Chủ tịch HoREA: Giao dịch bất động sản phải qua sàn là một bước lùi

Hùng Lĩnh-Thứ tư, ngày 10/11/2021 09:21 GMT+7

VTV.vn - Đề xuất hoạt động giao dịch bất động sản phải thông qua sàn của Bộ Xây dựng đang gặp nhiều luồng ý kiến trái chiều.

Mới đây, Bộ Xây dựng đã công bố đề cương sửa đổi Luật Kinh doanh bất động sản 2014, bổ sung thêm một số quy định mới nhằm phù hợp với thị trường hiện tại, trong đó bổ sung quy định, chủ đầu tư dự án bất động sản phải thực hiện bán, chuyển nhượng, cho thuê mua, cho thuê nhà ở, công trình xây dựng thông qua sàn giao dịch bất động sản.

Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh (HoREA) cho rằng, việc bổ sung quy định "chủ đầu tư dự án bất động sản phải thực hiện bán, chuyển nhượng, cho thuê mua, cho thuê nhà ở, công trình xây dựng thông qua sàn" là một bước lùi. Quy định này không phù hợp với quyền tự quyết và tự chịu trách nhiệm về hoạt động của doanh nghiệp. Đồng thời, quy định này cũng không phù hợp với các quy định hiện hành như: Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư 2020, Luật Kinh doanh Bất động sản 2014…

Chủ tịch HoREA: Giao dịch bất động sản phải qua sàn là một bước lùi - Ảnh 1.

Hiện thị trường chỉ có khoảng 320.000 nhân viên môi giới bất động sản, nhưng chỉ có khoảng 10% có chứng chỉ hành nghề. (Ảnh minh họa)

Theo Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh, các chủ đầu tư cần được tự chủ trong việc lựa chọn hình thức tổ chức kinh doanh, tự do tìm kiếm khách hàng.

"Sàn giao dịch bất động sản không hề góp vốn đầu tư vào dự án, nhưng lại có quyền bán 100% sản phẩm và được hưởng phí. Phí dịch vụ này là trên dưới 2% giá trị của bất động sản. Chủ đầu tư sẽ cộng toàn bộ chi phí bán hàng này vào trong giá bán nhà ở cũng như công trình xây dựng cho khách hàng", ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh, cho hay.

Trong khi đó, các doanh nghiệp cho rằng, việc giao dịch qua sàn có thể làm tăng tính chuyên nghiệp và minh bạch giá bán của chủ đầu tư. Ngoài ra, việc thực hiện bán, chuyển nhượng, cho thuê nhà ở, công trình xây dựng thông qua sàn sẽ giúp giảm gánh nặng chi phí, duy trì đội ngũ bán hàng hoặc chủ đầu tư không đủ năng lực trong việc bán sản phẩm. Tuy nhiên, quy định này chỉ nên khuyến khích thay vì buộc doanh nghiệp phải thực hiện.

"Ở đây, chúng ta có thể xem xét thêm việc là thay thế từ "phải" bằng từ "khuyến khích" để doanh nghiệp có thể chủ động lựa chọn hình thức công bố dự án của mình bằng cách tự làm hay thông qua sàn giao dịch bất động sản vì việc này phụ thuộc vào năng lực, chiến lược cũng như chi phí bán hàng của doanh nghiệp", ông Ngô Quang Phúc, Tổng Giám đốc Tập đoàn bất động sản Phú Đông, cho biết.

Hiện thị trường chỉ có khoảng 320.000 nhân viên môi giới bất động sản, nhưng chỉ có khoảng 10% có chứng chỉ hành nghề. Trong khi chất lượng hoạt động của sàn giao dịch bất động sản chưa thực sự đảm bảo. Theo quy định hiện nay, mỗi sàn giao dịch chỉ cần tối thiểu 2 nhân viên có chứng chỉ hành nghề là đủ điều kiện hoạt động.

"Hoạt động quản lý về môi giới vẫn còn nhiều bất cập. Tôi nghĩ rằng các cơ quan quản lý nhà nước nên quan tâm nhiều hơn, quản lý sát sao và chặt chẽ hơn trong vấn đề lực lượng môi giới tham gia vào thị trường", ông Phan Công Chánh, chuyên gia bất động sản, nhận định.

Các chuyên gia cũng cho rằng, để tránh rủi ro phát sinh trong quá trình giao dịch tại sàn, cơ quan quản lý nhà nước nên siết lại hoạt động môi giới bằng quy định phải được đào tạo có chứng chỉ mới được hành nghề, tăng chế tài xử phạt… Khi đó, khách hàng có thể yên tâm lựa chọn môi giới uy tín, chuyên nghiệp… để thực hiện giao dịch.

Đề xuất cấm môi giới bất động sản hoạt động độc lập gây tranh cãi Đề xuất cấm môi giới bất động sản hoạt động độc lập gây tranh cãi

VTV.vn - Đề xuất các cá nhân làm nghề môi giới bất động sản không được hoạt động độc lập đang gây nên một làn sóng tranh cãi trong cộng đồng môi giới nhà đất.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước