Đầu năm 2010, hai anh em Lục Nghiêm Minh và Lục Nghĩa Thành chung vốn sắm đôi tàu làm nghề giã cào kéo đôi hoạt động ở ngư trường từ Quảng Ngãi đến Quảng Bình. Đôi tàu sắm sửa trị giá gần 2 tỷ đồng hoạt động chưa đầy 2 năm thì một chiếc bị tàu nước ngoài bắt giữ, chiếc còn lại được trả về. Tàu còn một chiếc không thể đi nghề giã cào đôi được nên từ đó đến nay vẫn neo mãi tại bến.
Anh Minh cho biết, khi tai nạn tàu thuyền xảy ra, quỹ Tấm lưới nghĩa tình"đã hỗ trợ cho anh 200 triệu đồng, nhưng số tiền đó không đủ để đóng mới tàu, trong khi nợ ngân hàng vẫn còn, do vậy anh đã dùng tiền hỗ trợ để thanh toán các khoản nợ, neo chiếc tàu còn lại, chấp nhận đi bạn cho người khác.
Khi mới khởi nghiệp, những người như anh Minh, anh Thành thường dễ tiếp cận vốn bởi khi đó họ còn tài sản là những con tàu để thế chấp. Nhưng khi xảy ra tai nạn, tàu thuyền mất đi hoặc hư hỏng không còn khả năng đánh bắt lại rất khó để tiếp cận vốn.
Do vậy, điều mà ngư dân mong muốn là các tổ chức tài chính không chỉ dựa trên tài sản có sẵn của ngư dân như tàu thuyền dùng thế chấp, mà hãy chú trọng hơn đến khả năng hoàn vốn của ngư dân nếu như họ tiếp tục được vay đóng mới tàu, vươn khơi bám biển. Và nên chăng ngư dân cũng cần có những tổ chức như bảo lãnh tín dụng, vay vốn ủy thác để họ có điều kiện hơn trong tiếp cận vốn vay.
Ông Trần Em, Phó chủ tịch UBND huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi cho biết: “Số tiền đóng một con tàu rất lớn nên việc vay vốn ngân hàng để đóng mới, sửa chữa chỉ còn khoảng 30% nên nhiều người phải vay nóng bên ngoài”.
Khi không còn tài sản thế chấp tín dụng, ngư dân chỉ có thể chọn hình thức tín dụng đen. Nhiều người "né" được tín dụng dụng đen thì phải chấp nhận vay tiền từ các đầu nậu thu mua hải sản. Với hình thức này, mỗi chuyến biển về họ chỉ bán được cho một người và đơn giá sản phẩm đều do chủ đầu nậu quyết định. Và ngư dân vẫn là người chịu thiệt.
Vấn đề vốn và cách tiếp cận vốn cho ngư dân hiện đang được Đảng, Nhà nước tiếp tục tháo gỡ khó khăn. Trong khi chờ đợi, những chiếc tàu hàng trăm mã lực như của anh em nhà anh Minh, anh Thành vẫn chịu cảnh phơi nắng phơi sương vì không đủ đôi, đủ cặp để vươn ra ngư trường.