoạn còn lại của năm 2023 sẽ ra sao? - Ảnh 1.

BTV Mùi Khánh Ly: Như các ông cũng đã thấy nền kinh tế quý II/2023 đã có sự cải thiện so với quý I nhưng vẫn thấp hơn so kỳ vọng và mục tiêu của năm là 6,5%, các ông đánh giá như thế nào về điều này?

Ông Hoàng Công Tuấn, Kinh tế trưởng, Công ty CP Chứng khoán MB (MBS): Với các con số vĩ mô hiện tại, chúng tôi đánh giá rằng nền kinh tế của Việt Nam trong năm 2023 đang phải đối diện với hai yếu tố tác động chính. Thứ nhất, đó là nền kinh tế thế giới nói chung hiện nay đang trong giai đoạn tương đối khó khăn, khi tăng trưởng kinh tế toàn cầu dự kiến trong năm nay chỉ ở mức độ 2,1%, thấp hơn đáng kể so với mức độ trên 3% của năm ngoái. Nguyên nhân là các đầu tàu kinh tế lớn, ví dụ như Mỹ, EU, Trung Quốc đều tăng trưởng khá khiêm tốn và họ đang đối mặt với những khó khăn nhất định của riêng họ. Còn nền kinh tế Việt Nam là một nền kinh tế mở và chúng ta cũng đã thấy rằng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam luôn ở mức độ trên 200% GDP, cho nên nền kinh tế của chúng ta cũng chịu ảnh hưởng từ diễn biến của nền kinh tế toàn cầu.

Chúng ta nhìn vào các công ty liên quan đến xuất khẩu như thủy sản, dệt may hoặc xuất khẩu đồ gỗ thì đều cho thấy kết quả kinh doanh suy giảm. Nguyên nhân thứ hai khiến nền kinh tế của chúng ta gặp những khó khăn, không chỉ là hai quý đầu năm mà có thể cả những quý tới, đó là sự trầm lắng của thị trường bất động sản, đã tác động lên sức khỏe tài chính khiến các bên đều khó khăn hay gây áp lực lên các khoản vay của ngân hàng. Chúng ta biết rằng 21% tổng dư nợ tín dụng của toàn bộ nền kinh tế nằm trong lĩnh vực bất động sản. Chính vì vậy mà trong quý I vừa rồi, mức độ suy giảm về lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết trên sàn là khoảng 18%, so với quý II thì chúng ta chưa có con số cụ thể. Tuy nhiên, theo đánh giá của chúng tôi, quý II sẽ có những tiến bộ và khởi sắc hơn so với quý I.

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn Đầu tư, Maybank Investment Bank: Chúng ta thấy chỉ số PMI vừa mới công bố thấp hơn 50 điểm và điều này đã diễn ra trong suốt bốn tháng liên tiếp, và chỉ số PMI dưới 50 điểm là chỉ báo cho thấy nền kinh tế đang bị thu hẹp. Tuy nhiên, mặc dù số liệu kinh tế chưa có nhiều cải thiện nhưng có tích cực dần qua các quý. Cụ thể, GDP quý I tăng trưởng được hơn 3%, tuy nhiên GDP quý II lại tăng trưởng được hơn 4%. Hoặc là chỉ số PMI mặc dù nằm dưới 50 điểm, nhưng chỉ số PMI tháng 6 này cũng tốt hơn so với tháng trước đó và cũng bắt đầu tiến gần đến mức 50 điểm này, là mức mà nền kinh tế đang chuẩn bị được mở rộng nhiều hơn. Bởi vậy, tôi dự báo trong quý III và quý IV, nền kinh tế sẽ dần sẽ được cải thiện nhiều hơn. Bên cạnh đó, có một yếu tốt rất tốt nữa đó là chính sách tài khóa hiện nay cũng đang song hành với chính sách tiền tệ, do vậy từ quý III, quý IV, chúng ta có thể nhìn thấy nền kinh tế sẽ ngày càng được cải thiện nhiều hơn để tạo được bệ phóng cho năm 2024.

BTV Mùi Khánh Ly: Vậy theo các ông với những phân tích ở trên, trong hai quý còn lại của năm 2023 sẽ cần có những chính sách như thế nào để thúc đẩy nền kinh tế đạt được mục tiêu đã đề ra?

Chiến lược đầu tư trong giai đoạn còn lại của năm 2023 sẽ ra sao? - Ảnh 2.

Ông Hoàng Công Tuấn, Kinh tế trưởng, Công ty CP Chứng khoán MB (MBS): Các giải pháp của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước trong thời gian vừa qua đã hết sức kịp thời, đúng và trúng và có khả năng sẽ hỗ trợ đáng kể cho thị trường chứng khoán nói riêng và nền kinh tế nói chung. Thứ nhất, nhìn từ góc độ tài khóa, trong những tháng đầu năm, tăng trưởng đầu tư từ khu vực nhà nước ở mức cao hơn đáng kể so với cùng kỳ. Chúng tôi đánh giá trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn và nguồn thu hạn hẹp, đây là một nỗ lực rất lớn của Chính phủ. 

Nếu nhìn trên phương diện chính sách tiền tệ, thì tỷ giá đã ổn định trở lại và lạm phát duy trì ở mức độ tương đối thấp, Ngân hàng Nhà nước cũng đã hết sức quyết liệt trong việc giảm mạnh mặt bằng lãi suất điều hành và qua đó giảm mạnh mặt bằng lãi suất huy động. Chúng ta kỳ vọng rằng, trong thời gian tới, mặt bằng lãi suất cho vay cho toàn bộ nền kinh tế sẽ có sự giảm mạnh đáng kể đi kèm với sự suy giảm của mặt bằng lãi suất huy động. Chúng ta thấy trong những tháng đầu năm, nhiều ngân hàng vẫn tiếp tục duy trì mặt bằng lãi suất huy động kỳ hạn trên một năm ở mức độ khoảng 8-9%. Còn bây giờ, các ngân hàng thương mại lớn và trụ cột đã duy trì mặt bằng lãi suất huy động ở mức 6,3%. Nếu chúng ta so sánh mặt bằng lãi suất này sẽ thấy nó đã quay về mức thấp hơn cả mức của năm 2019, tức là năm trước khi xảy ra đại dịch COVID-19. Như vậy, với mặt bằng lãi suất này, nền kinh tế sẽ có rất nhiều yếu tố thuận lợi để tiếp tục cải thiện và phục hồi trong những tháng cuối năm.

Tuy nhiên, các yếu tố khách quan, ví dụ như triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu tương đối thấp và khiêm tốn trong năm nay khó để Việt Nam có thể tạo nên những bước tăng trưởng mạnh mẽ và đột phá trong hai quý cuối năm được, nên chúng ta kỳ vọng rằng nền kinh tế sẽ ấm dần và tạo nên những bước tiến vững chắc cho đà phục hồi của năm sau.

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn Đầu tư, Maybank Investment Bank: Trong bối cảnh những nền kinh tế lớn như là Mỹ và Châu Âu, chính sách tài khóa của họ vẫn đang theo hướng thắt chặt, nhưng tại Việt Nam, chính sách nới lỏng hơn và theo hướng hỗ trợ nền kinh tế và doanh nghiệp thì lại giúp dòng tiền đổ vào nhiều hơn. Nghĩa là chúng ta đang có nền tảng và điều kiện để thu hút những dòng vốn từ trong và ngoài nước. Và nói về chính sách thì cần phải lưu ý là trong khi bóng đen lạm phát hiện nay trên thế giới vẫn đang là nỗi lo, thì chúng ta nên điều hành chính sách theo cơ chế linh hoạt sẽ tốt hơn là thắt chặt nhiều quá hoặc là nới lỏng nhiều quá. Hiện nay, tỷ giá đồng Việt Nam so với USD cũng như so với những đồng tiền khác trong nhiều năm gần đây, đang ở một mức ổn định. Điều này làm cho các nhà đầu tư, đặc biệt là những nhà đầu tư nước ngoài và các doanh nghiệp xuất nhập khẩu rất ưa thích. Bởi vậy, tôi kỳ vọng quý III, quý IV và những năm tiếp theo, chúng ta vẫn tiếp tục có thể duy trì được chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ một cách linh hoạt như hiện nay.

BTV Mùi Khánh Ly: Thị trường chứng khoán đã có những phản ứng tích cực khi có nhiều giải pháp thúc đẩy nền kinh tế được đưa ra trước đó. Tuy nhiên trước bối cảnh kinh tế quý II như vậy thì theo các ông, diễn biến thị trường trong phần còn lại của năm 2023 sẽ như thế nào?

Ông Hoàng Công Tuấn, Kinh tế trưởng, Công ty CP Chứng khoán MB (MBS): Thị trường chứng khoán Việt Nam trong hai quý đầu năm đã có những thành tích tương đối ấn tượng. Chỉ số VN-Index đã tăng trở lại khoảng trên 11%. Tôi cho rằng nếu như trong hai quý cuối năm, diễn biến của nền kinh tế vĩ mô đúng như những gì chúng tôi đánh giá, thì thị trường chứng khoán Việt Nam đã chính thức tạo đáy và sẽ đi lên, mặc dù mức độ đi lên của thị trường chứng khoán trong năm 2023 sẽ không quá nhiều và quá mạnh. 

Chúng tôi đưa ra hai lý do sau. Thứ nhất là về động lực thuận lợi, đấy chính là mặt bằng lãi suất đã được giảm đi đáng kể, khi mặt bằng lãi suất giảm thì các nhà đầu tư nhận thấy rằng rủi ro trên thị trường chứng khoán sẽ giảm và do đó, mức độ sẵn sàng tham gia thị trường sẽ cao hơn, dòng tiền sẽ đổ vào thị trường nhiều hơn.Các dòng tiền từ các kênh đầu tư khác, ví dụ như là tiết kiệm hoặc là bất động sản, nhận thấy rằng thị trường chứng khoán có những triển vọng tốt thì dòng tiền từ các kênh này cũng sẽ chảy ngược trở lại thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, chúng ta cũng phải đối diện với một cơn gió ngược của thị trường chứng khoán, đó là triển vọng tăng trưởng lợi nhuận khá là khiêm tốn của các công ty niêm yết trong năm nay. Đây là một trong những thời điểm rất hiếm hoi mà các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam đã báo cáo lợi nhuận suy giảm. Chỉ có những năm mà kinh tế vĩ mô đặc biệt khó khăn, ví dụ như năm 2011, khi chúng ta đối diện với mặt bằng lãi suất cao và tỷ giá biến động rất mạnh, hoặc năm 2020 có những quý mà chúng ta phải đối diện với tình trạng phong tỏa bởi COVID-19 thì các doanh nghiệp mới diễn ra tình trạng như thế này. Vậy thì đến quý II và quý III/2023, chúng tôi đánh giá sẽ có những điểm sáng hơn. Tuy nhiên theo góc nhìn của tôi, cũng sẽ khó để các công ty niêm yết có thể thông báo lợi nhuận có sự cải thiện mạnh mẽ trong năm 2023 được, đặc biệt là các lĩnh vực liên quan đến xuất khẩu, tiêu dùng… lợi nhuận của các doanh nghiệp thuộc nhóm này sẽ có xu hướng suy giảm đáng kể so với năm ngoái, mặc dù sẽ có cải thiện trong hai quý cuối năm.

Chiến lược đầu tư trong giai đoạn còn lại của năm 2023 sẽ ra sao? - Ảnh 3.

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn Đầu tư, Maybank Investment Bank: Theo tôi, sáu tháng cuối năm 2023, xu hướng thị trường chứng khoán vẫn sẽ mang tính chất tích cực nhiều hơn, dĩ nhiên cũng sẽ có những thời điểm thị trường điều chỉnh. Từ giai đoạn sau Tết cho đến tận hồi đầu tháng 6 thì thị trường gần như là đi ngang trong biên độ từ 1.020 điểm cho đến 1.100 và nằm ở trong biên độ đó trong suốt bốn tháng. Tuy nhiên, từ tháng 6 đến nay, thị trường đã bắt đầu phá vỡ được vùng kháng cự đó và đi lên một tầm cao mới, thanh khoản đã được cải thiện liên tục. Đây sẽ là tiền đề để những dòng tiền tiếp theo tiếp tục đổ vào trong quý III, quý IV và đặc biệt là trong năm 2024. 

Tuy nhiên, báo cáo kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm của các doanh nghiệp sẽ phản ánh khá nhiều vào thị trường chứng khoán trong quý III vào quý IV này và sẽ là những yếu tố quyết định quan trọng cho xu hướng của thị trường trong quý III, quý IV vào năm 2024. Tuy nhiên, theo tôi thấy thì những số liệu này cũng đang dần được cải thiện, cho thấy mức độ hấp thụ những chính sách tài khóa và tiền tệ vào nền kinh tế đang tương đối tốt, mặc dù có xu hướng hơi chậm một chút, nhưng chậm mà chắc. Tôi tin rằng quý III và quý IV vẫn là một xu hướng tích cực của thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, trong năm nay, các nhà đầu tư không nên kỳ vọng rằng mức độ tăng trưởng của thị trường chứng khoán sẽ có thể quay về được thời hoàng kim giống như năm 2021. Và bệ phóng mà theo tôi nghĩ, thị trường chứng khoán sẽ tới mức độ tăng trưởng vượt bậc đó là vào năm sau, năm 2024.

BTV Mùi Khánh Ly: Hiện có ý kiến cho rằng thị trường đang có nhiều nhà đầu tư cá nhân tham gia, điều này có thể giúp thị trường có sự tăng trưởng mạnh mẽ nhưng cũng có thể là nguyên nhân khiến thị trường quay đầu nhanh và giảm sâu… khi có yếu tố bất ngờ. Theo ý kiến của các ông thì sao?

Ông Hoàng Công Tuấn, Kinh tế trưởng, Công ty CP Chứng khoán MB (MBS): Tôi đánh giá rằng chúng ta cần phải thích ứng với câu chuyện này. Nhìn theo xu hướng chung của các các thị trường đi trước trên thế giới thì chúng tôi cho rằng ít nhất là trong vòng 5-7 năm tới, các nhà đầu tư cá nhân vẫn sẽ đóng vai trò và vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong các giao dịch trên thị trường chứng khoán. Các nhà đầu tư cá nhân có đặc điểm, đó là tính biến động và yếu tố ảnh hưởng bởi cảm xúc tâm lý khá cao. Do đó, khi thị trường chứng khoán gặp những khó khăn thì thông thường áp lực gây ra cho thị trường sẽ khá mạnh. Tuy nhiên, cũng có thuận lợi, đó là khi thị trường cũng như nền kinh tế đang có những diễn biến tích cực, thuận lợi thì dòng tiền của các nhà đầu tư cá nhân lại sẵn sàng tham gia thị trường hết sức dồi dào. 

Với bối cảnh hiện nay, chúng tôi nghĩ rằng đang là các yếu tố thuận lợi, lạm phát của chúng ta thấp, lãi suất đã hạ nhiều, tỉ giá hối đoái ổn định và chúng ta có thặng dư cán cân thanh toán. Đồng thời, mặc dù tăng trưởng GDP ở mức độ khiêm tốn nhưng lại có triển vọng phục hồi mạnh mẽ và rõ ràng hơn trong những quý tới.

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn Đầu tư, Maybank Investment Bank: Thông thường các nhà đầu tư cá nhân có xu hướng đầu tư ngắn hạn lướt sóng nhiều hơn, đặc biệt là đối với những nhóm cổ phiếu có vốn hóa trung bình và nhỏ, những nhóm này có thể tăng rất mạnh trong một khoảng thời gian ngắn, nhưng cũng có thể giảm rất nhanh và sâu cũng trong một khoảng thời gian ngắn. Tuy nhiên, khi họ đã rút ra khỏi nhóm này thì họ lại chuyển sang những nhóm khác, có nghĩa là dòng tiền đó cũng vòng vòng ở trên thị trường chứng khoán chứ không phải là hôm nay họ đầu tư vào mã này xong rồi, ngày mai họ sẽ rút ra chuyển sang mua đất hay mua vàng, xác suất này cũng có nhưng tỷ lệ không nhiều. Bên cạnh đó, dòng tiền từ các nhà đầu tư tổ chức, các nhà đầu tư nước ngoài cũng đang dần trở lại trên thị trường. Một số định chế tài chính lớn cũng đã bắt đầu giải ngân với một tốc độ nhanh hơn và cao hơn. Bởi vậy, đây cũng sẽ là một bệ đỡ rất lớn và nhà đầu tư cá nhân không đơn độc ở trên thị trường.

BTV Mùi Khánh Ly: Vậy thì các nhà đầu tư nên làm gì vào thời điểm này, theo hai ông?

Ông Hoàng Công Tuấn, Kinh tế trưởng, Công ty CP Chứng khoán MB (MBS): Đối với các nhà đầu tư nên có một chiến lược xuyên suốt trong quá trình đầu tư. Như trong hai quý tháng còn lại của năm 2023, chúng tôi đánh giá thị trường vẫn sẽ đi lên nhưng sẽ tương đối chậm chạp và có thể xen lẫn những nhịp điều chỉnh. Với những nhà đầu tư có xu hướng trading nhanh trên thị trường thì có thể tận dụng những nhịp điều chỉnh này để cơ cấu lại danh mục với mức giá vốn hợp lý qua đó thu được lợi nhuận. Còn đối với những nhà đầu tư có xu hướng dài hạn hơn thì có thể tập trung vào nhóm cổ phiếu sẽ được hưởng lợi từ môi trường vĩ mô trong thời gian tới. chúng tôi đánh giá một số nhóm có xu hướng tạo đáy về mặt lợi nhuận và sẽ đi lên. 

Thứ nhất đó là nhóm chứng khoán, với môi trường thị trường chứng khoán ấm lên thì khả năng cao nhóm chứng khoán vẫn tiếp tục sẽ duy trì kết quả kinh doanh tốt hơn, ấn tượng hơn trong quý II và quý III, quý IV. Nhóm thứ hai là nhóm ngân hàng với mặt bằng lãi suất giảm thì nhóm ngân hàng sẽ tương đối là tốt và cuối cùng là nhóm những công ty mà họ sẽ phục hồi sau khoảng thời gian khó khăn, bởi vì nền kinh tế vĩ mô gặp khó khăn. Ví dụ như nhóm sắt, thép hay nhóm bán lẻ… 

Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng việc đón nhận một con sóng lớn của thị trường chứng khoán tương tự như 2021 có lẽ là không lặp lại vào năm 2023, nên các nhà đầu tư cá nhân cần có một chiến lược cụ thể và bám sát đi theo chiến lược đó, như vậy thì mới có thể có lợi nhuận trong thị trường chứng khoán với những diễn biến của năm nay.

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn Đầu tư, Maybank Investment Bank: Khi quý III và quý IV này, thị trường chứng khoán có thể tích lũy được một cách vững chắc hơn thì thời điểm hiện tại chính là cơ hội cho các nhà đầu tư, đặc biệt là những nhà đầu tư đang có tỷ trọng tiền mặt lớn và đang có một sự kỳ vọng mang lại lợi nhuận tốt trong vòng một năm sắp tới. Bởi vì dòng tiền hiện nay đã bắt đầu đổ vào thị trường chứng khoán nhiều hơn. Số liệu mở tài khoản mới của các nhà đầu tư trong tháng 5 đã gấp 5 lần so với hồi tháng 4, cho thấy dòng tiền đang dần quay trở lại. 

Ngoài ra, chúng ta cũng thấy trong 6 tháng đầu năm nay, các kênh đầu tư khác từ vàng cho đến ngoại khối rồi cho đến bất động sản hay kênh trái phiếu đều yếu, bởi vậy, trong khi thị trường chứng khoán lại đang được hưởng lợi, được hỗ trợ từ chính sách nới lỏng bao gồm chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa như hiện nay, và đặc biệt, lãi suất liên tục giảm và cho đến giờ thời điểm này không còn thấy ngân hàng thương mại nào niêm yết mức lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng trên 8% nữa, nên dòng tiền theo tôi thấy sẽ bắt đầu đổ dần vào những kênh đầu tư như chứng khoán.

BTV Mùi Khánh Ly: Xin cảm ơn hai ông về những thông tin trên!

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước