Còn dư địa để kinh tế Việt Nam về đích với tăng trưởng GDP 7%

VTV Digital-Thứ ba, ngày 08/10/2024 16:46 GMT+7

VTV.vn - 7,4% là tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) trong quý III vừa qua.

Tính chung 9 tháng, GDP ước tăng 6,82% so với cùng kỳ năm trước. Đây là những con số được Tổng cục Thống kê công bố trong buổi Họp báo công bố số liệu thống kê Kinh tế - Xã hội quý III và tháng 9 năm 2024 vừa diễn ra vào sáng qua.

Tăng trưởng GDP của 9 tháng đầu năm nay đạt 6,82%. Có thể thấy, ngoại trừ những năm chịu ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, tức là trong giai đoạn từ 2020-2023, tốc độ tăng trưởng GDP 9 tháng của các năm trước đại dịch đều rơi vào khoảng từ trên 5% đến trên 7%. Điều này cho thấy, với mức độ tăng 6,82% của 9 tháng đầu năm nay, nền kinh tế của Việt Nam đã phục hồi và quay trở lại với quỹ đạo tăng trưởng như trước đại dịch Covid-19.

Khu vực công nghiệp và xây dựng là điểm sáng của 9 tháng qua. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo là động lực tăng trưởng với tốc độ tăng 9,76%, cao hơn nhiều so với mức 1,94% của cùng kỳ năm ngoái

Bà Phí Thị Hương Nga - Vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp và xây dựng, Tổng cục Thống kê cho biết: "Đặc biệt là đối với ngành may và ngành da giày, Việt Nam tận dụng tốt các lợi thế của nước ngoài. Như các xung đột ở Banglasdesh, các đơn hàng về ngành may, da giày, chuyển về cho rất nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam sản xuất, đặc biệt là các doanh nghiệp miền Trung, miền Nam, thậm chí có những doanh nghiệp nhận đơn hàng đến giữa năm 2025".

Còn dư địa để kinh tế Việt Nam về đích với tăng trưởng GDP 7% - Ảnh 1.

CPI tháng 9 tăng 2,63%

Diễn biến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong 9 tháng lại có xu hướng ngược lại so với năm 2023, khi tăng vào những tháng đầu năm nhưng lại giảm từ tháng 6 cho đến nay. CPI tháng 9 tăng 2,63%. Bình quân 9 tháng đầu năm, CPI tăng 3,88%. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chủ động, quyết liệt trong công tác chỉ đạo điều hành giá; các Bộ, ngành, địa phương triển khai nhiều giải pháp nhằm đảm bảo nguồn cung, lưu thông hàng hoá. Theo Tổng cục Thống kê, lạm phát cả năm nay sẽ đạt được mục tiêu mà Quốc hội đề ra, ở mức từ 4 - 4,5%.

Bà Nguyễn Thu Oanh - Vụ trưởng Vụ Thống kê giá chia sẻ: "Trong thời gian vừa qua, Chính phủ rất tăng cường chú trọng công tác quản lý điều hành giá trong thời điểm thiên tai bão lũ, kịp thời xuất cấp các hàng hoá dự trữ để hỗ trợ, cứu trợ cho người dân. Để bù đắp nguồn cung hàng hóa bị thiếu hụt, các doanh nghiệp đã tăng cường nhập khẩu hàng hóa từ phía Nam, Đà Lạt để giữ được giá về cơ bản ổn định".

Tổng cục Thống kê đánh giá, với bức tranh chung của 9 tháng đầu năm, vẫn còn dư địa để chúng ta đạt được mục tiêu tăng trưởng cả năm là 7%.

Bà Nguyễn Thị Hương - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê nhận định: "Đặc biệt là đầu tư công, thông thường sẽ được đẩy mạnh vào cuối năm. Rất nhiều hoạt động dịch vụ về vui chơi giải trí, phục vụ cho hoạt động xuất khẩu, thông thương với nước ngoài và các đơn hàng cũng sẽ đẩy mạnh vào dịp cuối năm, lễ Tết, Noel. Chúng ta sẽ cố gắng khai thác mọi dư địa để nỗ lực đạt khoảng 7,5% trong quý IV để về đích với mục tiêu tăng trưởng 7%".

Hết tháng 9 vừa qua, cả nước ước giải ngân được trên 320.500 tỷ đồng vốn đầu tư công, đạt trên 47% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Trong bối cảnh chỉ còn 3 tháng nữa là hết năm, các bộ, ngành, địa phương cần phấn đấu với quyết tâm cao nhất để đạt mục tiêu giải ngân trên 95% của cả năm.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước