Công cụ phòng vệ thương mại thúc đẩy sản xuất trong nước

VTV Digital-Thứ năm, ngày 18/07/2024 10:32 GMT+7

VTV.vn - Sản lượng nhiều loại thép nhập khẩu vào Việt Nam tăng đột biến. Việc sử dụng hiệu quả các công cụ phòng vệ thương mại sẽ góp phần bảo vệ ngành sản xuất trong nước.

Quyết định điều tra áp dụng chống bán phá giá với một số sản phẩm thép mạ xuất xứ từ Trung Quốc và Hàn Quốc. Chính thức tiếp nhận hồ sơ yêu cầu điều tra áp dụng chống bán phá giá đối với sản phẩm thép cán nóng từ Ấn Độ, Trung Quốc. Hàng loạt vụ việc liên quan đến phòng vệ thương mại đã được Bộ Công thương tiến hành trong tháng 6 vừa qua.

6 quyết định khởi xướng điều tra, gia hạn thời gian điều tra và rà soát hồ sơ áp dụng biện pháp chống bán phá giá với nhiều sản phẩm của ngành thép đã được Bộ Công thương liên tục ban hành chỉ riêng trong tháng 6 vừa qua.

Hiện nay những nước sản xuất thép lớn nhất thế giới như Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản đều rơi vào tình trạng dư thừa. Vì thế họ đều đang muốn đẩy mạnh hàng xuất khẩu sang các thị trường khác, trong đó có Việt Nam. Mặt khác, ngành sản xuất thép của chúng ta vốn là một trong những ngành công nghiệp nặng then chốt của quốc gia. Chúng ta hiện đang đứng đầu trong khu vực Đông Nam Á và Top 12 của thế giới. Vì vậy, khi nhìn thấy những nguy cơ hiện hữu ảnh hưởng đến một ngành quan trọng như thế, thì cần phải có các biện pháp phòng vệ phù hợp để bảo vệ ngành sản xuất trong nước.

Vụ việc khởi xướng điều tra đầu tiên trong năm nay của ngành thép là liên quan đến 42 dòng sản phẩm thép mạ có xuất xứ từ Trung Quốc và Hàn Quốc. Quyết định tiến hành điều tra dựa trên kết quả thẩm định theo quy định của pháp luật về phòng vệ thương mại đối với Hồ sơ yêu cầu điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá của các doanh nghiệp sản xuất trong nước. Họ cáo buộc các sản phẩm thép mạ từ Trung Quốc và Hàn Quốc đã và đang bán phá giá vào thị trường Việt Nam và hành vi này đang gây ra thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất trong nước.

Ông Chu Thắng Trung - Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ Thương mại, Bộ Công Thương cho biết: "Trên cơ sở xét xem những bằng chứng đó trong tình hình mới, Cục Phòng vệ Thương mại đã xác định có đủ căn cứ tiếp tục đề xuất với Bộ Công thương để khởi xướng cuộc điều tra mới đối với điều tra và áp dụng biện pháp chống bán phá giá với các mặt hàng thương mại".

Một sản phẩm khác là thép cán nóng HRC, được xem là nguyên liệu chính để sản xuất ra hầu hết các mặt hàng thép dân dụng cũng đang trong diện xem xét hồ sơ để khởi xướng điều tra hay không. Theo số liệu cập nhật mới nhất, nửa đầu năm nay, hơn 5,9 triệu tấn thép cán nóng HRC đã được nhập khẩu về Việt Nam, tăng 32% so với cùng kỳ năm ngoái và cao gấp hơn 1,7 lần tổng lượng HRC sản xuất trong nước. Còn nếu xét về xuất xứ, HRC từ Trung Quốc chiếm gần 74% tổng lượng nhập khẩu. Đơn giá trung bình từ thị trường này cũng thấp hơn từ 41 - 133 USD so với các thị trường nhập khẩu khác.

"Nếu có hành vi bán phá giá của hàng nhập khẩu vào thị trường Việt Nam thì chúng ta đều nên suy nghĩ và tiến hành các biện pháp phù hợp để bảo vệ các nhà sản xuất nội địa. Việc sử dụng hợp lý và chủ động, linh hoạt các biện pháp này bao gồm cảnh báo sớm, có những thông tin kịp thời chính từ phía doanh nghiệp, từ các doanh nghiệp sản xuất để có thể kịp thời thông tin đến các cơ quan nhà nước cũng là điều rất quan trọng", TS. Hoàng Ngọc Thuận - Giảng viên Đại học Ngoại thương Hà Nội cho hay.

PGS.TS Trần Đình Thiên - Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng: "Phải nhìn thấy lợi ích cơ bản chiến lược dài hạn để tính đến lợi ích ngắn hạn nên được chiều chỉnh như thế nào, có thể đánh thuế đến mức như thế nào để giảm nhập khẩu ít thôi hay là đánh thuế đủ cao để thúc đẩy ngành sản xuất trong nước thì cái này là bài toán đối với Việt Nam hiện nay, mà cụ thể là ngành thép thì phải chú ý như vậy".

Công cụ phòng vệ thương mại thúc đẩy sản xuất trong nước

 Công cụ phòng vệ thương mại thúc đẩy sản xuất trong nước - Ảnh 1.

Việc sử dụng công cụ phòng vệ thương mại, mục đích cuối cùng là để giúp các doanh nghiệp trong nước tránh được thiệt hại.

Mục đích của chúng ta khi sử dụng bất kỳ một biện pháp phòng vệ thương mại nào như áp thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp hay thuế tự vệ là để hạn chế tạm thời lượng hàng nhập khẩu tăng nhanh đột biến, gây ra hoặc đe dọa gây ra thiệt hại nghiêm trọng đến ngành sản xuất trong nước. Như vậy khi đó thị trường trong nước cũng bớt phụ thuộc quá nhiều vào nhập khẩu nước ngoài. Đứng từ góc độ doanh nghiệp thì họ cũng giảm bớt được rủi ro chiếm thị phần của hàng nhập khẩu, để gia tăng sản xuất.

Thép không gỉ, thép mạ, nhôm thanh định hình hay một số các sản phẩm cắt thép dự ứng lực. Các sản phẩm này đang được tiến hành những bước khác nhau trong việc sử dụng công cụ phòng vệ thương mại. Mục đích cuối cùng là để giúp các doanh nghiệp trong nước tránh được thiệt hại, yên tâm đầu tư mở rộng sản xuất.

Ông Chu Thắng Trung - Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ Thương mại, Bộ Công Thương cho biết: "Việc khởi xướng điều tra và áp dụng biện pháp dựa trên căn cứ các hành vi cạnh tranh không công bằng và có hiện tượng bất thường của hàng nhập khẩu, gây ảnh hưởng tiêu cực đến ngành sản xuất trong nước. Hành vi cạnh tranh không công bằng như là bán phá giá, nhận trợ cấp từ chính phủ nước ngoài hoặc là có hiện tượng hàng hóa nhập khẩu gia tăng một cách bất thường".

Cách đây 7 năm, Việt Nam đã áp thuế chống bán phá giá với mức cao nhất là 38,34% đối với sản phẩm thép mạ, hay còn gọi là tôn mạ nhập khẩu từ Trung Quốc và Hàn Quốc. Qua đó, mặt hàng này đã giảm nhập khẩu từ 19 triệu tấn năm 2016 xuống còn 15 triệu tấn chỉ sau một năm.

"Khi mà có hiện tượng thép của Trung Quốc và một số nước khác tràn vào thì Bộ Công thương cũng đã ra một quyết định về phòng vệ thương mại đối với tôn mạ màu. Và điều này đã tạo điều kiện cho các nhà sản xuất thép Việt Nam cũng duy trì được sản xuất và đảm bảo công ăn việc làm trong việc sản xuất thép trong nước", ông Đinh Quốc Thái - Tổng Thư ký Hiệp hội Thép Việt Nam cho hay.

Giảm áp lực cạnh tranh với thép nguyên liệu nhập khẩu, cùng đồng nghĩa doanh nghiệp trong nước sẽ có thể gia tăng sản lượng của loại sản phẩm này. Bên cạnh đó, còn có điều kiện sản xuất thêm các mặt hàng thép thành phẩm có tính chính xác cao để cung cấp cho ngành công nghiệp hỗ trợ.

Ông Phan Đăng Tuất - Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam chia sẻ: "Về tương lai thì công nghiệp hỗ trợ là cực kỳ cần thiết, mà tôi gọi chung là ngành công nghiệp vật liệu, tức là các loại thép mà để họ chế tạo. Thì có như thế họ mới chủ động được về giá thành sản xuất, mới có thể tham gia chủ động vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Nếu như ta nhập khẩu hết, thì chúng ta phải nhập khẩu các máy chế tạo, vật liệu và đơn đặt hàng cũng của họ. Thế thì chúng ta chỉ đơn giản là những người gia công chi tiết linh kiện".

Việc vận dụng hiệu quả các biện pháp phòng vệ thương mại hợp pháp, kết hợp với thiết lập các hàng rào kỹ thuật theo đúng chuẩn mực quốc tế sẽ góp phần đảm bảo môi trường cạnh tranh công bằng, lành mạnh giữa sản xuất trong nước và hàng nhập khẩu.

Cứ 1 USD giá trị gia tăng tạo ra trong ngành thép sẽ là động lực tạo ra 2,5 USD giá trị gia tăng trong các ngành sản xuất hạ nguồn. Cứ 2 việc làm trực tiếp được tạo ra trong ngành thép sẽ tạo ra thêm 13 việc làm trong chuỗi giá trị của ngành thép. Những con số này cho thấy đây là một ngành công nghiệp xương sống của bất kỳ nền kinh tế nào không chỉ Việt Nam mà trên toàn thế giới.

Ngành thép cung cấp nguyên vật liệu đầu vào quan trọng cho các ngành sản xuất, chế tạo, như là cơ khí, đóng tàu, sản xuất ô tô xe máy, đồ gia dụng… Vì thế, việc sử dụng chủ động, linh hoạt và hiệu quả các biện pháp phòng vệ thương mại sẽ góp phần giúp tự chủ về thép nguyên liệu trong nước. Đây cũng là cách mà chúng ta tự chủ được nguồn nguyên vật liệu phục vụ cho sản xuất, tiêu dùng, cũng như hiện đại hoá các cơ sở vật chất của quốc gia.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước