Hiện nay có 841 doanh nghiệp có vốn góp của mhà nước, với tổng vốn nhà nước đang đầu tư là 1 triệu 752 nghìn tỷ đồng. Tỷ suất lãi phát sinh trước thuế trên vốn chủ sở hữu bình quân chung của các doanh nghiệp năm 2023 là 12%. Mặc dù vậy, theo báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội trước Kỳ họp thứ 8 thì các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước hoạt động vẫn chưa tương xứng với nguồn lực nắm giữ, hiệu quả đầu tư chưa như kỳ vọng.
Một trong những nguyên nhân đó là các doanh nghiệp nhà nước chưa được thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm để hoạt động theo cơ chế thị trường. Do đó, cần có cơ chế chính sách nhằm "cởi trói" giúp doanh nghiệp nhà nước phát huy lợi thế, khắc phục hạn chế, tận dụng cơ hội phát triển. Đổi mới mạnh mẽ trong công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật cũng là yêu cầu trong Nghị quyết Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10 vừa được ban hành.
Dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp đang được đánh giá là mang tính "đột phá" so với Luật số 69 năm 2014 trước đây. Theo đó, nhiều quan điểm mới mang tính "cởi trói" cho doanh nghiệp có vốn đầu tư nhà nước, được kỳ vọng tạo động lực thúc đẩy hiệu quả đầu tư và tạo cơ chế thông thoáng cho doanh nghiệp nhà nước phát triển.
Theo Luật 69 thì Nhà nước sở hữu doanh nghiệp nhà nước, có thể can thiệp vào mọi hoạt động quản trị của doanh nghiệp. Nhưng dự thảo luật mới thì được xây dựng trên quan điểm "đột phá", Nhà nước chỉ là một nhà đầu tư giống như rất nhiều nhà đầu tư khác tại doanh nghiệp, không can thiệp hành chính vào hoạt động quản trị của doanh nghiệp.
"Ý tưởng xuyên suốt trong Luật là Nhà nước không quản lý thực thể doanh nghệp, mà chúng ta chỉ quản lý dòng tiền. Đây là ý tưởng xuyên xuốt của luật này. Chúng tôi dưới góc độ chuyên gia tài chính thì thấy đây là đổi mới rất căn bản, thay đổi cả tư duy bộ máy của chúng ta hiện nay", ông Phạm Phan Dũng - Nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Dự trữ Nhà nước đánh giá.
Khi nhà nước được xác định là một nhà đầu tư vốn đặc biệt tại doanh nghiệp, không can thiệp hành chính trực tiếp vào hoạt động sản xuất, kinh doanh và quản trị của doanh nghiệp, thì các doanh nghiệp cũng sẽ chủ động hơn trong các kế hoạch sản xuất, kinh doanh của mình. Đây là điều mà tất cả các doanh nghiệp có vốn nhà nước mong chờ. Họ cần một không gian rộng hơn để phát huy hiệu quả nguồn vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Văn Mậu - Thành viên HĐTV, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam PVN bày tỏ: "PVN chúng tôi có nhiều hoạt động đầu tư ra nước ngoài, tôi cũng mong rằng luật mới có quy định để phân cấp cho doanh nghiệp được chủ động quyết định các dự án đầu tư ra nước ngoài, đảm bảo các thủ tục này có thể rút ngắn, có thể tận dụng các cơ hội một cách tốt nhất".
Cần có cơ chế chính sách nhằm "cởi trói" giúp doanh nghiệp nhà nước phát huy lợi thế, khắc phục hạn chế, tận dụng cơ hội phát triển. (Ảnh minh họa: PLO)
Theo đại diện Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, dự thảo luật mới sẽ có những quy định tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp nhà nước phát triển. Thực hiện đúng chủ trương đổi mới trong xây dựng pháp luật, dứt khoát từ bỏ tư duy "không quản được thì cấm" của Tổng Bí thư Tô Lâm, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho các doanh nghiệp nhà nước.
Ông Nguyễn Văn Cảnh - Phó Chủ tịch Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp nhận định: "Quan trọng nhất đối với Luật 69 sửa đổi lần này đó là bổ sung thực hiện Nghị quyết 12 của Trung ương, tách bạch giữa chức năng quản lý và cơ quan chủ sở hữu, cũng như tách bạch giữa chức năng quản lý và quản trị của doanh nghiệp. Phân cấp, phân quyền cho doanh nghiệp được chủ động trong hoạt động đầu tư và sản xuất kinh doanh của mình".
Sau 10 năm thực hiện Luật 69, giờ đây doanh nghiệp nhà nước cần khoác lên mình một tấm áo mới rộng rãi hơn thay cho tấm áo cũ đã chật, để họ chủ động trong sản xuất, kinh doanh, tạo đà đột phá phát triển, thực sự là "cánh chim đầu đàn" dẫn dắt nền kinh tế đi lên trong thời gian tới.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!