Cách Sydney khoảng 7km, nhà không có phòng bếp, nhà vệ sinh, không có điện và thậm chí còn chưa được lát nền hay sơn tường nhưng giá bán là 3,5 triệu USD. Đây chỉ là một ví dụ điển hình cho việc sốt giá nhà đất tại nhiều quốc gia như Australia, Canada, Mỹ, Anh cho tới Trung Quốc.
Những câu chuyện kì lạ đang diễn ra, một số người mua thậm chí còn hứa sẽ đặt tên con đầu lòng theo tên nhà môi giới nếu họ mua được nhà, trong khi các căn nhà bỏ hoang được bán với cái giá như biệt thự.
Theo Knight Frank, giá bất động sản toàn cầu đang tăng với tốc độ nhanh nhất kể từ năm 2006, với mức tăng hàng năm là 2 con số. Riêng tại Australia, giá nhà tháng 5 tăng thêm hơn 1.200 USD/ngày.
Ông Joe Recep - Nhân viên môi giới bất động sản tại NG Farah Real Estate cho biết: "Tôi đã ở trong ngành này 25 năm và chưa từng chứng kiến điều gì tương tự. Chúng tôi nhận được 30.000 yêu cầu xem nhà chỉ trong 4 tuần từ UAE, Dubai, Mỹ, New Zealand và tất cả các quốc gia châu Á".
Những buổi đấu thầu nhà với hàng chục người mua tiềm năng đang diễn ra tại nhiều thị trường. Thậm chí, có trường hợp không xem trước vẫn trả giá cao hơn cả giá niêm yết. Nếu tại các quốc gia châu Âu, Australia hay Mỹ, người mua có xu thế nhắm tới các bất động sản ngoại ô thì ở các thành phố châu Á, phân khúc nóng nhất vẫn là nhà thành thị.
Cơn sốt nhà đất bùng nổ tại nhiều quốc gia. Ảnh minh họa - THX.
Theo viện nghiên cứu của công ty bất động sản E-House, một căn hộ tại Thâm Quyến có giá cao gấp 43,5 lần mức lương trung bình của người dân. Còn tại Seoul, giá nhà tăng nhanh đã đẩy nhiều người thu nhập thấp ra khỏi căn nhà họ từng gắn bó hàng chục năm.
"Giá nhà đã tăng gấp đôi, tôi thậm chí không đủ tiền để thuê, đừng nói tới mua nhà và gia đình tôi sẽ phải chuyển ra ngoại ô để ở. Tôi không có hy vọng nào sở hữu được một căn nhà tại Seoul", chị Lim Ji-min - người dân Seoul chia sẻ.
Ông Park Hab-soo - nhà tư vấn bất động sản tại Seoul nói: "Chính sách nhà đất lúc này chỉ chú trọng vào việc kìm hãm nhu cầu mua nhà, nhưng lại không thể kiểm soát được nguồn cung nhà đang bị thiếu hụt".
Hậu đại dịch, có một số nguyên nhân chủ yếu đang hâm nóng thị trường nhà ở đó là các khoản vay thế chấp với lãi suất thấp, mong muốn của người dân có thêm không gian sống sau đại dịch và quan trọng là nỗi sợ hãi rằng nếu không mua bây giờ sẽ không bao giờ có được nhà.
Theo Bloomberg, thị trường bất động sản thế giới đang lóe lên những dấu hiệu cảnh báo về quả bong bóng tương tự thời điểm xảy ra khủng hoảng tài chính năm 2008. Điều này dẫn tới hệ quả là tình trạng thổi giá. Thậm chí, có những trường hợp các giao dịch bất động sản không có ràng buộc pháp lý hàng tháng trời cho tới khi hợp đồng chính thức thông qua, đặt người mua vào thế rủi ro.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!