Trong tổng số hơn 31 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài năm 2019, lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo chiếm gần 2/3. Với mức tăng trưởng duy trì khoảng 10%/năm, khu vực này được xem là điểm sáng của ngành công nghiệp Việt Nam.
Để thúc đẩy kết nối giữa nhà cung cấp Việt Nam và các đối tác đa quốc gia, tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước, hệ thống cơ sở dữ liệu các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và công nghiệp hỗ trợ Việt Nam đã chính thức ra mắt vào ngày hôm nay (19/6).
Lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo được xem là điểm sáng của ngành công nghiệp Việt Nam. (Ảnh minh họa: Dân trí)
Công nghiệp chế biến, chế tạo được ví như xương sống của nền kinh tế, là nền tảng, động lực dẫn dắt tăng trưởng của toàn ngành công nghiệp Việt Nam. Để một bộ xương hoạt động nhịp nhàng, không thể thiếu những khớp nối, ở đây là liên kết đầu - cuối trong chuỗi sản xuất. Tuy nhiên, thời gian qua, liên kết này vẫn chưa thực sự chặt chẽ.
Việt Nam đang đứng trước cánh cửa lớn để đóng sóng FDI, hội nhập toàn cầu. Hệ thống cơ sở dữ liệu ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp hỗ trợ là dấu mốc quan trọng nhằm giải quyết nhu cầu kết nối đầu tư giữa doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Công nghiệp chế biến, chế tạo được ví như xương sống của nền kinh tế. (Ảnh minh họa)
Đến nay, Bộ Công Thương đã cập nhật lên hệ thống cơ sở dữ liệu thông tin về 500 doanh nghiệp trong lĩnh vực cơ khí chế tạo, hơn 700 doanh nghiệp điện tử, 1.100 doanh nghiệp dệt may và nhiều lĩnh vực khác.
Thời gian tới, Chính phủ sẽ tiếp tục hỗ trợ nguồn lực để phát triển các tính năng mới cho phép doanh nghiệp tự tạo gian hàng giới thiệu sản phẩm, tiến đến thiết lập một sàn thương mại điện tử về công nghiệp chế biến, chế tạo và công nghiệp hỗ trợ Việt Nam.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!