Chủ động thích ứng với biến động trên thị trường xuất nhập khẩu

VTV Digital-Thứ ba, ngày 23/08/2022 06:00 GMT+7

VTV.vn - Nửa cuối năm 2022, nhu cầu đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng cao theo chu kỳ xuất nhập khẩu hàng hóa.

Xuất khẩu hàng hóa cả năm 2022 sẽ vượt mục tiêu đề ra

Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa cả năm nay ước đạt khoảng 368 tỷ USD, tăng khoảng 9,46% so với năm 2021, vượt mục tiêu Chính phủ giao (khoảng 8%). Đây là nhận định mới nhất vừa được Bộ Công Thương thông báo.

Bộ Công Thương cho rằng, từ nay đến cuối năm, nền kinh tế thế giới sẽ còn nhiều khó khăn, lạm phát tăng cao ở hầu hết các quốc gia có thể làm sụt giảm cầu hàng hóa nhập khẩu từ các nước; Tuy nhiên, kết quả xuất nhập khẩu trong 6 tháng đầu năm tích cực sẽ là cơ sở để xuất khẩu của cả năm vượt mục tiêu đề ra.

Chủ động thích ứng với biến động trên thị trường xuất nhập khẩu

Nửa cuối năm 2022, nhu cầu đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng cao theo chu kỳ xuất nhập khẩu hàng hóa. Đồng thời, hiệu quả từ các hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là CPTPP, EVFTA, UKVFTA, RCEP ngày càng được thực thi toàn diện và hiệu quả hơn.

Xuất khẩu nông – lâm – thủy sản

Thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu cho biết là đã nhận ra sự chững lại của nhu cầu tiêu dùng sản phẩm nông lâm, thuỷ sản ở các thị trường chính thời điểm này, nhất là thị trường Mỹ, EU, Nhật Bản vì hàng tồn kho lớn. Thế nên, nhiều doanh nghiệp từ cách đây 2-3 tháng đã tự tìm kiếm những giải pháp thích ứng kịp thời.

Ông Trần Văn Diệu, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thái Minh Long cho biết: "Tận dụng cơ hội thị trường chúng tôi đang mở thêm nhà máy mới để chế biến sâu hàng hóa xuất khẩu".

Chủ động thích ứng với biến động trên thị trường xuất nhập khẩu - Ảnh 1.

Bà Lê Hằng, Phó Giám đốc Trung tâm VASEP. PRO, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP), nhận định: "Nhiều doanh nghiệp ngay từ giai đoạn đầu tháng 5 khó khăn về nguyên liệu tôm đã có dây chuyền giá trị gia tăng sẵn và họ biết việc phải chuyển đổi đó".

Cũng theo VASEP, các doanh nghiệp phải linh hoạt với từng thay đổi của các thị trường, từ nay đến cuối năm sản lượng thuỷ sản vào Mỹ có thể sẽ chững lại, nhưng với thị trường Nhật, Hàn Quốc vẫn có những cơ hội nhất định.

Bà Lê Hằng cho biết thêm: "Dù nhu cầu có chững lại nhưng phân khúc hàng giá trị gia tăng vẫn được nhà nhập khẩu Nhật Bản, Hàn Quốc quan tâm, doanh nghiệp vẫn có thể tận dụng cơ hội đó để có thể xuất khẩu sang Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia".

Để ứng phó với biến động về tỷ giá, giới chuyên môn cho rằng, các doanh nghiệp thuỷ sản hoàn toàn có thể tìm đến những thị trường có diễn biến tỷ giá ổn định hơn như Nga hay Mexico.

Riêng với ngành gỗ, trước những khó khăn từ thị trường Hoa Kỳ, nơi tiêu thụ tới 60% các sản phẩm gỗ của Việt Nam, theo các doanh nghiệp đã đến lúc tính đến việc tìm thêm những thị trường mới, sản phẩm mới.

Xuất khẩu dệt may

Sẽ khan hiếm đơn hàng trong quý IV là điều mà nhiều doanh nghiệp dự đoán khi các khách hàng tại Hoa Kỳ, châu Âu của họ đã tăng nhập khẩu hai con số từ 6 tháng đầu năm, vì thế kịch bản sản xuất của họ hiện nay đã sẵn sàng.

Ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10, cho biết: "Chúng tôi linh hoạt kế hoạch sản xuất cho người lao đồng có thể giảm giờ làm, giám sát chặt chẽ định lượng của mỗi sản phẩm để thắt chặt chi phí sản xuất".

Cùng với đó, các doanh nghiệp cũng rà soát các đối tác xuất khẩu B2B và B2C để từ đó yêu cầu gửi xác nhận đơn hàng, tránh rủi ro.

Bà Trương Thị Thanh Bình, Giám đốc Khối Kế hoạch Kinh doanh Công ty Cổ phần May Sài Gòn 3, cho biết: "Kịch bản chúng tôi đưa ra là cân đối các thị trường xuất khẩu. Ở May Sài Gòn 3 có 2 thị trường lớn là Mỹ và Nhật Bản, tỷ lệ 60-40; trong tình huống có sự cố đứt gãy nguồn cung ứng chúng tôi cân đối 2 khách hàng chính này. Doanh nghiệp sẽ phải "thắt lưng buộc bụng" hơn để cân đối chi phí cùng với khách hàng".

Chủ động thích ứng với biến động trên thị trường xuất nhập khẩu - Ảnh 2.

Tận dụng tối đa các FTAS với thị trường xuất khẩu truyền thống cũng như thị trường mà các FTAs mới có hiệu lực, cùng với đó đẩy mạnh xuất khẩu trong khu vực ASEAN cũng được bàn đến.

Bà Nguyễn Thị Liên, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Quốc tế Phong Phú, nói: "NewZealand và Úc, hai nước này cũng là thị trường tiềm năng nhưng trước đây RCEP chưa có hiệu lực giá khó cạnh tranh, nay có hiệu lực rồi phải xúc tiến vào thị trường này".

Ngoài ra, các doanh nghiệp phải nâng cao việc quản trị rủi ro, các biện pháp phòng về thương mại để ứng phó với những rào cản phi thuế quan ngày càng nhiều của thị trường xuất khẩu.

Trước những thách thức rất rõ ràng của thị trường xuất khẩu cuối năm và năm tới, trước những nỗ lực không ngừng nghỉ của các doanh nghiệp Việt Nam và các Bộ, ban ngành liên quan, người đứng đầu Chính phủ đã gần như ngay lập tức triệu tập và đích thân chủ trì Hội nghị "Thủ tướng Chính phủ làm việc với các cơ quan đại diện thương mại Việt Nam tại nước ngoài" diễn ra cách đây 3 ngày. Hội nghị trực tuyến đặc biệt kéo dài hơn 3 giờ đồng hồ liên tục. 61 Thương vụ Việt Nam phụ trách 176 thị trường trên toàn thế giới đã được triệu tập để đưa ra các nhận định và đề xuất các giải pháp để củng cố, thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu cho Việt Nam giai đoạn tới.

Sau khi lắng nghe ý kiến của các Thương vụ, phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Tình hình thế giới diễn biến phức tạp nên chúng ta phải có ứng phó linh hoạt trước một thị trường xuất nhập khẩu bị thu hẹp lại do yếu tố khách quan; chúng ta cần xây dựng một chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu trong thời kỳ mới, giao các bộ ban ngành liên quan bắt tay vào nghiên cứu và triển khai ngay sau Hội nghị.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo tại hội nghị: "Giao cho Bộ Công Thương chủ trì cùng với các Bộ ngành có liên quan, các đồng chí nghiên cứu các chiến lược phát triển thị trường xem có trùng gì với những chiến lược chúng ta đã làm, nếu chúng ta cần làm thì tôi giao cho Bộ Công Thương chủ trì chúng ta làm. Thứ hai là chúng ta mở rộng thị trường mới cho các sản phẩm của chúng ta thì chúng ta củng cố nâng cao hiệu quả của các thị trường mà chúng ta có truyền thống cũng đã khẳng định đc nhiều năm qua. Chúng ta cũng tiếp tục đổi mới công nghệ thúc đẩy chuyển đổi số đa dạng hoá thị trường đa dạng hoá sản phẩm để chúng ta góp phần thực hiện đường lối đối ngoại phát triển kinh tế hội nhập hiện nay. Tăng cường quảng bá sản phẩm, sản xuất xanh, cải cách thương vụ hợp lý phù hợp với tình hình, chi nhánh thương vụ của chúng ta phát huy vai trò tiền tuyến trực tiếp tiếp cận hàng ngày với những biến động của thế giới và nước sở tại, chủ động nắm bắt phân tích đánh giá chính xác và điều chỉnh chính sách của chúng ta cho phù hợp tham mưu với Đảng và Nhà nước những chính sách vừa có tính chất trước mặt, vừa có tính chất lâu dài phát triển thị trường bền vững".

Thủ tướng đã nhấn mạnh các chính sách phải "vừa có tính chất trước mắt, vừa có tính chất lâu dài để thị trường xuất nhập khẩu Việt Nam phát triển đa dạng, bền vững, tiếp tục mang lại của cải vật chất dồi dào cho đất nước, nhân dân". Chưa bao giờ thông điệp này trở thành một nhiệm vụ cụ thể, cấp thiết và được Chính phủ đặc biệt quan tâm và thúc đẩy đến như vậy.

Trong bối cảnh, 15 Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà nước ta ký với hơn 60 quốc gia trên toàn thế giới đang mở ra những cơ hội mới, một vận hội rất khác cho ngành xuất nhập khẩu so với thời gian trước đây. Với tiềm năng lớn, lợi thế về sự đa dạng và chất lượng sản phẩm, với nỗ lực của các doanh nghiệp Việt, với sự chỉ đạo quyết liệt, sáng tạo và linh hoạt của Chính phủ, tôi nghĩ rằng không có lý gì, hàng hóa Việt Nam không đến được với nhiều quốc gia và người tiêu dùng trên khắp thế giới.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước