Chứng khoán tuần từ 23 - 27/5: Cần nhịp lùi để kiểm tra lại cung - cầu

TTXVN-Thứ hai, ngày 23/05/2022 06:05 GMT+7

VTV.vn - Theo chuyên gia, nhiều khả năng thị trường sẽ cần 1 nhịp lùi để kiểm tra lại cung - cầu và để chờ đợi sự tham gia đồng bộ hơn của dòng tiền ở các nhóm ngành.

Sau 6 tuần căng thẳng với đà giảm liên tiếp của thị trường, nhà đầu tư đã có thể thoải mái hơn khi VN-Index hồi phục trong tuần qua, tuy vẫn với thanh khoản thấp cho thấy họ vẫn còn dè dặt trong việc tham gia trở lại thị trường.

Chứng khoán tuần từ 23 - 27/5: Cần nhịp lùi để kiểm tra lại cung - cầu - Ảnh 1.

Sự thận trọng vẫn đang bao trùm lên tâm lý của các nhà đầu tư. (Ảnh minh họa - Ảnh: TTXVN)

Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho biết, thị trường kết thúc phiên giao dịch cuối tuần (20/5) trong trạng thái lưỡng lự dưới mốc tham chiếu. Sau phiên đảo chiều mạnh mẽ ngày 17/5, hiện tượng "đè" bán vào cuối phiên vẫn diễn ra trên nền thanh khoản thấp. Diễn biến ở các nhóm ngành cũng đang có phân hóa. Điều này cho thấy sự thận trọng vẫn đang bao trùm lên tâm lý của các nhà đầu tư.

Do đó, nhiều khả năng thị trường sẽ cần 1 nhịp lùi để kiểm tra lại cung - cầu và để chờ đợi sự tham gia đồng bộ hơn của dòng tiền ở các nhóm ngành.

VDSC dự kiến vùng 1.200 - 1.220 điểm vẫn sẽ đóng vai trò hỗ trợ cho VN-Index trong tuần sau. Vì vậy, nhà đầu tư có thể cân nhắc mua tích lũy tại các cổ phiếu lớn có định giá tốt trong khi đợt điều chỉnh diễn ra, VSDC khuyến nghị.

Công ty cổ phần Chứng khoán MB - (MBS) nhận định, phiên cuối tuần, thị trường tuy giảm nhẹ nhưng về tổng thể vẫn là phiên giao dịch giằng co với biên độ nhỏ và thanh khoản ở mức thấp. Vẫn có những điểm tích cực đối với thị trường như độ rộng vẫn khá cân bằng dù chỉ số giảm, bên cạnh đó thị trường cũng xuất hiện nhiều nhịp rung lắc nhưng không có đợt bán như ở các phiên trước.

Thanh khoản thị trường vẫn ở mức thấp và phù hợp với quan điểm của MBS rằng đây là tín hiệu tốt của thị trường cho thấy lực cung đang dần cạn kiệt, kết hợp với biên độ dao động của thị trường khá hẹp.

Cùng đó, diễn biến hồi phục từ thị trường chứng khoán thế giới, thị trường trong nước nhiều khả năng sẽ có phiên tăng điểm vào tuần sau với thanh khoản được cải thiện so với 5 phiên vừa qua, MBS nêu quan điểm.

Dưới góc nhìn của Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS), thị trường tuần qua đã hồi phục sau sáu tuần giảm điểm liên tiếp, với thanh khoản suy giảm so với tuần trước đó.

Cụ thể, kết thúc tuần giao dịch (từ 16 -20/5), VN-Index tăng 57,94 điểm lên 1.240,71 điểm, HNX-Index tăng 4,63 điểm lên 307,02 điểm.

Giá trị giao dịch trên HOSE giảm 19,3% so với tuần trước đó với 67.969 tỷ đồng, tương ứng khối lượng giảm 12,6% xuống 2.736 triệu cổ phiếu.

Giá trị giao dịch trên HNX tăng 2,7% so với tuần trước đó với 8.513 tỷ đồng, tương ứng khối lượng giảm 3% xuống 393 triệu cổ phiếu.

Thị trường hồi phục trong 3/5 phiên giao dịch vào thứ 3, thứ 4 và thứ 5 với mức hồi phục mạnh nhất là trong phiên 17/5, với 4,8% giá trị vốn hóa. Đây cũng là phiên có mức tăng điểm tuyệt đối mạnh nhất trong lịch sử thị trường chứng khoán Việt Nam.

Nhóm cổ phiếu dầu khí tăng mạnh nhất trong tuần qua với 12,1% giá trị vốn hóa. Các cổ phiếu tiêu biểu như: BSR tăng 26,5%, OIL tăng 18,8%, PVD tăng 22,1%, PVS tăng 19%, PVB tăng 17,3%...

Tiếp theo là ngành nguyên vật liệu với 7,7% giá trị vốn hóa; trong đó, các cổ phiếu hóa chất như: DGC tăng 17,1%, DCM tăng 16,2%, DPM tăng 12,1%...; cổ phiếu thép như: NKG tăng 7,6%, HPG tăng 4,9%, HSG tăng 1,2%...

Nhóm cổ phiếu trụ cột thị trường là ngân hàng cũng hồi phục 6,1% giá trị vốn hóa, củng cố thêm cho sắc xanh của thị trường. Cụ thể, VCB tăng 3,2%, VPB tăng 5,5%, TCB và ACB đều tăng 5,6%, CTG tăng 8,4%, BID tăng 8,5%, MBB tăng 12%, SHB tăng 15,2%...

Các ngành còn lại đều có mức tăng trưởng tốt như tiện ích cộng đồng tăng 4,5% giá trị vốn hóa, với GAS tăng 4,5%, POW tăng 11,8%...

Nhóm tài chính tăng 2,3% giá trị vốn hóa; trong đó, các mã cổ phiếu chứng khoán như: SSI tăng 10,3%, HCM tăng 16,7%, SHS tăng 23,4%, VCI tăng 23,5%... Cổ phiếu hàng tiêu dùng tăng 4,3% vốn hóa, với VNM tăng 3%, MSN tăng 11,2%...

Nhóm dược phẩm và y tế tăng 1,3% giá trị vốn hóa, dịch vụ tiêu dùng tăng 3,9%, công nghiệp tăng 5,8%, công nghệ thông tin tăng 4,7%, với trụ cột trong nhóm là FPT tăng 4,2% và CMG tăng 2,8%.

Tuần qua, khối ngoại bán ròng trên hai sàn với giá trị gần 200 tỷ đồng. Xét theo khối lượng ròng, SSI là mã bị bán ròng nhiều nhất với 20,1 triệu cổ phiếu. Tiếp theo là HPG, đạt 11,3 triệu cổ phiếu và STB là 9,6 triệu cổ phiếu.

Trên thị trường phái sinh, các hợp đồng tương lai VN30 đang thấp hơn so với chỉ số cơ sở từ 5 đến 19 điểm cho thấy các nhà giao dịch đang nghiêng về khả năng thị trường có thể sớm điều chỉnh trở lại.

Theo SHS, sau 6 tuần căng thẳng với đà giảm liên tiếp của thị trường, nhà đầu tư đã có thể thoải mái hơn khi VN-Index hồi phục trong tuần qua, tuy vẫn với thanh khoản thấp cho thấy nhà đầu tư vẫn còn dè dặt trong việc tham gia trở lại thị trường.

Bên cạnh đó, góc nhìn về phân tích kỹ thuật cũng đang có sự ủng hộ nhất định cho xu hướng hồi phục của thị trường với việc chỉ số VN-Index lấy lại ngưỡng 1.200 điểm trong tuần qua để xác nhận kết thúc sóng điều chỉnh và bước sang sóng hồi phục với mục tiêu theo lý thuyết gần nhất quanh ngưỡng 1.300 điểm. Tuy nhiên, nếu thị trường suy yếu trở lại và VN-Index không thể giữ được ngưỡng 1.200 điểm thì thị trường sẽ một lần nữa quay trở lại sóng điều chỉnh.

SHS cho biết, định giá thị trường vẫn đang ở mức hấp dẫn cho các nhà đầu tư dài hạn với P/E (hệ số giá trên lợi nhuận một cổ phiếu) của VN-Index và VN30 chỉ quanh mức 13 lần, thấp hơn mức trung bình 5 năm gần nhất. Nếu tính P/E Forward (P/E kỳ vọng) cho năm 2022 thì mức định giá lại càng trở nên hấp dẫn hơn.

Thực tế, thị trường chứng khoán Việt Nam thời gian gần đây diễn biến không tích cực cũng khá tương đồng với thị trường chứng khoán thế giới.

Đơn cử, thị trường chứng khoán lớn nhất thế giới Phố Wall chứng kiến chuỗi tuần giảm điểm dài nhất trong nhiều thập kỷ. Tính chung cả tuần qua, Dow Jones mất 2,9%, S&P 500 lùi 3%, còn Nasdaq mất 3,8%. S&P 500 và Nasdaq ghi nhận tuần giảm điểm thứ bảy liên tiếp, chuỗi giảm dài nhất kể từ khi bong bóng dotcom kết thúc năm 2001.

Trong khi đó, chỉ số Dow Jones chứng kiến mức giảm hàng tuần thứ tám liên tiếp, mức giảm dài nhất kể từ năm 1932, trong thời kỳ Đại suy thoái.

Lúc đầu, đà sụt giảm do xu hướng bán tháo chủ yếu tập trung vào các cổ phiếu công nghệ và tăng trưởng được đánh giá cao. Tuy nhiên, đà sụt giảm cuối cùng đã lan rộng sang các lĩnh vực khác trên thị trường. Đến cuối phiên ngày thứ Sáu, năng lượng là ngành duy nhất thuộc S&P 500 ghi nhận sắc xanh từ đầu năm đến nay.

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã báo hiệu rằng ngân hàng này sẽ tiếp tục nâng lãi suất nhằm cố gắng kiềm chế sự gia tăng lạm phát gần đây.

Lập trường "cứng rắn" về chính sách tiền tệ của FED đã làm dấy lên lo ngại rằng nền kinh tế số 1 thế giới sẽ rơi vào suy thoái. Ngân hàng Deutsche Bank cho biết, S&P 500 có thể rơi xuống mốc 3.000 điểm nếu có một cuộc suy thoái kinh tế xảy ra.

Tạo mọi điều kiện để thị trường chứng khoán vận hành thông suốt ổn định Tạo mọi điều kiện để thị trường chứng khoán vận hành thông suốt ổn định

VTV.vn - Theo Bộ Tài chính, tính bền vững của thị trường chứng khoán đang là ưu tiên hàng đầu và sẽ được đảm bảo kể cả trước những biến động về nhân sự cấp quản lý.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước