Sau những nỗ lực đòi tiền, rất nhiều người dân đều không lấy lại được tiền của mình. Trong khi đó, thật bất công khi các chủ đầu tư huy động vốn trái phép để chiếm dụng vốn của họ chưa hề bị xử lý.
Chị Nguyễn Thị Huyền Mến, một môi giới bất động sản cho biết, có đến hàng trăm người bạn và khách hàng của mình thời gian qua đã mất nhiều tỷ đồng vào những dự án “trên giấy”, đó là những dự án mà chủ đầu tư đã bán cho họ dưới hình thức góp vốn. Tiền thì chủ đầu tư đã nhận hết, nhưng đất hoặc nhà thì chẳng thấy đâu, mặc dù đã nhiều năm trôi qua.
‘ Một dự án BĐS tại Mê Linh, Hà Nội. Ảnh: VTV Online
Tình trạng người mua nhà góp vốn, nhưng chủ đầu tư không thực hiện dự án, phá sản hoặc bỏ trốn diễn ra rất nhiều. Như tại Mê Linh có đến 5.000 - 6.000 giao dịch mua đất vào năm 2010, đến nay nhiều dự án không triển khai, người dân mất trắng. Nếu Nhà nước không có biện pháp gì hỗ trợ sẽ dẫn đến kiện tụng phức tạp.
Kiện tụng mãi mất nhiều thời gian mà không đi đến đâu, tranh chấp lên đến đỉnh điểm thì dẫn đến giải quyết bằng “xã hội đen”. Hiện tượng này, thị trường bất động sản 2013 không hiếm gặp. Luật sư Nguyễn Trọng Hải cho rằng, cần phải có những chế tài xử lý thật cứng rắn với những chủ đầu tư cố tình chiếm dụng vốn của người dân, nếu không sẽ gây nên tình trạng mất niềm tin nghiêm trọng, gần như không có luật pháp trên thị trường bất động sản.
Người mua bất động sản đang phải trả giá cho việc mua nhà trên giấy, mua đất theo phong trào của thời kỳ sốt ảo trước đây. Tuy nhiên, sẽ có một sự bất công nếu người dân cứ phải mất trắng những đồng tiền xương máu của mình cho những chủ đầu tư huy động vốn trái phép, trở thành những “đại gia” nghìn tỷ, rồi đem tiền của người dân đi sử dụng vào việc khác.
Luật sư Hải cũng cho biết, ở những thị trường bất động sản phát triển trên thế giới, sẽ có những chế tài nghiêm khắc như xử lý hình sự, buộc phá sản, hay cưỡng chế với những chủ đầu tư chiếm dụng vốn của dân.