Chứng khoán Mỹ giảm mạnh nhất 2 năm

VTV Digital-Thứ ba, ngày 06/08/2024 08:32 GMT+7

VTV.vn - Thị trường chứng khoán Mỹ vừa trải qua đợt lao dốc và rung lắc mạnh vào phiên 5/8.

Thị trường chứng khoán thế giới chao đảo

Khép lại phiên này, tại New York, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 1.033,99 điểm, hay 2,6%, xuống 38.703,27 điểm, trong khi chỉ số tổng hợp S&P 500 để mất 160,23 điểm, hay 3%, xuống 5.186,33 điểm, còn chỉ số công nghệ Nasdaq giảm 576,08 điểm, hay 3,43%, xuống 16.200,08 điểm.

Chỉ số công nghiệp Dow Jones đã tụt hơn 1.200 điểm ở đầu phiên, trước khi bù đắp được một phần đà lao dốc, nhưng vẫn đóng cửa đi xuống khoảng 1 nghìn điểm, tương đương 2,6%. S&P 500 và Nasdaq cũng chứng kiến nhiều pha lên xuống, chốt phiên giảm hơn 3%. Đây là mức giảm theo ngày mạnh nhất của các chỉ số chính tại Mỹ trong gần 2 năm qua.

Trước đó trong phiên này, chỉ số Nasdaq có thời điểm giảm 5,5%, còn chỉ số S&P 500 giảm đến 4% khi chạm mức thấp nhất trong phiên là 5.119,26 điểm.

Chứng khoán Mỹ giảm mạnh nhất 2 năm - Ảnh 1.

iao dịch viên tại Sàn giao dịch chứng khoán New York, Mỹ, ngày 25/2/2022. Ảnh: THX/ TTXVN

Sự biến động này còn được thể hiện qua sự bùng nổ của VIX, chỉ số biến động của thị trường Mỹ, hay còn gọi là "chỉ số sợ hãi", với mức độ căng thẳng ở Phố Wall vào ngày 5/8 tăng lên 65, mức chỉ đạt được hai lần trong lịch sử gần đây, vào năm 2020 tại thời điểm xảy ra cuộc khủng hoảng do đại dịch COVID-19 và vào cuối năm 2008, trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Ở bên kia bờ Đại Tây Dương, các thị trường châu Âu cũng giảm nhưng ở mức độ thấp hơn. Sau khi có thời điểm giảm hơn 2% trong phiên này, chỉ số CAC 40 của Pháp và DAX của Đức kết thúc phiên với các mức giảm lần lượt 1,42% và 1,82%. Chỉ số FTSE 100 của Anh mất 2,04%.

Trước đó, trong phiên giao dịch tại châu Á, Nikkei 225, chỉ số hàng đầu của Sàn giao dịch chứng khoán Tokyo, đã giảm 12,4% trong ngày 5/8 và chịu mức giảm điểm lớn nhất trong lịch sử, trong khi chỉ số Topix cũng đã giảm 12,3%.

Lý giải phản ứng của thị trường

Nỗi lo suy thoái kinh tế Mỹ là nguyên nhân chính gây ra tình trạng bán tháo trên sàn chứng khoán New York và nhiều sàn giao dịch ở một số nền kinh tế lớn khác.

Sự lo ngại này bắt đầu từ ngày thứ 6 tuần trước khi báo cáo việc làm của Mỹ được công bố, cho thấy tỷ lệ thất nghiệp trong tháng 7 đã tăng đột biến và đạt đỉnh của gần 3 năm trở lại đây.

Tuy nhiên, qua tham khảo, hầu hết các chuyên gia đều đánh giá, triển vọng kinh tế Mỹ mới có dấu hiệu xấu đi thôi, chứ chưa đáng lo. Nên các nhà đầu tư có thể đang phản ứng quá mạnh trước dữ liệu việc làm tháng 7, trong khi con số này cũng chưa hoàn toàn phản ánh được tình trạng kinh tế Mỹ hiện nay.

Mới cách đây chưa đầy 2 tuần, các số liệu về GDP quý II của Mỹ được công bố vẫn cho thấy tăng trưởng vượt kỳ vọng và chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân tháng 6 thì thể hiện lạm phát đã giảm về gần hơn với mục tiêu của Fed.

Ngoài những số liệu về kinh tế Mỹ, một yếu tố khác cũng tác động đến thị trường tài chính toàn cầu là những biến động của thị trường Nhật Bản. Nhiều nhà đầu tư phải đóng bớt vị thế chiến lược giao dịch chênh lệch lãi suất (carry-trade) khi Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) tăng lãi suất đồng Yen.

Đà giảm của thị trường chứng khoán Mỹ có bất thường?

Phân tích cụ thể về tình hình của thị trường, có thể thấy các mã bị bán tháo trong phiên ngày 5/8 và thứ 6 tuần trước chủ yếu là cổ phiếu công nghệ vốn hoá lớn và cổ phiếu các công ty liên quan đến trí tuệ nhân tạo. Đây đều là các loại cổ phiếu đã tăng giá mạnh trong cơn sốt về trí tuệ nhân tạo thời gian qua. Do đó, việc đi xuống lần này của chứng khoán Mỹ cũng là quy luật hoàn toàn bình thường của thị trường.

Về kế hoạch cắt giảm lãi suất của Fed, hầu hết các chuyên gia đánh giá, từ nay đến hết năm Fed còn 3 cuộc họp chính sách nữa nên cũng có thoải mái dư địa để giảm lãi suất và giữ cho nền kinh tế hạ cánh mềm.

Chứng khoán Mỹ giảm mạnh nhất 2 năm - Ảnh 2.

Trụ sở Cục Dự trữ Liên bang Mỹ ở Washington, DC. Ảnh: AFP/TTXVN

Ngay trong cuộc họp tuần trước, Fed đã bắt đầu đánh tín hiệu, khi lần đầu tiên Chủ tịch Jerome Powell trực tiếp đề cập tới khả năng giảm lãi suất vào tháng 9, tuy nhiên sẽ theo dõi sát các dữ liệu kinh tế sắp tới và nhấn mạnh đó là các dữ liệu về lạm phát và thị trường lao động. Do đó, nếu các dữ liệu cho thấy triển vọng kinh tế Mỹ xấu đi, thì khả năng giảm lãi suất vào tháng 9 càng cao hơn.

Đáng chú ý, công cụ theo dõi lãi suất của CME group còn đánh giá có gần 86% khả năng Fed sẽ hạ lãi suất tới 0,5 điểm % vào tháng 9, thay cho mức giảm 0,25 điểm % như các dự báo trước đây.

Theo CNN, dù vừa trải qua một phiên giảm mạnh nhất năm thì tính trong cả năm nay chỉ số S&P 500 vẫn có mức tăng khoảng gần 10%. Trong đó, các cổ phiếu công nghệ lớn cũng giữ đà tăng trong năm nay và vừa trải qua mùa báo cáo quý II tương đối thành công. Đây được xem là một nền tảng tích cực cho Phố Wall trong phần còn lại của năm 2024.

Các chỉ số chính của Phố Wall đảo ngược khi nền kinh tế suy yếu Các chỉ số chính của Phố Wall đảo ngược khi nền kinh tế suy yếu Phố Wall đồng loạt tăng điểm Phố Wall đồng loạt tăng điểm Phố Wall khởi động tuần giao dịch với kỷ lục mới Phố Wall khởi động tuần giao dịch với kỷ lục mới


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước