Ngành trung tâm dữ liệu gắn liền với dịch vụ điện toán đám mây có thể ví như nền móng của tất cả các dịch vụ số. Không có mạng lưới trung tâm dữ liệu tốt thì khó có những trải nghiệm từ đơn giản nhất như là đặt đồ ăn trực tuyến hay mua hàng online thuận tiện cho từng người dùng như chúng ta.
Các nhu cầu dịch vụ số nói riêng và chuyển đổi số nói chung sẽ ngày càng lớn. Để đáp ứng nhu cầu này, ước tính quy mô đầu tư các trung tâm dữ liệu quy mô lớn tại Việt Nam cần tăng gấp 15 lần hiện nay, mở ra nhiều cơ hội mới cho thị trường.
Một thống kê quốc tế năm 2023 cho thấy tại Việt Nam cứ 6 triệu USD chi tiêu cho điện toán đám mây sẽ giúp gia tăng 134 triệu USD trong GDP. Nôm na là cứ bỏ một đồng cho điện toán đám mây thì GDP nước ta sẽ có thêm 22 đồng.
Dù vậy các trung tâm dữ liệu tại Việt Nam hiện nay chủ yếu là quy mô nhỏ, thiếu vắng các trung tâm lớn có công suất từ 10 MW trở lên. Để đủ đáp ứng sức tăng trưởng của dịch vụ điện toán đám mây, ước tính quy mô các trung tâm lớn cần tăng ít nhất 15 lần mức hiện nay, đồng nghĩa dư địa phát triển còn nhiều.
Các trung tâm dữ liệu tại Việt Nam hiện nay chủ yếu là quy mô nhỏ
Ông Hoàng Văn Ngọc - Tổng Giám đốc Viettel IDC cho biết: "Việt Nam chúng ta nằm trong những nước có tiềm năng, cơ hội rất lớn. Là một trong 10 thị trường mới nổi được sự quan tâm của các tập đoàn công nghệ lớn toàn cầu. Cơ hội chia đều cho cả nhà cung cấp trong nước và quốc tế".
Thực tế hai năm trở lại đây đã có nhiều doanh nghiệp ngoại đầu tư trung tâm dữ liệu tại Việt Nam, trong đó có động thái xúc tiến đầu tư từ gã khổng lồ công nghệ Alibaba của Trung Quốc.
Một động lực thúc đẩy dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào thị trường trung tâm dữ liệu là nhu cầu liên doanh giữa doanh nghiệp ngoại và doanh nghiệp nội. Trên nguyên tắc đôi bên cùng có lợi. Doanh nghiệp ngoại có thể tận dụng nguồn lực sẵn có của doanh nghiệp trong nước. Còn doanh nghiệp Việt có thể sử dụng mạng lưới lên đến cả trăm trung tâm dữ liệu cũng như tệp khách hàng của doanh nghiệp ngoại, sớm đưa dịch vụ điện toán đám mây của Việt Nam ra thị trường toàn cầu.
Các hãng nghiên cứu nhận định, Việt Nam có lợi thế phát triển trung tâm dữ liệu nhờ vị trí địa lý chiến lược, dân số trẻ và chi phí cạnh tranh. Việc sửa đổi chính sách theo hướng linh hoạt, cởi mở hơn với nhà đầu tư nước ngoài trong Luật Viễn thông năm 2023 đang mở ra nhiều cơ hội mới.
Ông Daniel Chow - Giám đốc Công ty tư vấn Arthur D. Little (Singapore) nhận định: "Một yếu tố rất quan trọng giúp thu hút nhà đầu tư là tăng số lượng cáp quang biển. Việt Nam đang có khoảng 5 tuyến cáp quang biển và Chính phủ đang có kế hoạch tăng mạnh số lượng này chỉ trong vài năm tới. Điều này làm tăng tốc độ kết nối mạng và thu hút các nhà đầu tư trung tâm dữ liệu quy mô lớn đến Việt Nam".
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, thị trường điện toán đám mây tại Việt Nam đang có khoảng 80% thị phần là của doanh nghiệp ngoại. Áp lực cạnh tranh rất lớn cho doanh nghiệp trong nước, khi ngành này đòi hỏi vừa có lượng vốn đầu tư lớn đến hàng tỷ USD, vừa tiếp cận được các tệp khách hàng toàn cầu.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!