Còn nhiều dư địa tăng tốc giải ngân đầu tư công

Ban Thời sự-Thứ sáu, ngày 04/10/2024 21:49 GMT+7

VTV.vn - Tính đến hết tháng 9 năm nay, vẫn còn 29 bộ, cơ quan Trung ương và 26 địa phương giải ngân thấp hơn bình quân chung của cả nước.

Triển khai đồng loạt hàng chục dự án, trong đó có nhiều dự án trọng điểm quốc gia như dự án cao tốc đường bộ Bắc Nam. Khối lượng giải phóng mặt bằng nhiều, áp lực mỏ vật liệu cũng lớn. Thế nhưng Hà Tĩnh vẫn nằm trong nhóm có kết quả giải ngân cao nhất cả nước. Đặc biệt là chỉ trong hai tháng gần đây, địa phương này đã giải ngân được hơn 30% vốn đầu tư công theo kế hoạch được phân bổ.

Đây là một minh chứng cho thấy, nếu có thay đổi về cách làm và quyết tâm hơn của người đứng đầu thì mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công đạt ít nhất 95% theo yêu cầu của Thủ tướng vẫn khả quan.

Giải phóng mặt bằng, xây dựng khu tái định cư và thi công dự án, tất cả đều được đồng hành triển khai. Chính vì thế, tuy có nhiều diễn biến bất thường của thời tiết, dự án đường vành đai phía Đông của thành phố Hà Tĩnh đã vượt tiến độ tới 10% so với kế hoạch.

Ông Nguyễn Danh Phong - Phó giám đốc Ban Quản lý đầu tư xây dựng và phát triển quỹ đất TP. Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh cho biết: "Ban Quản lý dự án đã phân công trách nhiệm cho cán bộ kỹ thuật gắn liền với chỉ đạo, triển khai thực hiện. Đặc biệt yêu cầu các nhà thầu phải huy động đầy đủ máy móc, thiết bị, nhân lực, tăng ca tăng kíp".

Còn nhiều dư địa tăng tốc giải ngân đầu tư công - Ảnh 1.

Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công giữa nhiều địa phương, đơn vị bộ ngành có sự chênh lệch khá rõ nét

Tính đến hết tháng 9 năm nay, tỉnh Hà Tĩnh đã giải ngân được hơn 84% vốn đầu tư công được phân bổ, cao hơn gấp 3 lần so với nhóm thấp của cả nước. Uỷ ban nhân dân tỉnh cho biết, sẽ giải ngân 100% vốn đầu tư công của năm nay.

Ông Võ Trọng Hải - Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh nêu ý kiến: "Thúc giục và thành lập ba đoàn của UBND tỉnh, ba đồng chí phó chủ tịch đi kiểm tra từng dự án. Nếu như tiến độ chậm, nguyên nhân, lý do gì chậm, bắt buộc chủ đầu tư và ban quản lý dự án phải giải trình để tập trung các khó khăn, vướng mắc ở tỉnh thì tỉnh phải tập trung tháo gỡ và khó khăn ở địa phương thì địa phương phải vào cuộc".

Cùng một cơ chế chính sách, cùng một khung pháp lý, tuy nhiên, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công giữa nhiều địa phương, đơn vị bộ ngành có sự chênh lệch khá rõ nét. Trong đó, nguyên nhân chính vẫn là chủ quan, không thể không nhắc tới trách nhiệm và quyết tâm của người đứng đầu.

Theo Bộ Tài chính, tính đến hết tháng 9 năm nay, vẫn còn 29 bộ, cơ quan Trung ương và 26 địa phương giải ngân thấp hơn bình quân chung của cả nước. Nếu có sự bứt phá hơn của các đơn vị này thì kết quả giải ngân trong quý IV sẽ có nhiều chuyển biến tích cực.

Ông Cấn Văn Lực - Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia nhận định: "Cũng cần phải giao chỉ tiêu về đầu tư công rất cụ thể như KPI đối với lãnh đạo các địa phương, bộ ngành".

Ông Hoàng Văn Cường - Ủy viên Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội đưa ra ý kiến: "Đây là năm chúng ta phải giải quyết rất nhiều dự án trọng điểm đang đi vào giai đoạn cuối của nhiệm kỳ 5 năm. Nếu chúng ta không đẩy nhanh được giải ngân đầu tư công thì những mục tiêu đặt ra cho nhiệm kỳ 5 năm cũng rất thách thức".

Vẫn còn hơn một quý nữa để tăng tốc tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Thời gian này vẫn đủ dư địa để các đơn vị đẩy mạnh kết quả giải ngân tối thiểu 95% kế hoạch theo yêu cầu của Thủ tướng. Vấn đề mấu chốt chắc chắn vẫn nằm ở quyết tâm, trách nhiệm của người đứng đầu.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước