Trợ lực cho doanh nghiệp đứng dậy sau cơn bão số 3

Kate Trần-Thứ năm, ngày 19/09/2024 15:17 GMT+7

VTV.vn - "Siêu bão" Yagi gây thiệt hại nặng cho doanh nghiệp miền Bắc. Nhiều chuỗi sản xuất, kinh doanh bị đứt gãy, khiến doanh nghiệp vốn khó khăn nay lại càng "đuối" hơn.

Tàn dư "siêu bão" để lại nặng nề

Bão số 3 (Yagi) có phạm vi ảnh hưởng rất rộng, bao phủ toàn bộ 26 địa phương, gây thiệt hại nghiêm trọng, nặng nề đến hoạt động sản xuất kinh doanh, nhất là sản xuất nông nghiệp, dịch vụ, du lịch. Theo thống kê sơ bộ đến ngày 17/9, tổng thiệt hại về tài sản do bão số 3 gây ra ước tính sơ bộ trên 50.000 tỷ đồng, dự báo có thể làm tốc độ tăng trưởng GDP cả năm giảm khoảng 0,15% so với kịch bản tăng trưởng đạt 6,8-7%. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của nhiều địa phương như Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Lào Cai…có thể giảm trên 0,5% so với dự báo.

Trợ lực cho doanh nghiệp đứng dậy sau cơn bão số 3 - Ảnh 1.

"Siêu bão" Yagi đã tàn phá nhiều tàu thuyền tại Quảng Ninh. Ảnh: TL

Theo nhận định của PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - chuyên gia kinh tế, giảng viên cao cấp Học viện Tài chính đánh giá, sự tàn phá của cơn bão số 3 đã tác động nặng nề, làm đình trệ nghiêm trọng nhiều hoạt động kinh tế, cản trở quá trình sản xuất và phân phối hàng hóa tại nhiều địa phương, kéo giảm đà phục hồi và phát triển của nền kinh tế. Con số thiệt hại chính thức đến nay chưa có, các cơ quan chức năng vẫn đang trong quá trình thu thập, thống kê nhưng nhưng hậu quả của bão có thể khiến tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2024 giảm từ 0,18 đến 0,2% GDP.

Đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, T.S Tô Hoài Nam - Phó Chủ tịch thường trực, kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam chia sẻ với phóng viên VTV Times, siêu bão Yagi đi qua đã gây thiệt hại nặng nề cho các doanh nghiệp, nhất là tại một số địa phương tâm bão như Hải Phòng, Quảng Ninh, Hà Nội, Phú Thọ, Thái Nguyên, Yên Bái…Đến thời điểm hiện tại, nhiều chuỗi sản xuất, kinh doanh bị đứt gãy, gián đoạn, doanh nghiệp vốn khó khăn nay lại càng rơi vào tình trạng "đuối" hơn. 

Chia sẻ với phóng viên về những thiệt hại sau bão, bà Nguyễn Thị Minh - Giám đốc Công ty TNHH dịch vụ du lịch Bình Minh (Quảng Ninh) cho biết, toàn bộ hơn 20 chiếc tàu của công ty bị thiệt hại nặng, khó khôi phục. Bên cạnh đó, 2 nhà hàng, trung tâm dịch vụ bị tốc mái và sập tường. Tổng thiệt hại của doanh nghiệp này lên đến gần 50 tỷ đồng. "Công ty phải vay ngân hàng khoản tiền lớn để đầu tư kinh doanh nhưng cơn bão đã tàn phá tất cả. Hiện chúng tôi rất cần nguồn vốn để khôi phục lại hạ tầng để hoạt động", bà Minh nghẹn ngào.

Báo cáo vừa công bố của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh Quảng Ninh cho thấy, các tổ chức tín dụng trên địa bàn đã ghi nhận có 9.683 khách hàng gặp khó khăn với tổng dư nợ thiệt hại lên tới 10.982,4 tỷ đồng.

Theo thông tin được tổng hợp từ các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), mức độ thiệt hại đối với tài sản và hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp rất nặng nề, ước tính hàng nghìn tỷ đồng. Nhiều tài sản có giá trị lớn của không ít doanh nghiệp đã bị hư hỏng như nhà xưởng, tàu thuyền, phương tiện giao thông, máy móc, trang thiết bị, hàng hoá…"Phần lớn các doanh nghiệp khác tại các tỉnh miền Bắc chịu ảnh hưởng gián tiếp như phải đóng cửa, ngừng sản xuất kinh doanh hoặc giảm năng suất, doanh số trong thời gian bão lũ do người lao động không thể đi làm, hàng hoá không thể vận chuyển hoặc không thể tiếp cận được khách hàng", VCCI nhấn mạnh.

Chính phủ ra chính sách hỗ trợ khả thi, kịp thời 

Theo T.S Tô Hoài Nam, ngay sau khi cơn bão đi qua, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh là vấn đề được Chính phủ và các bộ, ngành, đơn vị chức năng quan tâm hàng đầu. Mới đây nhất, ngày 17/9, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 143/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3 (Yagi), nhanh chóng ổn định tình hình Nhân dân, đẩy mạnh khôi phục sản xuất kinh doanh, tích cực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát tốt lạm phát , tiếp tục phấn đấu tăng trưởng kinh tế cả năm 2024 khoảng 6,8-7%.

Trong đó, quan điểm của Chính phủ là chính sách, giải pháp hỗ trợ phải nhanh, khả thi, kịp thời, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm, trực tiếp vào các đối tượng bị ảnh hưởng; Khôi phục nhanh chuỗi sản xuất, cung ứng, lao động, phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh.

Trợ lực cho doanh nghiệp đứng dậy sau cơn bão số 3 - Ảnh 2.

Bão quét qua mạnh mẽ, khiến không ít doanh nghiệp trong ngành nông nghiệp mất trắng

Theo đó, để giải quyết khó khăn về dòng vốn cho doanh nghiệp, Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các tổ chức tín dụng chủ động tính toán phương án hỗ trợ, thực hiện cơ cấu lại thời hạn, giữ nguyên nhóm nợ, xem xét miễn, giảm lãi vay cho các khách hàng bị thiệt hại, xây dựng các chương trình tín dụng mới với lãi suất ưu đãi phù hợp, tiếp tục cho vay mới đối với khách hàng để khôi phục sản xuất kinh doanh sau bão; Ngân hàng Chính sách xã hội tập trung đẩy nhanh việc giải ngân các chương trình tín dụng chính sách; rà soát, tổng hợp thiệt hại của khách hàng vay vốn tại ngân hàng, xây dựng nhu cầu cho khách hàng vay mới và đề xuất nguồn vốn…

Đồng thời, Chính phủ giao Bộ Tài chính khẩn trương thực hiện hiệu quả các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất, thuê mặt nước...; giao Bộ Công thương nghiên cứu, đề xuất chính sách hỗ trợ khôi phục nhanh chóng các cơ sở logistic và kho bãi bị hư hỏng để đảm bảo không bị gián đoạn chuỗi cung ứng;  Nghiên cứu việc áp dụng giá điện cho cơ sở lưu trú du lịch ngang bằng với giá điện sản xuất.

Riêng đối với các doanh nghiệp du lịch, Chính phủ chỉ đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với các địa phương cho phép cơ sở kinh doanh du lịch tại địa phương bị ảnh hưởng được giảm 80% tiền ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành đến tháng 6/2025.

Kiến nghị thêm nhiều chính sách thiết thực hỗ trợ doanh nghiệp

Trước thực trạng của doanh nghiệp, trên cơ sở Nghị quyết số 143/NQ-CP của Chính phủ, ngày 18/9, VCCI đã gửi Thủ tướng Chính phủ đề xuất chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh sau bão Yagi.

VCCI nhận định, việc khôi phục sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp hiện nay gặp rất khó khăn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tăng trưởng kinh tế và sinh kế của nhiều người dân, người lao động. Đây là thời điểm rất cần những chính sách kinh tế phù hợp để doanh nghiệp các tỉnh miền Bắc nhanh chóng tái thiết, khôi phục sản xuất kinh doanh, góp phần giảm thiệt hại về lâu dài của cơn bão, bảo đảm sinh kế cho người dân.

Theo đó, VCCI đề xuất, miễn tiền thuê mặt nước cho các cơ sở nuôi trồng thuỷ hải sản đến hết năm 2025. Cụ thể, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp các tỉnh miền Bắc nhanh chóng tái thiết, khôi phục sản xuất kinh doanh sau bão lũ chia thành 2 nhóm. Nhóm 1 là dành cho các ngành, lĩnh vực, địa phương chịu thiệt hại nặng nề nhất từ bão Yagi, gồm tàu cá khai thác thuỷ hải sản, tàu du lịch, lồng bè nuôi trồng thuỷ hải sản trên mặt biển, sông, suối, ao hồ. Các giải pháp được đề xuất gồm các khoản hỗ trợ dựa trên thiệt hại thực tế, do UBND cấp xã và chủ tàu thống kê. Các đề xuất hỗ trợ dưới hình thức miễn tiền thuê mặt nước, miễn các loại phí, lệ phí cũng như đề xuất miễn hoặc giảm các loại thuế được kiến nghị.

Đặc biệt, VCCI đề nghị các giải pháp đề xuất gồm hỗ trợ thiệt hại theo Nghị định 02/2017/NĐ-CP về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh được áp dụng cho cả các doanh nghiệp nuôi trồng thuỷ hải sản.

Bên cạnh đó, VCC đề xuất cân nhắc giảm thuế giá trị gia tăng, gia hạn thời điểm nộp thuế. Theo đó, kiến nghị đưa doanh nghiệp vào nhóm đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai. VCCI đề nghị Thủ tướng Chính phủ cân nhắc giảm thuế giá trị gia tăng đối với xăng dầu từ mức 10% xuống mức 8% từ tháng 9 – 12/2024 đối với các cơ sở bán lẻ xăng dầu tại các địa phương chịu thiệt hại bởi bão lũ, đặc biệt là các địa phương vùng núi phía Bắc.

Đối với các khách hàng sử dụng điện tại các địa phương chịu thiệt hại bởi bão lũ, VCCI kiến nghị Thủ tướng cân nhắc giảm thuế giá trị gia tăng đối với mặt hàng điện từ mức 8% xuống 6%. 

VCCI kiến nghị tiếp tục gia hạn thời điểm nộp thuế GTGT, TNDN và tiền thuê đất cho các doanh nghiệp tại các địa phương chịu ảnh hưởng của bão lũ sang năm 2025; giãn thời điểm nộp các khoản nộp cho bảo hiểm xã hội từ 4 đến 6 tháng cho các doanh nghiệp tại các địa phương chịu thiệt hại của bão lũ.

Đặc biệt, VCCI tiếp tục đề xuất giảm 50% kinh phí công đoàn nộp lên cấp trên cơ sở cho các doanh nghiệp tại các tỉnh chịu thiệt hại của bão lũ đến hết tháng 12/2024 và giãn thời điểm nộp đến năm 2025.

Cùng với đó, VCCI đề nghị Thủ tướng chỉ đạo việc chi Quỹ phòng chống thiên tai để cứu trợ, khắc phục hậu quả của bão Yagi. Đây là Quỹ do doanh nghiệp và người lao động đóng góp nhưng đến năm 2023 còn kết dư gần 2000 tỷ đồng./.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước