Nền kinh tế đang có những chuyển biễn vĩ mô tốt hơn, kim ngạch xuất nhập khẩu, thu hút đầu tư tiếp tục tăng trưởng trong những tháng đầu năm, là cơ hội nhưng các doanh nghiệp làm thế nào để nắm bắt. Rất nhiều ý kiến và giải pháp đã được đưa ra tại hội thảo "Điểm sáng kinh doanh và đầu tư 2024", vừa được tổ chức sáng 26/3.
Với 3 động lực tăng trưởng kinh tế là xuất khẩu, đầu tư, tiêu dùng, thì các diễn giả tại hội thảo đều nhìn nhận có rất nhiều động lực tăng trưởng. Ví dụ như xuất nhập khẩu, theo số liệu Tổng cục Thống kê, tăng hơn 18% trong 2 tháng đầu năm, Vốn FDI tăng gần 40%. Trong khi đó, môi trường lãi suất đang giảm, tỷ giá ổn định hơn. Những yếu tố này được nhận định sẽ tiếp tục giúp kinh tế Việt Nam duy trì tăng trưởng và thu hút dòng vốn, cả trong nước, và vốn đầu tư nước ngoài.
"Doanh nghiệp thường nhìn tới sự ổn định kinh tế vĩ mô, vị trí địa lý của một đất nước có thuận tiện cho giao thương của họ hay không, chẳng hạn như Việt Nam đã kí FTA với 16 quốc gia trên thế giới cũng là 1 điểm cộng cho nền kinh tế", bà Đỗ Thụy Như Thùy - Giám đốc toàn quốc Khối quản lý và Giải pháp Thanh toán toàn cầu HSBC Việt Nam nhận định.
Ông Trần Quốc Trung - Phó trưởng Ban Quản lý các Khu công nghiệp Thái Nguyên cho biết: "Thường xuyên chúng tôi đối thoại với doanh nghiệp, giải quyết khó khăn vướng mắc, chẳng hạn như thủ tục đầu tư chỉ còn 8 ngày, giảm 7 ngày so với trước"
Các diễn giả cũng nhận định tỷ trọng đóng góp của lĩnh vực phi sản xuất trong cơ cấu GDP đã tăng lên nhanh chóng trong những năm gần đây và dự báo sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới.Vì thế, việc tiếp tục cải cách thị trường tài chính cũng như thu hút dòng vốn FDI vào các ngành công nghệ cao như điện tử, bán dẫn, năng lượng tái tạo nhằm thúc đẩy chuyển dịch nền kinh tế sang các ngành có giá trị gia tăng cao, từ đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong dài hạn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!