Chính sách Zero COVID của Trung Quốc lại giáng đòn mới xuống chuỗi cung ứng toàn cầu (Ảnh: Reuters).
Những nút thắt của chuỗi cung ứng đã kéo dài khoảng một năm nay hiện được cho là sẽ được tháo gỡ dần trong những tháng đầu năm 2022, nhờ đó sức ép đối với giá của nhà sản xuất sẽ bắt đầu giảm. Tuy nhiên, do chính sách Zero COVID của Trung Quốc và xu hướng đóng cửa các cảng và các nhà máy quan trọng ở nước này, sự gián đoạn đã gia tăng.
Trung Quốc thực hiện chính sách Zero COVID nghiêm ngặt kể từ khi đại dịch bùng phát vào đầu năm 2020. Nước này thực hiện yêu cầu cách ly và hạn chế đi lại trong nước và với các nước khác nhằm kiểm soát dịch.
Các hạn chế đó đã tác động đến hoạt động chế tạo và vận tải biển trên toàn cầu, làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng của chuỗi cung ứng. Lại có những lo ngại rằng số ca nhiễm biến thể Omicron cao cũng gây trở ngại cho hoạt động vận tải biển.
Bà Ell nhấn mạnh chính sách Zero COVID của Trung Quốc làm tăng rủi ro trong việc cải thiện chuỗi cung ứng. Bà cho rằng sẽ có tác động đến lạm phát và việc hoạch định chính sách của ngân hàng trung ương trong vài tháng tới, do vị thế kinh tế của Trung Quốc trên toàn cầu.
Theo bà Ell, chính sách Zero COVID sẽ khiến đà phục hồi kinh tế thiếu ổn định hơn, đặc biệt là phía tiêu dùng. Bà nói thêm điều này cũng liên quan đến các động thái về chính sách tiền tệ như việc tiếp tục bơm thanh khoản hay hạ lãi suất.
Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, năm ngoái đã đóng cửa một nhà ga chính tại cảng Ninh Ba-Chu San, cảng nhộn nhịp thứ ba thế giới, sau khi một công nhân tại đây mắc COVID-19. Đây là lần thứ hai nước này dừng hoạt động tại một trong những cảng quan trọng nhất.
Ngân hàng đầu tư Goldman Sachs (Mỹ) đã hạ dự báo tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc trong năm nay từ 4,8% xuống 4,3%, trước khả năng nước này tăng cường các hạn chế đối với hoạt động kinh doanh để kiểm soát biến thể Omicron.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!