Có nên giải cứu "con tàu đắm" Đạm Ninh Bình?

Hoàng Nga - Lưu Tuấn (Trung tâm Tin tức VTV24)-Thứ hai, ngày 19/09/2016 23:39 GMT+7

VTV.vn - Nhà máy Đạm Ninh Bình với vốn đầu tư 12.000 tỷ đồng nhưng liên tục thua lỗ từ khi đi vào hoạt động nay xin Nhà nước giải cứu. Vấn đề đặt ra là việc giải cứu có hợp lý?

Trên thị trường tài chính gần đây đang nóng lên câu chuyện Tỉnh Ninh Bình vừa gửi công văn lên Thủ tướng xin giải cứu cho dự án Nhà máy Đạm Ninh Bình nhưng trong nhiều năm gần đây liên tục rơi vào tình trạng thua lỗ nặng.

Thua lỗ ngàn tỉ, Đạm Ninh Bình kêu cứu Thủ tướng Thua lỗ ngàn tỉ, Đạm Ninh Bình kêu cứu Thủ tướng

VTV.vn - Dư luận đang đặc biệt quan tâm tới động thái mới đây của UBND tỉnh Ninh Bình khi gửi công văn kiến nghị Thủ tướng có các giải pháp gỡ khó khăn cho Công ty Đạm Ninh Bình.

Vấn đề dư luận quan tâm là có nên tiếp tục dùng tiền của Nhà nước để giải cứu, hỗ trợ cho dự án này nữa hay không ?

Dự án 12.000 tỷ đồng "đắp chiếu" sau hơn 3 năm hoạt động

Cửa khóa then cài, hệ thống dây chuyền trị giá hàng tỷ đồng nằm im không còn hoạt động là những gì đang diễn ra Nhà máy Đạm Ninh Bình - nơi có tổng mức đầu tư lên tới 12.000 tỷ đồng, trong đó, phần lớn tiền đến từ khoản vay các ngân hàng trong và ngoài nước.

Sau hơn 3 năm hoạt động, Nhà máy Đạm Ninh Bình lỗ tới 2.000 tỷ đồng, bằng 1/6 tổng mức đầu tư cả dự án. Càng chạy càng lỗ, dự án đã phải ngừng hoạt động 3 tháng nay.

Theo báo cáo của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, từ khi đi vào hoạt động tới nay, nhà máy liên tục thua lỗ.

Có nên giải cứu con tàu đắm Đạm Ninh Bình? - Ảnh 2.

Sản phẩm đạm Ninh Bình khó cạnh tranh trên thị trường

Với tổng vốn đầu tư lên tới 12.000 tỷ đồng, Nhà máy Đạm Ninh Bình là dự án đầu tư lớn nhất từ trước đến nay. Theo kỳ vọng của tập đoàn này, với Nhà máy Đạm Ninh Bình sẽ giúp Việt Nam không còn phải nhập khẩu nguyên liệu đầu vào sản xuất các loại phân bón khác. Để trả lời câu hỏi có nên giải cứu dự án này hay không, chắc chắn phải tính đến câu chuyện đầu ra của sản phẩm từ Nhà máy Đạm Ninh Bình trên thị trường hiện nay ra sao?

Thực tế 3 năm qua, chưa năm nào Nhà máy Đạm Ninh Bình hoạt động quá 20% công suất. Trong khi đó, sản phẩm làm ra lại khó thiêu thụ vì giá bán cao hơn 15% so với sản phẩm cùng loại. Theo các chuyên gia, nguyên nhân là do nhà máy công suất lớn tới 500.000 tấn/năm nhưng lại sử dụng công nghệ khí hóa than - thứ công nghệ lạc hậu hiện còn rất ít quốc gia sử dụng khiến chi phí sản xuất bị đẩy lên cao.

Để cứu "đứa con đẻ", không chỉ Tỉnh Ninh Bình mà Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cũng đã phải cầu cứu Chính phủ. Tập đoàn này đã đề nghị hàng loạt đề xuất như giảm 20% giá bán than trong vòng 36 tháng, chuyển khoản nợ 2.708 tỷ đồng của BIDV thành vốn Nhà nước góp, đặc biệt xin khoanh nợ vay 250 triệu USD của Eximbank Trung Quốc trong 5 năm. Thế nhưng, các chuyên gia cho rằng, kể cả đổ thêm tiền, Nhà máy Đạm Ninh Bình cũng khó cầm cự được vì nguồn cung phân bón hiện đang dư thừa 400.000 tấn một năm.

Giãn nợ, khoanh nợ nghĩa là hàng nghìn tỷ từ đồng ngân sách lại phải bỏ ra để trả cho các khoản vay, nợ của Nhà máy Đạm Ninh Bình trong khi sản phẩm đạm Ninh Bình lại khó có thể cạnh tranh được về giá. Nhiều chuyên gia trên thị trường cho rằng liệu ai dám chắc, nếu tiếp tục đổ tiền vào nhà máy đạm này sẽ làm ăn có lãi hay lại phải gánh thêm khoản nợ mới để nợ nần thêm chồng chất! 

Có nên giải cứu con tàu đắm Đạm Ninh Bình? - Ảnh 4.

Nhà máy Đạm Ninh Bình đã ngừng hoạt động 3 tháng nay.

Trước tình hình làm ăn thua lỗ, mới đây UBND tỉnh Ninh Bình - nơi tọa lạc của Nhà máy Đạm Ninh Bình đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ để xin giải cứu Nhà máy này. Trong văn bản kèm theo, tỉnh Ninh Bình đã gửi kèm một số kiến nghị cụ thể của Nhà máy Đạm Ninh Bình bao gồm ưu đãi thuế giá trị gia tăng đầu ra về 0%, cho phép chuyển nợ, giãn thời gian trả nợ và áp dụng biện pháp tự vệ đối với sản phẩm Urê.

Trước lời đề nghị giải cứu Nhà máy Đạm Ninh Bình, ông Nguyễn Văn Thanh - Cục trưởng Cục Hóa chất, Bộ Công Thương cho biết mặc dù đề nghị giải cứu Nhà máy Đạm Ninh Bình đã có từ năm 2014, tuy nhiên một số đề xuất của đơn vị chưa phù hợp nên chưa thể giải quyết. Bên cạnh đó, cơ quan này cho rằng khi đã vào WTO, việc hỗ trợ doanh nghiệp Nhà nước hay tư nhân đều phải công bằng. Chủ đầu tư cần phải có trách nhiệm và nguồn lực tài chính để đảm bảo hoạt động của doanh nghiệp.

Câu trả lời có giải cứu Nhà máy Đạm Ninh Bình hay không còn phải chờ quyết định từ Chính phủ và các bộ ngành liên quan. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng dù đau xót cắt lỗ, dù bỏ hay cứu, dự án này đã gây nên tổn nhất hàng nghìn tỷ đồng.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước