Chính sách visa thông thoáng - “Chìa khóa” hút khách quốc tế

VTV Digital-Thứ bảy, ngày 11/03/2023 13:46 GMT+7

VTV.vn - Các doanh nghiệp du lịch, chuyên gia rất mong chờ Việt Nam sớm có những thay đổi trong chính sách visa để thu hút du khách quốc tế.

Năm 2023, du lịch Việt Nam đặt mục tiêu đón 110 triệu lượt khách, trong đó khoảng 8 triệu lượt khách quốc tế. Khách du lịch nội địa khoảng 102 triệu lượt. Tổng thu từ khách du lịch khoảng 650.000 tỷ đồng.

Du khách ưa thích tour du lịch nội địa

Với việc mở cửa trở lại hoạt động du lịch từ 15/3/2022, Việt Nam được Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) đánh giá là một trong những nước có chính sách mở cửa cởi mở nhất thế giới. Việt Nam cũng là một trong những nước mở cửa sớm nhất khu vực. Có thể nói, đến thời điểm này những chỉ tiêu về du lịch đã đạt được kết quả hết sức đáng khích lệ. Năm 2023 liệu chúng ta có đạt được các mục tiêu đã đề ra? Đặc biệt từ ngày 15/3 tới, Trung Quốc sẽ chính thức tổ chức các tour du lịch theo đoàn đến Việt Nam.

Chính sách visa thông thoáng - “Chìa khóa” hút khách quốc tế - Ảnh 1.

Nhiều du khách lựa chọn du lịch nội địa. (Ảnh minh họa - Ảnh: Dân trí)

Từ đầu năm đến nay, Việt Nam đã đón 20 triệu lượt khách nội địa; tổng thu từ khách du lịch ước đạt 85.600 tỷ đồng. Sau giai đoạn bị kìm nén do dịch bệnh, nhu cầu đi du lịch của người dân dường như đã có sự bùng nổ và du lịch nội địa chính là lựa chọn của nhiều du khách.

"Thích đi du lịch trong nước vì Việt Nam có nhiều danh lam thắng cảnh đẹp", một du khách nam chia sẻ.

"Lâu ngày không được đi du lịch với mọi người. Đến đây rất đông, vui, sôi động. Cảm giác vỡ òa khi được đi du lịch lại", một du khách nữ bày tỏ.

Nhiều giải pháp kích cầu du lịch nội địa

Nhiều du khách lựa chọn du lịch nội địa. Có được điều này là nhờ các cơ quan chức năng, các doanh nghiệp du lịch đã chủ động để xây dựng một chiến lược nhằm hút khách ngay khi dịch bệnh được kiểm soát.

"Tôi cũng làm việc với các đối tác là các cơ quan, ban ngành tại địa phương. Chúng tôi chỉn chu lại các điểm đến, nhiều khi vẫn là những điểm cũ đến nhưng đã có trùng tu và cải tạo để mình linh hoạt đưa ra sản phẩm và kết nối du lịch giữa văn hóa của các địa phương dân tộc, đưa những trải nghiệm về văn hóa dân tộc của các địa phương, lồng ghép vào các chương trình tour", bà Nguyễn Hoài Thu, Phó Giám đốc Chi nhánh lữ hành Saigontourist chi nhánh Hà Nội, cho biết.

"11 tỉnh đồng bằng sông Hồng sẽ xây dựng những sản phẩm trên cơ sở thế mạnh của mình, nhưng kết nối vào với nhau để gia tăng thêm những trải nghiệm cho du khách. Chúng tôi hy vọng là đấy cũng sẽ là những sản phẩm bùng nổ trong năm 2023", bà Nguyễn Hương Giang, Giám đốc Sở du lịch Hà Nội, cho hay.

Cạnh tranh gia tăng trong du lịch Đông Nam Á

Khi "cơn khát" du lịch trong đại dịch COVID-19 được giải tỏa, du lịch nội địa năm 2023 sẽ khó có thể đạt được sự tăng trưởng đột biến như năm 2022. Bên cạnh đó, các thị trường quốc tế cũng đang dần mở cửa sẽ là nhiều lựa chọn cho du khách và tạo ra sự cạnh tranh cho thị trường trong nước. Thực tế, các nước trong khu vực đang rất mạnh trong thu hút khách, trong đó có khách đến từ Việt Nam và khách quốc tế khác.

Theo trang CNBC, khu vực Đông Nam Á đang có rất nhiều tiềm năng vực dậy lĩnh vực du lịch. Nhìn sang các quốc gia trong khu vực năm 2022, lượng khách quốc tế đến Singapore là 6,3 triệu, Thái Lan là 10 triệu, Malaysia là 7,2 triệu.

Doanh thu từ khách du lịch quốc tế của các quốc gia này năm 2022 cũng bật tăng mạnh mẽ cho thấy sự phục hồi sau đại dịch. Singapore đạt 10,8 tỷ USD, Thái Lan đạt 43 tỷ USD và Malaysia đạt khoảng 5,8 tỷ USD.

Bước sang năm 2023, với các chính sách thông thoáng, cởi mở hơn về thị thực, thủ tục xuất nhập cảnh, cùng các chiến lược quảng bá, tiếp thị du lịch được đầu tư lớn, một số nước trong khu vực đặt mục tiêu tăng trưởng rất cao, trong đó Thái Lan dự kiến sẽ đạt 30 triệu khách du lịch quốc tế trong năm 2023 và 80 triệu khách du lịch quốc tế vào năm 2027.

Vắng khách du lịch, nhiều khách sạn đóng cửa

Với dữ liệu trên, con số mục tiêu 8 triệu lượt khách quốc tế không dễ dàng. Theo Chỉ số phục hồi du lịch sau dịch COVID-19 từ báo cáo của Hội đồng Tư vấn Du lịch (TAB), chỉ số phục hồi của ngành du lịch Việt Nam năm 2022 là 18,1% - đứng cuối bảng phục hồi du lịch quốc tế của khu vực. Trong khi chỉ số này cao nhất là của Singapore 30,9%, của Malaysia là 27,5% hay của Thái Lan là 22%.

Bên cạnh những con số, không ít khách sạn chuyên phục vụ khách quốc tế vẫn trong tình cảnh ế ẩm, thậm chí phải rao bán.

Cho thuê nhà, nhà bán, biển rao bán, cho thuê mới được dán đè lên biển cũ… là những hình ảnh dọc đường Lý Tự Trọng, Quận 1, TP Hồ Chí Minh, một tuyến đường nổi tiếng thu hút khách nước ngoài khi đến với thành phố.

Nhiều khách sạn đóng cửa hoặc phải chuyển đổi công năng sang văn phòng cho thuê. Một số tuyến đường trung tâm khác như Phạm Ngũ Lão, Đề Thám, Bùi Viện... cũng rơi vào trường hợp tương tự. Thiếu vắng khách du lịch là lý do chính khiến việc kinh doanh dịch vụ lưu trú không còn sức hấp dẫn.

Khách quốc tế chiếm đến 80 - 90% hoạt động kinh doanh, cơ sở lưu trú tại phố Tây Bùi Viện này cho biết, tỷ lệ lấp đầy phòng chỉ đạt 1/3 trong những ngày thường. Lợi nhuận không đủ bù chi phí vận hành nên buộc phải làm thêm các dịch vụ khác để xoay xở.

"Phòng bây giờ rất trống, chiếm đầy phòng chỉ khoảng 20 - 30%, ví dụ như cuối tuần thì full phòng, còn bình thường thì trống phòng. Để cân đối chi phí, tôi cũng phải cố gắng làm thêm dịch vụ phụ, chẳng hạn như: bán vé máy bay, bán vé xe lửa, xe bus và làm các tour cá nhân…", bà Võ Thanh Loan, Chủ cơ sở Loan Võ Hostel, Quận 1, TP Hồ Chí Minh, cho biết.

Đối với lượng khách đi theo đoàn, tour thông qua công ty du lịch cũng chưa phục hồi rõ nét. Dữ liệu từ Công ty Du lịch Vietravel cho thấy, từ giữa tháng 3/2022 đến nay, khách nước ngoài đến Việt Nam thông qua công ty chỉ đạt 25% so với năm 2019. Con số này vẫn còn kém xa so với mục tiêu đề ra là phục hồi khoảng 70%.

"Thị trường nguồn của chúng tôi vẫn tập trung vào thị trường chính là Trung Quốc, Nhật Bản và Nga. Những thị trường này hiện nay chúng ta đang còn có yếu tố chưa được tốt, ví dụ như chính sách du lịch mở cửa các nước này vẫn chưa được thông thoáng. Thứ hai là mức giá vì yếu tố xăng dầu tăng dẫn đến các hãng hàng không họ chưa mở đầy đủ các chuyến bay thường lệ giống như năm 2019", bà Huỳnh Phan Phương Hoàng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Vietravel, cho hay.

Mong muốn từ khách du lịch nước ngoài

Trong 3 năm trước đại dịch COVID-19, trung bình khách quốc tế đến Việt Nam chỉ bằng 1/5 khách nội địa nhưng đóng góp khoảng 58% tổng thu nhập từ khách du lịch. Năm 2019, tổng thu từ khách du lịch quốc tế chiếm 18,3 tỷ USD trong tổng doanh thu 32,8 tỷ USD toàn ngành du lịch tạo ra.

"Các điểm du lịch của các bạn đều có dịch vụ tương đối tốt. Tôi chỉ nghĩ là cần có thêm không gian cho người đi bộ và thêm phương tiện công cộng như là tàu điện, để du khách có nhiều lựa chọn hơn", một du khách nữ đến từ Anh nói.

"Tôi nghĩ một số dịch vụ như nhà hàng, quán ăn hay phương tiện đi lại nên niêm yết giá công khai để du khách tiện tham khảo và an tâm hơn khi sử dụng, nhưng quan trọng nhất là việc cấp thị thực cho khách quốc tế cần đơn giản, nhanh gọn", một du khách nam đến từ Anh nêu quan điểm.

"Thời hạn visa tại Việt Nam chỉ 15 ngày, nếu thời hạn dài hơn có thể chúng tôi sẽ ở lại đất nước các bạn lâu hơn", một du khách nam đến từ Australia cho biết.

Chính sách visa thông thoáng - "Chìa khóa" thu hút khách quốc tế

Vấn đề visa được các du khách nhắc tới khá nhiều. Đây được đánh giá là điểm yếu khiến du lịch Việt Nam mất đi nguồn thu với khách quốc tế. Trong khi đó, nhiều nước trong khu vực Đông Nam Á đã cấp thị thực lên tới 30 - 45 ngày, thậm chí như Thái Lan, du khách có thể lưu trú tới 90 ngày. Nó cũng lý giải vì sao các nước hàng xóm hút được nhiều khách hơn. Các doanh nghiệp du lịch, các chuyên gia rất mong chờ Việt Nam sẽ sớm có những thay đổi trong chính sách visa từ thời gian lưu trú, rút ngắn thời gian làm thủ tục, mở lại thị thực online và cấp thị thực ngay tại cửa khẩu…

Chính sách visa thông thoáng - “Chìa khóa” hút khách quốc tế - Ảnh 2.

Với việc mở cửa trở lại hoạt động du lịch từ 15/3/2022, Việt Nam được Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) đánh giá là một trong những nước có chính sách mở cửa cởi mở nhất thế giới. (Ảnh minh họa - Ảnh: Dân trí)

"Tôi tin rằng nếu chúng ta có thị thực cho các quốc gia mà hiện tại được miễn thị thực tăng thời gian lưu trú. Đó là sự cởi trói rất tốt, sẽ giúp cho ngành du lịch Việt Nam và giúp khách đến ở lâu hơn và dài hơn, chi tiêu nhiều hơn", ông Trần Trọng Kiên, Chủ tịch Hội đồng tư vấn Du lịch Quốc gia (TAB), nói.

"Chúng ta cần gia tăng số lượng ngày, thay vì 15 ngày thì chúng ta nâng lên 30 ngày hay 45 ngày. Nó gần giống với các nước khác trong khu vực như Thái Lan hoặc Singapore", bà Huỳnh Phan Phương Hoàng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Vietravel, nêu ý kiến.

Doanh nghiệp du lịch sẵn sàng đón khách Trung Quốc

Như vậy, không phải không có cách để Việt Nam đạt được mục tiêu 8 triệu khách quốc tế trong năm 2023 này. Một yếu tố được cho sẽ giúp Việt Nam đạt được con số này khi Trung Quốc sẽ cho phép mở tour khách đoàn trở lại Việt Nam từ ngày 15/3 tới. Đây là điều các doanh nghiệp lữ hành và ngành du lịch Việt Nam rất mong chờ. Hiện tại, các doanh nghiệp, địa phương làm du lịch cũng đã sẵn sàng đón khách từ thị trường này.

Trước dịch COVID-19, Khánh Hòa là địa phương đón khách du lịch Trung Quốc nhiều nhất cả nước. Năm 2019, trong số 3,5 triệu khách quốc tế lưu trú tại địa phương này, khách Trung Quốc đã chiếm 70%. Hiện các cơ sở lưu trú và doanh nghiệp lữ hành trên địa bàn đã sẵn sàng để có thể đón các đoàn khách Trung Quốc quay trở lại.

"Chúng tôi chuẩn bị nhân sự, chuẩn bị hạ tầng, phổ cập những điểm đến để cung cấp thông tin cho du khách Trung Quốc có nhu cầu đến Nha Trang, Khánh Hòa", ông Nguyễn Phi Hồng Nguyên, Giám đốc Kinh doanh Công ty Du lịch VietPromotion, cho biết.

"Cơ sở lưu trú cũng có sự tuyển dụng và đào tạo. Một là đào tạo chất lượng dịch vụ, chuyên môn, hai là ngoại ngữ", ông Nguyễn Thái Hưng, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Du lịch Khách sạn Sài Gòn - Hạ Long, cho hay.

Dù chưa mở tour cho khách đoàn sang Việt Nam, nhưng trong 2 tháng đầu năm nay, đã có 71.000 lượt khách Trung Quốc đến nước ta. Thị trường này đứng thứ 7 trong top 10 thị trường gửi khách hàng đầu đến Việt Nam.

"Trung Quốc sẽ luôn luôn là thị trường rất là quan trọng. Với đất nước ngay cạnh Trung Quốc cùng sản phẩm du lịch rất là đặc biệt, biển dài kết hợp với văn hóa gần gũi với nhau và ẩm thực cực kỳ gần gũi. Người Trung Quốc thật sự muốn đi Việt Nam. Tôi kỳ vọng cuối năm nay lượng khách Trung Quốc sẽ có sự đột biến rất là lớn đến Việt Nam", ông Trần Trọng Kiên, Chủ tịch Hội đồng tư vấn Du lịch Quốc gia (TAB), nhận định.

Giai đoạn 2015 - 2019, lượng khách Trung Quốc tăng 3,3 lần từ 1,78 triệu lượt lên 5,8 triệu lượt. Tỷ trọng khách Trung Quốc trong tổng số khách quốc tế đến Việt Nam có xu hướng tăng dần, từ 23% vào năm 2015 lên 32% vào năm 2019.

Các chuyên gia nhận định, thị trường khách Trung Quốc quay trở lại sẽ giúp du lịch Việt Nam đạt và vượt mục tiêu 8 triệu lượt khách quốc tế trong năm nay.

Đón được lượng lớn du khách đến Việt Nam đã là việc không dễ, nhưng để níu chân khách, tạo nhu cầu, tình cảm để khách trở lại Việt Nam nhiều lần là cả một nghệ thuật, đòi hỏi sự phối hợp của nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, các doanh nghiệp của các địa phương và cả những người dân nhằm tạo ra sức hấp dẫn của quốc gia.

Làm sao để du lịch Việt Nam không “đi trước, về sau”? Làm sao để du lịch Việt Nam không “đi trước, về sau”?

VTV.vn - Để du lịch quốc tế Việt Nam "cất cánh", các chuyên gia, doanh nghiệp cho rằng cần tháo các nút thắt.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước