Một nhà nông tại Sóc Trăng chia sẻ trên tờ Tuổi trẻ rằng chưa bao giờ "chóng mặt" với giá phân bón như lúc này và việc tăng giá như thế khiến họ không còn mấy đồng lãi nữa.
Đơn cử như phân Ure, mới khoảng 3 tháng trước, giá dao động 350.000 - 370.000 đồng/bao tùy loại, hiện đã là 470.000 đồng. Phân DAP còn tăng mạnh hơn, từ 510.000 đồng nhảy lên gần 700.000 đồng/bao.
Trong khi đó, theo thông tin trên tờ Nhân dân, chi phí phân bón hiện đang chiếm tới gần một nửa giá vật tư đầu vào trong trồng trọt, canh tác, vì vậy, sự thiếu ổn định giá cả với mặt hàng này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới thu nhập của người nông dân.
Nguyên nhân, như tờ báo này chỉ ra, trước tiên là bởi trong nước vốn hiện có quá nhiều tầng đại lý cung cấp, giá lại không thống nhất nên phân bón đến tay nông dân có giá rất cao. Nguyên nhân thứ 2 - nguyên nhân chính dẫn tới đợt tăng giá này, là do giá phân bón thế giới tăng.
Nhìn vào biểu đồ trên trang tin Cafef có thể thấy, giá phân bón thế giới đã tăng lên mức cao nhất trong 3 năm qua. Theo phân tích trên trang này, nguyên nhân trước tiên là bởi sản xuất phân bón tại Trung Quốc, một trong những quốc gia có lượng lớn phân bón trên thế giới đã giảm.
Trong khi đó, ghi nhận ý kiến sở Công Thương tỉnh An Giang trên tờ Tuổi trẻ cho thấy, phân bón tại thị trường trong nước phần lớn nhập khẩu từ Trung Quốc nhưng nước này đang siết chặt xuất khẩu phân bón vào Việt Nam. Tác động kép khiến lượng cung càng hạn hẹp nên doanh nghiệp nhập khẩu buộc phải tăng giá khi bán cho nông dân.
Khuyến cáo từ Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật An Giang, bà con nông dân nên tăng cường áp dụng sản xuất lúa theo 2 chương trình chuẩn, được gọi là "3 giảm, 3 tăng" và "1 phải, 5 giảm". Hai quy chuẩn này đã được áp dụng thành công thời gian qua, nếu áp dụng rộng rãi sẽ giảm chi phí rất nhiều.
Giải pháp dài hơi hơn cho ngành, theo ý kiến trên tờ Nhân dân, còn cần khuyến khích doanh nghiệp tập trung nguồn lực xây dựng hệ thống phân phối rộng khắp đến tận khâu bán lẻ, để có thể kiểm soát giá bán và chất lượng đến tay người nông dân. Điều đó không chỉ giúp giảm chi phí mà còn gắn kết nhà sản xuất phân bón với người nông dân.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!