Chống hàng giả bằng tăng xử phạt - Không ăn thua?

Kim Dung-Thứ bảy, ngày 09/03/2013 13:01 GMT+7

Các loại mũ kém chất lượng bày bán trên vỉa hè hay tại một số cửa hàng có giá từ 30.000 đồng đến 70.000 đồng. Ảnh: VnE

(VTV News) Lợi nhuận cao chính là mấu chốt của việc các nhà sản xuất và tiểu thương bất chấp pháp luật khi bán hàng giả, hàng nhái, hàng lậu. Tăng xử phạt hàng giả liệu có đủ sức răn đe?

Tùy theo mức độ vi phạm, hành vi sản xuất kinh doanh hàng giả sẽ bị xử phạt từ 100.000 đồng đến 100 triệu đồng. Đây là mức phạt cao gần gấp đôi mức cũ và được áp dụng kể từ ngày 1/3/ 2013 theo Nghị định 08 của Chính phủ. Mục đích của Nghị định này nhằm xử lý, ngăn chặn tình trạng hàng giả đang tràn lan trên thị trường, tuy nhiên qua khảo sát thực tế, nhiều người kinh doanh còn chưa biết đến Nghị định này, còn doanh nghiệp thì vẫn gặp khó khăn trong việc hợp tác với cơ quan chức năng để xử lý.

Chợ Kim Biên, TP.HCM là đầu mối bán sỉ hàng hóa về các tỉnh với số lượng lớn, trong đó mặt hàng đồ chơi trẻ em có nhiều mẫu mã phong phú, chỉ có điều, hơn 90% hàng hóa không có nhãn mác rõ ràng. Người bán biết điều này là vi phạm pháp luật vì đã từng bị cơ quan chức năng xử phạt, nhưng có quá nhiều lý do để không thể không bán.

“Chúng tôi sợ lắm. Mỗi lần cơ quan chức năng tới là tim gan rớt ra ngoài. Không chỉ mình đâu mà Tân Bình, Bình Tây, An Đông đều như vậy, người ta phải chấp nhận sống chung với lũ”, một tiểu thương chợ Kim Biên, TP.HCM nói.

Dù tốn rất nhiều chi phí xây dựng thương hiệu, thiết kế mẫu mã, nghiên cứu tính năng… nhưng các sản phẩm đồ chơi thật chỉ chiếm thị phần rất nhỏ trong thị trường đồ chơi. Đa số các công ty đành bất lực nhìn hàng giả, hàng nhái nhãn hàng công ty mình tung hoành thị trường.

Lợi nhuận cao chính là mấu chốt của việc các nhà sản xuất và tiểu thương bất chấp pháp luật khi bán hàng giả, hàng nhái, hàng lậu. Trong khi đó, người tiêu dùng thích hàng giá rẻ nên vòng tròn luẩn quẩn này rất khó giải quyết chỉ bằng một giải pháp.

Bên cạnh tình trạng sản xuất và kinh doanh hàng giả, một bộ phận doanh nghiệp có đăng ký sản phẩm với chỉ tiêu chất lượng hàng hóa cụ thể nhưng thêm những chi tiết gần giống với thương hiệu đã có sẵn trên thị trường để đánh lừa người tiêu dùng.

Vì vậy ngoài việc tăng cường kiểm tra kiểm soát, các chuyên gia cho rằng, tuyên truyền pháp luật cũng cần có những quy định nghiêm ngặt hơn trong quá trình xét đăng ký kinh doanh sản xuất sản phẩm để bảo vệ người tiêu dùng và doanh nghiệp làm ăn chân chính.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước