Cơ hội tận dụng lao động về quê

Ban Thời sự-Chủ nhật, ngày 17/10/2021 06:30 GMT+7

VTV.vn - Tác động của đợt dịch COVID-19 thứ 4 đã khiến nhiều lao động ở các khu công nghiệp về quê, có người về quê tránh dịch nhưng cũng có người mong muốn được làm việc gần nhà.

Những năm qua, Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) luôn trong tình trạng thiếu lao động, vì số đông người dân vùng này lên các khu công nghiệp tìm kiếm việc làm.

Ở những vùng quê của ĐBSCL, lớp nông dân trẻ gắn bó với ruộng đồng gần như vắng bóng. Sự trở về lần này của nhiều người chủ yếu vẫn là tránh dịch.

Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, dịp này có khoảng 500.000 lao động trở về địa phương là các tỉnh ĐBSCL. Con số này gần bằng phân nửa số lao động toàn vùng đã mất đi trong 10 năm trước đó.

"Lực lượng lao động trong nông nghiệp đòi hỏi công việc ổn định và có tay nghề. Như vậy, 2 lực lượng này không khớp nhau, chỉ là tỷ lệ trong ngắn hạn", ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Chi nhánh Cần Thơ, cho biết.

Những tấm biển tuyển dụng đang xuất hiện nhiều hơn tại ĐBSCL. Đây là thời điểm các doanh nghiệp cơ cấu lại lao động và có cơ chế cạnh tranh để thu hút nhân lực.

Cơ hội tận dụng lao động về quê - Ảnh 1.

Người dân An Giang di chuyển bằng xe máy về quê. (Ảnh minh họa - Ảnh: TTXVN)

"Nhiều địa phương đã khảo sát hỏi ý kiến bà con, ai trở lại khu vực đô thị thì cứ đi làm, còn ai nguyện vọng ở lại thì đây là cơ hội sốc lại khu vực kinh tế nông thôn. Vì ruộng nương cũng chỉ có bằng ấy, nếu vẫn sản xuất kiểu cũ thì việc làm sẽ không nhiều. Tôi nghĩ rằng có rất nhiều sáng kiến cộng đồng nếu các địa phương xem đây là cơ hội chứ không phải áp lực, thách thức", Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan nhận định.

Việc khó giữ chân lao động cũng có thể nhìn thấy khi ĐBSCL thiếu nhà máy, khu công nghiệp. Để người lao động về quê có được cuộc sống tốt hơn các thành phố lớn, ĐBSCL vẫn là vùng trũng của cả nước về đô thị hóa.

Nhiều chuyên gia vẫn nhìn nhận sự trở về lần này của người lao động là cơ hội lớn cho tái cơ cấu lao động ở nông thôn. Việc cần làm của các địa phương là thiết lập các kênh thông tin chính thống để cập nhật cho doanh nghiệp và người lao động chiến lược phát triển kinh tế, kế hoạch kiểm soát dịch bệnh, các chính sách hỗ trợ, bởi đó là cơ sở quan trọng để khôi phục và phát triển sản xuất được đẩy mạnh trong quý 4.

Hơn 6.600 doanh nghiệp phía Nam cần tuyển lao động Hơn 6.600 doanh nghiệp phía Nam cần tuyển lao động

VTV.vn - Thời điểm này là cao điểm sản xuất cho các đơn hàng cuối năm của doanh nghiệp, nên cơ hội việc làm cho người lao động là rất lớn.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước