Một trạm xăng ở Brussels, Bỉ. (Ảnh: THX/TTXVN)
Mạnh tay cắt giảm sản lượng
Mặc dù Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đối tác (nhóm OPEC+) đã nhất trí cắt giảm sản lượng ở mức kỷ lục 9,7 triệu thùng/ngày trong tháng 5-6/2020, song con số này vẫn khó có thể giải quyết được bài toán dư cung trên thị trường. Điều khiến cho vấn đề trở nên tệ hơn là sự mất cân bằng giữa nguồn cung và nhu cầu có thể kéo dài hơn dự kiến. Trong bối cảnh đó, giới chuyên gia cho rằng thỏa thuận cắt giảm này cần phải được mở rộng lên tới hơn 20 triệu thùng/ngày để phù hợp với sự sụt giảm về nhu cầu.
Các kho dự trữ dầu mỏ trên thế giới hiện đã được lấp đầy hơn 70% công suất và lượng dầu được tích trữ thêm vẫn rất lớn. Ước tính, sự mất cân đối cung-cầu tạm thời ở mức 25 triệu thùng/ngày đã bổ sung thêm tới 750 triệu thùng dầu và các sản phẩm dầu mỏ vào kho dự trữ toàn cầu trong tháng Tư. Do đó, vào thời điểm OPEC+ cắt giảm sản lượng trong tháng Năm, sẽ còn rất ít chỗ lưu trữ dầu mỏ dự phòng còn lại.
Việc nhiều công ty dầu khí phải đóng cửa, cùng với thỏa thuận cắt giảm sản lượng của OPEC+ dù không giúp thị trường sớm đạt được trạng thái cân bằng, song cũng sẽ "rút" được một lượng dầu nhất định ra khỏi nguồn cung và tạo cơ hội cho sự phục hồi giá trong dài hạn. Nhà phân tích chiến lược Sebastien Galy tại Nordea Asset Management cho rằng, thị trường trước mắt sẽ tập trung vào những tín hiệu mà Saudi Arabia và Nga đã phát đi gần đây, trong đó hướng tới khả năng đạt được một thỏa thuận cắt giảm sản lượng lớn hơn. Bên cạnh đó, nhóm OPEC+ cũng có thể sớm nhóm họp ngay trong tháng 5/2020 để đánh giá lại mức độ hiệu quả của thỏa thuận cắt giảm sản lượng, cũng như để điều chỉnh các quyết định để phù hợp với diễn biến mới. Bản thân chiến lược của OPEC+ sẽ linh hoạt dựa vào nền kinh tế giống như một bóng đèn có thể tắt và bật nhanh chóng, do đó vẫn còn "dư địa" để thích ứng với tình hình.
Các nước sản xuất dầu mỏ chủ chốt đang cắt giảm sản lượng với hy vọng thúc đẩy giá dầu, nhưng nỗ lực này không giải quyết được vấn đề nguồn cầu suy yếu. Để làm được điều đó, cần phải đưa hoạt động kinh doanh dầu mỏ trở lại bình thường - điều mà ở nhiều nước là cả một chặng đường dài. Ngay cả khi các quy định về giãn cách xã hội từng bước được nới lỏng, thì vẫn cần mất nhiều thời gian để người tiêu dùng mạnh dạn chi tiêu và đi lại thoải mái như trước đây.
Tính tới phiên sáng 4/5 giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm khoảng 8% xuống còn 18,19 USD/thùng, trong khi giá dầu Brent giảm 3% xuống còn 25,56 USD/thùng dù cho thỏa thuận cắt giảm sản lượng của OPEC+ có hiệu lực từ ngày 1/5.
"Ngóng đợi" nhu cầu phục hồi
Nhu cầu tiêu thụ "vàng đen" thực tế sẽ phụ thuộc vào các hoạt động phong tỏa ở nhiều quốc gia sẽ kéo dài đến khi nào, cũng như hoạt động kinh doanh và vận tải hàng hóa bao giờ sẽ nhộn nhịp trở lại. Việc mở cửa nền kinh tế và đẩy mạnh sản xuất trở lại vẫn có thể bị coi là một sự mạo hiểm, thậm chí là liều lĩnh khi chưa kiểm soát được dịch COVID-19 một cách chắc chắn. Khi đó, tốc độ tăng trở lại của giá dầu sẽ còn bị kìm hãm. Trong kịch bản tiêu cực đó, nền kinh tế không thể tái khởi động nhanh chóng và lượng dầu tồn kho sẽ còn tăng cao hơn nữa.
Tuy nhiên, một số nhà phân tích có quan điểm lạc quan hơn thì nhìn thấy những "ánh sáng cuối đường hầm" trên thị trường dầu mỏ. Một vài quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch COVID-19 đã sẵn sàng nới lỏng những biện pháp phong tỏa, trong đó có Mỹ và Đức. Yếu tố này được kỳ vọng sẽ đóng vai trò quan trọng để thúc đẩy giá dầu tăng lên ngưỡng 35 USD/thùng vào cuối tháng 6/2020 và tiếp tục phục hồi trở lại ở mức trước thời điểm xảy ra cuộc chiến dầu mỏ giữa Nga và Saudi Arabia trong giai đoạn cuối năm. Bên cạnh đó, Trung Quốc được cho là đang tăng cường mua vào dầu mỏ trong môi trường giá thấp hiện nay. Bản thân Bắc Kinh đã bắt đầu giảm bớt những hạn chế đi lại từ vài tuần qua, làm dấy lên hy vọng rằng giá dầu sẽ bắt đầu tăng khi hoạt động công nghiệp và du lịch tại Đại lục được phục hồi. Một số báo cáo cho thấy Trung Quốc đã tăng gấp đôi tỷ lệ dự trữ dầu mỏ từ thời điểm cuối tháng 3/2020 khi tình hình dịch bệnh COVID-19 có dấu hiệu được kiểm soát.
Cũng có giả thuyết đưa ra rằng giá dầu sẽ còn hạ thấp hơn nữa trước khi có thể bật tăng trở lại. Tại Mỹ, vấn đề điều tiết lại sản lượng dầu đá phiến đang trở thành nhu cầu cấp bách sau khi giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) lần đầu tiên rơi vào ngưỡng "giá âm" khi các nhà giao dịch bán tháo hợp đồng kỳ hạn tháng 5/2020 do áp lực lưu trữ. Đợt rớt giá choáng váng này đã phản ánh mức độ khắc nghiệt mà nền kinh tế toàn cầu đang phải chịu đựng vốn kéo theo sự suy giảm nghiêm trọng về nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ.
Chuyên gia dầu mỏ Damien Courvalin tại Ngân hàng Goldman Sachs nhận định, mặc dù nhu cầu sẽ không phục hồi nhanh và sức ép đối với thị trường vẫn rất lớn, song nếu vấn đề nguồn cung được giảm bớt trong vài tuần tới, thì sự thắt chặt sản lượng đó có thể tạo ra lợi thế "mong manh" cho giá dầu trong nửa cuối năm nay. Thời điểm cuối tháng Năm và đầu tháng Sáu được dự báo sẽ là mấu chốt quyết định đối với sự vận động của thị trường dầu mỏ.
Dù sao đi nữa, ngành công nghiệp dầu mỏ chưa bao giờ phải trải qua nhiều khó khăn như lúc này. Thế giới chưa từng chứng kiến cuộc khủng hoảng nào có tính hủy hoại nhu cầu tiêu thụ như đại dịch COVID-19 hiện nay. Điều đó không chỉ xảy ra đối với một số thị trường, mà là trên quy mô toàn cầu. Mấu chốt để giải quyết "bài toán" cung-cầu đó vẫn sẽ là siết chặt hơn nữa trong sản xuất và cân bằng nguồn cung dầu mỏ nhằm giảm áp lực đối với các kho dự trữ, đồng thời sớm kiểm soát dịch bệnh. Nếu không, khả năng phục hồi của giá dầu sẽ là điều bất khả thi.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!