Cơi nới thùng phụ gắn dưới gầm rơ moóc để buôn lậu xăng dầu qua biên giới

Ban Thời sự-Thứ hai, ngày 18/04/2022 20:39 GMT+7

VTV.vn - Với cách thức vận chuyển như trên, các phương tiện chở xăng dầu lậu đã dễ dàng vượt qua các chốt kiểm soát của cơ quan chức năng.

Từ đầu năm đến nay, giá xăng dầu thế giới đã tăng hơn 40% trong khi giá bán lẻ trong nước tăng chưa đến 30%. Mức chênh lệch lớn về giá giữa Việt Nam và một số nước lân cận đã dẫn đến tình trạng buôn lậu xăng dầu sang các nước có chung đường biên. Nếu không có những biện pháp kịp thời, việc buôn bán trái phép xăng dầu qua biên giới sẽ gây ra nhiều hệ luỵ.

Một trong những cách thức vận chuyển xăng dầu qua biên giới từng bị các lực lượng chức năng phát hiện đó là những thùng chứa xăng dầu phụ được cơi nới thêm chiều cao khoảng 1m, chiều dài từ 4 - 5m và được các lái xe gắn dưới gầm rơ moóc khiến việc phát hiện rất khó.

Sau khi xăng dầu được đổ đày vào các thùng phụ, những chiếc xe này di chuyển về hướng cửa khẩu Nậm Cắn, tỉnh Nghệ An để đưa qua Lào tiêu thụ.

"Xe nào cũng chở thêm khoảng 1.000 lít, sang Lào bán được 4 - 5 triệu đồng. Hải quan hỏi thì các anh tự đi mà làm luật, tự mà lo", lái xe cho biết.

Cơi nới thùng phụ gắn dưới gầm rơ moóc để buôn lậu xăng dầu qua biên giới - Ảnh 1.

Cơi nới thùng xăng dầu phụ và gắn dưới gầm rơ móc để buôn lậu qua biên giới.

Theo quy định, các phương tiện chở hàng hóa qua khu vực cửa khẩu chỉ được đổ xăng dầu trong bình theo đúng thiết kế, tuyệt đối không được gia cố thêm các bình xăng dầu phụ. Tuy nhiên, bằng nhiều cách, các phương tiện vẫn dễ dàng vượt qua các chốt kiểm soát của cơ quan chức năng.

Ông Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho hay: "Khả năng thẩm lậu có tiếp tục diễn ra hay không, một phần người ta hay nói là sự yếu kém hay dàn trải lực lượng không đáp ứng được yêu cầu thì cái đó có. Nhưng một phần quan trọng không kém là những quan hệ lợi ích".

"Nói đúng hơn đó là một hình thức tiếp tay cho chuyện buôn lậu, nhập lậu xăng dầu phổ biến hơn. Chúng ta nên nhớ rằng tất cả đều có mối quan hệ cung cầu, tức phải có cầu mới có cung và ngược lại", ông Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV nhận định.

Cơi nới thùng phụ gắn dưới gầm rơ moóc để buôn lậu xăng dầu qua biên giới - Ảnh 2.

Một chiếc xe chở xăng dầu lậu di chuyển về hướng cửa khẩu Nậm Cắn, tỉnh Nghệ An để đưa qua Lào tiêu thụ.

Mức chênh lệch càng gia tăng khi thuế bảo vệ môi trường đối với xăng đã giảm xuống còn 2.000 đồng/lít. Chính vì thế, lực lượng quản lý thị trường của các địa phương và các cơ quan bảo vệ pháp luật cần tăng cường hơn nữa việc kiểm tra, kiểm soát, chống thẩm lậu xăng dầu qua biên giới.

Ông Nguyễn Đức Chi - Thứ trưởng Bộ Tài chính cho biết: "Mặt hàng xăng dầu là mặt hàng chiến lược nếu chúng ta không có những giải pháp đồng bộ rất khó khăn cả thu ngân sách và đảm bảo vấn đề cung - cầu cho mặt hàng xăng dầu".

Xăng dầu hiện vẫn là nhóm hàng quan trong trong sự phát triển của nhiều quốc gia. Việt Nam đang thực hiện đồng loạt nhiều giải pháp vừa đảm bảo nguồn cung cũng như điều hành giá ở mức hợp lý. Đây là một trong những giải pháp trong chương trình phục hội kinh tế cũng như hạn chế những tác động về giá cho người dân.

Tuy nhiên, cùng với những điều hành về chính sách, công tác chống thẩm lậu qua biên giới cũng cần được tăng cường hơn để vừa tránh nhiễu loạn thị trường trong nước cũng như thất thu cho ngân sách nhà nước.

Theo thống kế từ đầu năm đến nay, tại vùng biển phía Nam, lực lượng chức năng cũng đã bắt giữ 6 vụ vận chuyển dầu DO trái phép với khoảng 400.000 lít, thất thu ngân sách nhà nước là gần 1.000 tỷ đồng.... Thực tế giá xăng dầu nhập lậu chênh lệch với hàng chính thức rất nhiều, gây thiệt hại cho các doanh nghiệp nhập khẩu chính ngạch và kích thích nạn buôn lậu, sản xuất xăng dầu giả.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước