Tâm lý bán tháo của nhà đầu tư bắt nguồn từ việc thị trường đã dự báo sai về lãi suất mục tiêu của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cuối năm chỉ khoảng 4,2%. Tuy nhiên thực tế, FED lại phát tín hiệu rằng lãi suất sẽ tăng tới 4,4%, khi các quan chức FED nhấn mạnh mức tăng 0,5 điểm % tại 2 cuộc họp còn lại trong năm.
Kết phiên, giảm mạnh nhất trên thị trường chứng khoán Mỹ là chỉ số công nghệ Nasdaq khi giảm khoảng 1,4%, còn 11.066,81 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 0,8%, còn 3.757,99 điểm. Chỉ số Dow Jones mất 107,1 điểm, tương đương giảm 0,3%, còn 30.076,68 điểm. Sắc xanh chỉ le lói ở nhóm ngành liên quan đến công nghiệp quốc phòng và dược phẩm.
Cổ phiếu tăng trưởng, đặc biệt là cổ phiếu công nghệ, tiếp tục là nhóm bị bán nhiều nhất trong phiên này. Đây là những cổ phiếu chịu áp lực giảm lớn hơn cả trong một môi trường lãi suất tăng như hiện nay.
Hàng loạt cổ phiếu công nghệ vốn hóa lớn và những công ty tăng trưởng cao như Amazon, Tesla và Nvidia đồng loạt giảm từ 1 - 5,3% trong phiên này.
Với phiên giảm này, Dow Jones đã giảm 2,4% từ đầu tuần. Cả S&P 500 và Nasdaq cũng mất điểm mạnh, tương ứng giảm 3% và 3,3%.
Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ 10 năm và 2 năm tiếp tục ghi nhận những kỷ lục mới. Đường cong lợi suất vẫn đảo ngược và nới rộng hơn. Hiện lợi suất trái phiếu 2 năm đạt 4,16%, trong khi lợi suất trái phiếu 10 năm đạt 3,69%.
Còn trên thị trường kim loại quý, giá vàng vẫn trong chu kỳ giảm, giao dịch ở mức 1.671,20 USD/ounce, thấp nhất 2 năm rưỡi. Quỹ giao dịch hoán đổi (ETF) vàng lớn nhất thế giới "SPDR Gold Trust" tiếp tục bán ròng. Đây được xem là một chỉ báo không tốt về triển vọng giá vàng thời gian tới.
Nhiều ngân hàng trung ương tăng lãi suất
Một ngày sau khi FED tăng lãi suất 0,75 điểm %, nhiều Ngân hàng Trung ương từ châu Á đến châu Âu cũng đã công bố quyết định tăng lãi suất cơ bản để kiềm chế lạm phát cũng như giữ đồng tiền khỏi giảm giá so với USD.
Cụ thể, các Ngân hàng Trung ương của Philippines và Indonesia đồng loạt tăng lãi suất thêm 0,5 điểm %.
Tại châu Âu, Ngân hàng Trung ương Na Uy thông báo tăng lãi suất lên 2,25% từ mức 1,75%. Trong khi Ngân hàng Trung ương Thụy Sỹ thông báo điều chỉnh lãi suất tăng thêm 0,75 điểm %.
Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) cũng đã quyết định tăng lãi suất thêm 0,5 điểm %, đưa lãi suất cơ bản lên 2,25%, mức cao nhất trong vòng 14 năm trở lại đây.
Mức trần lãi suất cao hơn của FED chắc chắn sẽ thu hút nhiều nhà đầu tư quan tâm hơn đến đồng USD và điều này sẽ gây bất lợi cho các đồng tiền khác. Do vậy, tính hiệu quả của các biện pháp tăng lãi suất để giảm sức ép lạm phát, qua đó tháo gỡ khó khăn về tăng trưởng kinh tế vẫn là vấn đề nghi ngại.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!