FED tăng lãi suất mạnh tay
Đêm 2/11 (theo giờ Việt Nam), Ủy ban Thị trường mở, cơ quan hoạch định chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã kết thúc cuộc họp chính sách kéo dài 2 ngày.
Đúng như các dự báo trước đây, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đã đưa ra quyết định tăng thêm 0,75 điểm phần trăm lãi suất, với mục tiêu để kiểm soát lạm phát đang ở mức cao tại Mỹ. FED tăng lãi suất sẽ đưa lãi suất cho vay trung bình, tăng từ 3,75% lên 4% và là mức lãi suất cao nhất kể từ năm 2008.
Như vậy, từ đầu năm, FED đã tăng lãi tổng cộng 6 lần. Trong đó, 4 lần gần nhất đều nâng với mức 75 điểm cơ bản, trong các phiên họp tháng 6, tháng 7, tháng 9 và tháng 11.
Chủ tịch FED Jerome Powell. (Ảnh: Shutterstock)
Trong cuộc họp báo kết thúc cuộc họp chính sách kéo dài 2 ngày, Chủ tịch FED đã nói: "Chúng ta còn chặng đường dài phía trước và các dữ liệu mới cập nhật kể từ cuộc họp trước gợi ý rằng mức lãi suất cuối cùng sẽ cao hơn dự kiến trước kia". Và ông Powell cũng bổ sung là "còn quá sớm để nói về việc ngừng tăng".
Với các nhà đầu tư cho rằng đây là tuyên bố "diều hâu" (quá cứng rắn), nghĩa là lạm phát dự kiến sẽ vẫn còn cao, cuộc chiến chống lạm phát vẫn còn dài. Sau cuộc họp, dự báo về mức tăng lãi suất của tháng 12 cũng đã có thay đổi.
Công cụ theo dõi FED CME cho thấy khả năng FED sẽ tăng nửa điểm phần trăm giảm xuống 56,8%. Trong khi khả năng tăng 0,75 điểm % tăng lên 43,2%, so với mức hơn 35% của 1 tuần trước.
Các số liệu kinh tế gần đây của Mỹ cũng có thể là đã phần nào gây ảnh hưởng tới quan điểm của giới chức FED. Chẳng hạn như GDP quý III công bố hồi tuần trước đã tăng trở lại sau 2 quý giảm liên tiếp.
Một số liệu quan trọng khác vừa công bố là lượng việc làm mới trong tháng 10 cũng cao hơn mức dự báo. Những yếu tố này được cho là đang khiến FED gặp khó khăn hơn trong việc sớm "dập" được lạm phát đang cao kỷ lục hiện nay.
Cánh cửa "hạ cánh mềm" có còn mở ra cho nền kinh tế Mỹ?
Ảnh minh họa - Cleveland.com
Chủ tịch FED đã thừa nhận, cơ hội để kinh tế Mỹ "hạ cánh mềm" (nghĩa là giảm tốc tăng trưởng nhưng không vướng vào suy thoái) đang hẹp dần nhưng vẫn có khả năng xảy ra. Lý do cơ hội đang hẹp dần là vì lạm phát vẫn rất "cứng đầu" và đầy thách thức. Vì thế, chính sách tiền tệ của Mỹ vẫn sẽ phải siết chặt hơn.
FED gần đây gặp nhiều chỉ trích của các chuyên gia phố Wall rằng cơ quan này đã quá mạnh tay và có thể tạo nên những hệ lụy không cần thiết cho tăng trưởng kinh tế Mỹ và môi trường đầu tư toàn cầu.
Có thể vì thế cơ quan này lần đầu tiên trong năm nay ngụ ý rằng sẽ đưa ra các quyết định lãi suất tiếp theo trên cơ sở tính toán cả "độ trễ" trong tác động của chính sách tiền tệ đối với tăng trưởng kinh tế.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!