Chủ tịch VCCI: Công thức phục hồi thành công nền kinh tế sau đại dịch là niềm tin và thể chế

Ban Thanh thiếu niên-Chủ nhật, ngày 19/04/2020 17:33 GMT+7

VTV.vn - Theo Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), công thức giúp phục hồi thành công nền kinh tế Việt Nam sau đại dịch nằm ở niềm tin và thế chế.

Theo báo cáo của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) gửi Thủ tướng Chính phủ về tác động của dịch COVID-19 tới doanh nghiệp trong quý I/2020, có gần 35.000 doanh nghiệp đã rút lui khỏi thị trường. Đây là con số kỷ lục chưa từng có, lần đầu tiên số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường lớn hơn số lượng doanh nghiệp mới thành lập.

Nếu tình hình dịch bệnh kéo dài và phức tạp thì chỉ 30% doanh nghiệp duy trì được hoạt động không quá 3 tháng, 50% doanh nghiệp chỉ trụ được nửa năm. Những con số này cho thấy sự khó khăn của nền kinh tế Việt Nam trước "cơn bão" đại dịch.

Chủ tịch VCCI: Công thức phục hồi thành công nền kinh tế sau đại dịch là niềm tin và thể chế - Ảnh 1.

Chia sẻ trên đường băng của chương trình Cất cánh, ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã đưa ra góc nhìn chung nhất về những gì kinh tế Việt Nam đã trải qua trong cơn bão mang tên COVID-19, đồng thời tìm ra từ khóa thành công cho kinh tế Việt Nam sau đại dịch.

"Từ khi đổi mới cho tới nay, chưa bao giờ cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đứng trước thách thức lớn như thế này. Trong những ngày qua, chúng ta sống trong trận chiến với COVID-19, trong trận chiến để duy trì tăng trưởng nhằm đảm bảo công ăn việc làm cho người lao động", ông Vũ Tiến Lộc nhận định.

"COVID-19 đã tạo ra sự lây nhiễm cho 268 người nhưng "COVID về kinh tế" lại gây tác động đến hơn 700.000 doanh nghiệp. Đó là sự tác động rộng khắp, bao phủ ở mức độ khác nhau. Các doanh nghiệp gặp khó khăn tứ bề bởi dịch COVID-19. Trước hết là đứt cung, sau đó là gãy thị trường và mất nguồn thanh khoản, không có tiền trả lương cho người lao động...".

"Có thể nói, COVID-19 và tác động của nó đã đi vào giấc ngủ của mỗi doanh nhân, sáng thức dậy sẽ là bài toán tiền đâu để trả lương, trả lãi ngân hàng? Tất nhiên, đó là bài toán muôn thuở của doanh nhân nhưng trong thời COVID-19, nó trở thành phép tính vô cùng nặng nề với nhiều doanh nhân. Nhiều người đã không có khả năng chống trả, nhiều doanh nghiệp phải rời khỏi thị trường. Chúng ta chia sẻ với khó khăn của các doanh nghiệp đó".

"Với các doanh nghiệp còn tồn tại, họ cũng rất gian nan để tiếp tục trụ vững, duy trì tăng trưởng và bảo vệ công ăn việc làm cho người lao động. Đằng sau các doanh nhân là việc làm của hàng triệu lao động, là nguồn thu ngân sách Nhà nước, là nguồn lực bảo đảm cho an sinh xã hội. Do đó, doanh nhân không chỉ lo cho doanh nghiệp mà còn lo cho người lao động, đất nước. Tôi nghĩ rằng cuộc đấu tranh bảo vệ sinh mạng người dân và cuộc đấu tranh kinh tế để bảo vệ sinh kế của người dân đều rất quan trọng", Chủ tịch VCCI phân tích tiếp.

"Chúng ta đang có những ngày tháng không thể nào quên về người Việt Nam, về tình yêu nước, về sự đồng thuận, về sự gắn kết và vươn lên. Cảm ơn Đảng và Nhà nước đã có quyết sách kịp thời để dẵn dắt chúng ta kiềm chế thành công đại dịch. Hiện nay, trên thế giới chúng ta là một trong số ít nền kinh tế có thể làm được điều này và trước mắt chúng ta là cơ hội cho việc có thể nới lỏng các biện pháp cách ly, giãn cách xã hội, để bắt đầu giai đoạn tái khởi động nền kinh tế, phục hồi sinh kế cho hàng chục triệu con người. Chúng ta có thể đi sớm hơn, tận dụng cơ hội phía trước".

Chủ tịch VCCI: Công thức phục hồi thành công nền kinh tế sau đại dịch là niềm tin và thể chế - Ảnh 2.

Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chính phủ đã rất kịp thời đưa ra gói hỗ trợ cho những đối tượng bị tác động từ đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, gói hỗ trợ kinh tế chưa phải là điều quan trọng nhất.

"Tôi nghĩ điều quan trọng không nằm ở gói hỗ trợ vật chất. Gói hỗ trợ vật chất chỉ mang tính hỗ trợ còn gói hỗ trợ có tính chất quyết định là niềm tin, là thể chế. Tạo được niềm tin của doanh nhân, xã hội và người dân, xây dựng được thể chế để giải phóng ràng buộc, phát huy sức mạnh của nhân dân chính là công thức thành công. Đó là công thức để chúng ta vượt qua đại dịch và cả trong phục hồi nền kinh tế. Chúng tôi mong rằng lửa của cuộc chiến thắng đại dịch cũng sẽ trở thành ngọn lửa để chúng ta thành công trong phát triển.

Đối với các doanh nhân, chúng ta đã rất dũng cảm và kiên trì trong cuộc chiến này. Đất nước này đã có những anh hùng trong cuộc chiến chống đại dịch và duy trì tăng trưởng. Giờ là thời khắc chúng ta phải tiếp tục trụ vững và vươn lên. Điều quan trọng của các doanh nghiệp là giữ vững niềm tin", ông Vũ Tiến Lộc khẳng định.

"Thế giới sau đại dịch không còn là thế giới của hôm nay. Một thế giới sẽ thay đổi và để thích ứng với điều đó thì các doanh nghiệp cũng phải thay đổi, định vị lại mình, tái cấu trúc về chiến lược, quản trị và phát triển chăm sóc nguồn nhân lực vì chính họ là mấu chốt để thành công. Chính nguồn lao động sẽ là sức mạnh của chúng ta trong thời gian tới.

Các doanh nghiệp dù nhỏ hay lớn đều phải bắt đầu quá trình chuyển đổi số. Cuộc di dân vĩ đại của chúng ta lên không gian số trong điều kiện đại dịch sẽ vẫn là không gian kinh tế của chúng ta ở giai đoạn tới. Doanh nghiệp chậm chân trong chuyển đổi số sẽ thất bại", ông Vũ Tiến Lộc nói tiếp.

"Người Việt Nam có năng lực rất cao trong lĩnh vực này, cơ sở hạ tầng khá tốt trong lĩnh vực công nghệ thông tin ngay cả so với những nước trong khu vực và thế giới, đó là nền tảng tốt để chúng ta đi nhanh trong nền tảng số".

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước