Trung Đông trở thành một thị trường đầy trường tiềm năng của Việt Nam.
Xuất khẩu còn hạn chế do vướng nhiều rào cản
Trao đổi với phóng viên, đại diện Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho biết, Trung Đông bao gồm 16 quốc gia, đang nổi lên như khối thị trường xuất khẩu tiềm năng cho doanh nghiệp Việt, với dân số đông, khoảng 400 triệu dân và mức sống cao.
Trung Đông trở thành một thị trường đầy trường tiềm năng của Việt Nam.
Theo ông Bùi Hà Nam - Vụ trưởng Vụ Trung Đông – châu Phi (Bộ Ngoại giao) cho biết, nền kinh tế thế giới trong năm 2023 và đầu năm 2024 tiếp tục gặp khó khăn đã ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình xuất nhập khẩu của Việt Nam. Trong bối cảnh đó, thị trường các nước Trung Đông nổi lên là điểm sáng trong bức tranh giao thương của Việt Nam với thế giới.
Bộ phận Nghiên cứu Toàn cầu HSBC vừa phát hành báo cáo "ASEAN Perspectives" với nhận định, liên kết giữa ASEAN và Trung Đông còn chưa sâu sắc như với các khu vực khác ở thời điểm hiện tại. Tính bình quân, 6% hàng nhập khẩu của ASEAN đến từ Trung Đông, trong đó, Thái Lan nhập nhiều nhất với thị phần 10%. Nhập khẩu của ASEAN từ Trung Đông tập trung chủ yếu vào lĩnh vực năng lượng (nhiên liệu), với thị phần lên đến gần 80%, chủ yếu đến từ Các tiểu Vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) và Saudi Arabia.
Được biết, UAE là một thị trường quan trọng của Việt Nam tại khu vực Trung Đông. Do điều kiện tự nhiên nhiều sa mạc nên ngành công nghiệp của nước này kém phát triển và tiêu dùng trong nước hầu hết các sản phẩm phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu và đây là cơ hội cho hàng Việt chiếm lĩnh thị trường này.
Tuy nhiên, điểm đáng lưu ý là dù trong nhiều năm qua, quan hệ thương mại của Việt Nam với khu vực Trung Đông mặc dù tăng trưởng tốt, song chủ yếu tập trung vào các quốc gia thuộc Hội đồng hợp tác Vùng Vịnh (GCC) với 06 quốc gia thành viên là Các tiểu Vương quốc Ả rập thống nhất (UAE), Saudi Arabia, Kuwait, Bahrain, Qatar và Oman có tổng dân số 65 triệu người (năm 2021).
Đơn cử, những năm gần đây, kim ngạch xuất khẩu của "đầu tàu" kinh tế nước ta là TP. HCM sang các quốc gia Trung Đông tăng đều theo năm. Song TP. HCM chủ yếu giao thương với UAE với các mặt hàng xuất khẩu chính thủy hải sản, rau củ quả, cà phê, hạt tiêu, dệt may, máy tính và linh kiện điện tử, linh kiện điện thoại…
Sở dĩ như vậy là bởi rất nhiều lý do. Mới đây, báo cáo của HSBC đã chỉ ra, ngoại trừ một số sản phẩm đặc biệt, lượng xuất khẩu của nước ta sang Trung Đông nhìn chung còn tương đối hạn chế. Nguyên nhân có lẽ là do rào cản tự do hóa thương mại, bởi thuế suất bình quân của hai khu vực này đều ở mức cao. Điều may mắn là các nhà làm chính sách đã nhận diện được những rào cản này và gần đây có những nỗ lực thúc đẩy nhằm khuyến khích các cơ hội thương mại tiềm năng.
Hơn thế nữa, tại thị trường Trung Đông, Việt Nam đang phải đối mặt với sự cạnh tranh rất khốc liệt từ các đối thủ. Ví dụ, bước sang năm 2024, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam và Thái Lan sang Trung Đông đang có xu hướng phục hồi. Đáng chú ý, trong khi xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang khối thị trường này tăng trưởng không ổn định, xuất khẩu của Thái Lan lại đang tăng trưởng liên tục và ngày càng cao. Theo số liệu thống kê của Hải quan Thái Lan, xuất khẩu cá ngừ của nước này sang Trung Đông trong 2 tháng đầu năm 2024 đạt gần 124 triệu USD, tăng 26% so với cùng kỳ năm 2023. VASEP nhận định, những năm qua, mặc dù các doanh nghiệp Việt nam đã nỗ lực mở rộng quy mô thị trường tại Trung Đông nhưng thị phần của Việt Nam vẫn thấp hơn rất nhiều so với Thái Lan.
Mặt khác, doanh nghiệp Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn khi tiếp cận thị trường Trung Đông như thiếu thông tin, những rào cản về logistics và thanh toán quốc tế.
Với thu nhập cao, khó khăn về địa lý và nhu cầu về phát triển liên tục trong các mảng như công nghệ, dịch vụ, du lịch, nhu cầu thị trường lương thực, thực phẩm tại khu vực Trung Đông là cực kì lớn. Đây là những quốc gia có sức mua lớn và khả năng thanh toán cao. Bên cạnh đó, cơ cấu hàng nhập khẩu của khối GCC cũng phù hợp với thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam, khi tập trung nhiều vào các ngành nông nghiệp, thực phẩm chế biến, vật liệu xây dựng và nội thất.
Tiềm năng lớn nhất là nông sản
Các chuyên gia nhận định, nông sản nước ta có nhiều cơ hội phát triển tại khu vực Trung Đông. Do điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, nền nông nghiệp cũng không phát triển, khu vực Trung Đông là thị trường còn nhiều dư địa để các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản Việt Nam đẩy mạnh khai thác tiềm năng trong thời gian tới.
Việt Nam hiện đang là nước đứng đầu về xuất khẩu nông sản sang UAE trong các nước ASEAN.
Với nhu cầu nhập khẩu khoảng 40 tỷ USD/năm các mặt hàng lương thực, thực phẩm, đến năm 2035, tổng giá trị nhập ngành hàng này dự kiến sẽ tăng lên 70 tỷ USD/năm tại các quốc gia Trung Đông.
Bên cạnh đó, khi xuất khẩu sang Trung Đông, mức thuế nhập khẩu chỉ từ 0-5% đối với hàng hóa nhập khẩu từ bên ngoài khối. Vì vậy, Trung Đông trở thành một thị trường đầy trường tiềm năng của Việt Nam.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, Trung Đông là một khu vực có nền văn hóa và tôn giáo khác biệt so với Việt Nam, các quốc gia Trung Đông chủ yếu là theo đạo Hồi. Vì vậy các doanh nghiệp cần phải nghiên cứu kỹ về nền văn hóa và tôn giáo này để đảm bảo rằng các sản phẩm của doanh nghiệp khi đưa vào khu vực này phù hợp với thị hiếu của thị trường địa phương.
Bộ Công thương khuyến cáo, doanh nghiệp cần tìm hiểu kỹ những vấn đề trên thông qua sự hỗ trợ từ các cơ quan, tổ chức ngoại giao của Việt Nam tại khu vực Trung Đông cũng như các cơ quan xúc tiến thương mại và đầu tư khác.
Bên cạnh đó, do phải cạnh tranh với nhiều đối thủ lớn như Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia, Trung Quốc, Brazil, Sri Lanka nên doanh nghiệp Việt cần phải đưa ra chiến lược cạnh tranh tốt hơn và tìm cách để tạo ra sản phẩm nông sản độc đáo.
Hơn thế nữa, Trung Đông có rào cản rất lớn về chứng nhận nên để xuất khẩu vào thị trường này doanh nghiệp phải có được giấy chứng nhận về tiêu chuẩn kiểm định chất lượng nhãn mác,… do tổ chức Tiêu chuẩn và đo lường vùng vịnh cấp, giấy chứng nhận Halal đối với các sản phẩm là thực phẩm, thủy sản.
"Trung Đông có các quy định rất nghiêm ngặt về kiểm soát chất lượng và an toàn thực phẩm. Do đó, các doanh nghiệp cần đảm bảo rằng các sản phẩm của mình đáp ứng được các tiêu chuẩn nghiêm ngặt của khu vực này. Doanh nghiệp nên tìm hiểu kỹ về thị trường Trung Đông, tìm kiếm thông tin trên các trang web của các tổ chức thương mại, hội đoàn, đại sứ quán và các doanh nghiệp hoạt động trên thị trường này. Ngoài ra, doanh nghiệp có thể kết nối với các nhà nhập khẩu, đối tác kinh doanh địa phương để có được thông tin cụ thể và chính xác hơn, tránh rủi ro", đại diện Cục Xuất nhập khẩu nhấn mạnh.
Cũng theo thông tin từ Bộ Công thương, với các đặc điểm về văn hóa tương đối khác biệt so với các khu vực khác trên thế giới, khi nhập khẩu nông sản/lương thực thực phẩm vào các quốc gia Trung Đông sẽ cần chứng nhận Halal. Đây là chứng nhận những mặt hàng xuất khẩu được chấp nhận theo luật Hồi giáo, đáp ứng đủ các điều kiện của luật Hồi giáo. Đây là một chứng nhận bắt buộc khi muốn xuất khẩu vào thị trường này. Để đạt được chứng nhận Halal không khó, tuy nhiên, cần phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của Halal, nhằm đáp ứng các quy định về yếu tố văn hóa của các quốc gia Trung Đông. Chứng chỉ của Halal không chỉ mang tính chất tôn giáo, mà còn là một quy chuẩn để nông sản/thực phẩm Việt có thể vươn tầm thế giới xa hơn, tiếp cận tới nhóm dân tộc chiếm 20% tổng dân số thế giới này.
Ngoài ra, các chuyên gia cũng khuyến cáo, điều kiện thời tiết khắc nghiệt đới khí hậu nóng và khô của khu vực, vận chuyển hàng hóa có thể bị ảnh hưởng bởi các yếu tố khó khăn như sự chênh lệch nhiệt độ và độ ẩm. Do đó, doanh nghiệp cần phải đưa ra các giải pháp để giữ cho hàng hóa được an toàn và đảm bảo chất lượng./.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!