Công nghiệp hỗ trợ nội địa tồn tại nhiều thách thức

VTV Digital-Thứ bảy, ngày 27/11/2021 13:15 GMT+7

VTV.vn - Sau hơn 20 năm hình thành và phát triển, công nghiệp hỗ trợ trong nước mới chỉ có chưa đến 300 nhà cung ứng đáp ứng được công ty đa quốc gia.

Giảm 50% phí trước bạ với ô tô lắp ráp, sản xuất trong nước

Ngày 26/11, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái thừa ủy quyền Thủ tướng đã ký Nghị định 103, quy định mức thu lệ phí trước bạ với ô tô sản xuất lắp ráp trong nước. Theo đó, từ 1/12 năm nay đến 31/5 năm sau, lệ phí trước bạ nộp lần đầu với ô tô, rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi ô tô và các loại xe tương tự sản xuất, lắp ráp trong nước được giảm 50%. Từ 1/6/2022, mức thu lệ phí trước bạ trở về mức cũ.

Đây là lần thứ 2 trong 2 năm qua, lệ phí trước bạ với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước được giảm một nửa, trước những khó khăn, tác động của dịch COVID-19 đến doanh nghiệp sản xuất trong nước. Việc giảm loại phí này cũng nhằm kích cầu tiêu dùng thị trường xe.

Công nghiệp hỗ trợ nội địa tồn tại nhiều thách thức - Ảnh 1.

Từ ngày 1/12/2021 đến hết ngày 31/5/2022 ô tô lắp ráp sản xuất trong nước được giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ. (Ảnh minh họa - Ảnh: Dân trí)

Năm 2020, khi áp dụng chính sách giảm 50% phí trước bạ vào nửa cuối năm, số thu lệ phí trước bạ theo chính sách giảm 7.300 tỷ đồng, nhưng tổng số thu ngân sách nhà nước tăng hơn 14.100 tỷ đồng. Đây được đánh giá là một trong những chính sách thiết thực, góp phần thúc đẩy ngành công nghiệp hỗ trợ nước nhà.

Công nghiệp hỗ trợ nội địa: Còn nhiều thách thức

Để dễ hình dung về bức tranh công nghiệp hỗ trợ trong nước, có thể nhìn vào một chiếc ô tô, bởi riêng mỗi chiếc xe đã có tới khoảng 30.000 linh kiện với mức độ phức tạp đa dạng, có thể chia làm 4 lớp. Thứ nhất là những linh kiện cồng kềnh hoặc cần nhiều nhân công như: ghế, hay bộ dây điện. Lớp thứ hai là các linh kiện thép và nhựa ép chất lượng cao. Thứ ba là toàn bộ thân vỏ xe và các linh kiện điện tử. Cuối cùng là động cơ và hộp số, được ví như trái tim của chiếc xe. Toàn bộ 3 lớp khó hơn Việt Nam đều phải nhập khẩu, thậm chí lớp thô sơ nhất là lớp đầu tiên, một phần cũng phải nhập khẩu.

So với các quốc gia như Thái Lan, hay Indonesia chỉ phải nhập khẩu 10% linh kiện sản xuất ô tô trong nước, con số 85% của Việt Nam phần nào nói lên khoảng cách giữa doanh nghiệp nội địa và các FDI đầu chuỗi.

Hàng chục năm chế tạo linh kiện phụ tùng xe máy, trong 5 năm qua, Công ty TNHH Mai Văn Đáng đã dần chuyển sang cả lĩnh vực ô tô, thậm chí đầu tư thêm 1 triệu USD cho cả nhà xưởng, thiết bị và nhân lực. Tuy nhiên, số lượng đơn hàng linh kiện ô tô, so với xe máy, vẫn gần như con số 0.

"Ngoài nước, chúng tôi đã tiếp cận và có đơn hàng, nhưng không lớn. Với các doanh nghiệp lắp ráp trong nước, việc tiếp cận rất khó, nhưng chỉ ghi nhận, chưa triển khai được hợp đồng nào", ông Mai Văn Đáng, Giám đốc công ty TNHH Mai Văn Đáng, cho biết.

Hay như Công ty Kyoyo Việt Nam, dù đã nỗ lực cải tiến năng suất 15 - 20% theo quy chuẩn quốc tế, nhưng như vậy vẫn chưa đủ để tham gia chuỗi cung ứng của các FDI.

"Về quản lý chất lượng, về quản lý lao động, quản lý môi trường, trong những cái đó công ty còn mới nên để đáp ứng rất khó khăn", ông Đặng Trần Thùy, Tổng Giám đốc Kyoyo Việt Nam, chia sẻ.

"Đối với những đơn hàng lớn, đầu tư thiết bị thiếu, nhà xưởng không đủ tiêu chuẩn nên khó cho doanh nghiệp nhỏ nhận được đơn hàng lớn từ các tập đoàn lớn", Giám đốc Công ty TNHH Công nghệ ASG Nguyễn Xuân Ngọc, cho hay.

Quy mô nhỏ, năng lực quản lý yếu kém, nhân lực thiếu và yếu, trong khi đó chính sách hỗ trợ vẫn chưa thực sự phát huy hết hiệu quả.

"Họ chỉ định chúng tôi mua nguyên vật liệu của các nhà cung cấp đó. Các nhà cung cấp đó lại là các công ty thương mại. Công ty thương mại lại không sản xuất trực tiếp. Vì vậy, để chứng minh được miễn thuế dành cho nguyên vật liệu sản xuất linh kiện ô tô đang bị mâu thuẫn, tức công ty thương mại không sản xuất, mà công ty sản xuất lại không nhập về", bà Trần Thu Thúy, Phó Giám đốc Công ty TNHH Cơ khí HTMP Việt Nam, nói.

"Khung chính sách hiện đã đầy đủ, nhưng thực thi hóa hiện thực hơn để doanh nghiệp tiếp cận nhiều hơn. Hiện doanh nghiệp FDI hưởng lợi nhiều hơn doanh nghiệp Việt", Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam Trương Chí Bình nhận định.

Sau hơn 20 năm hình thành và phát triển, công nghiệp hỗ trợ trong nước mới chỉ có chưa đến 300 nhà cung ứng đáp ứng được công ty đa quốc gia, còn quá khiêm tốn so với Indonesia là gần 800 và Thái Lan là hơn 2.000.

FDI hỗ trợ cải tiến năng lực nhà cung ứng nội

Bên cạnh những rào cản về năng lực, về quy mô, về vốn, các FDI còn đang ngại ngần chia sẻ chuyển giao công nghệ với doanh nghiệp Việt. Tuy nhiên vài năm qua, bản thân các FDI và doanh nghiệp nội địa đang có sự nỗ lực để xích lại gần nhau hơn. Ví dụ mới nhất là chương trình hỗ trợ tư vấn của Toyota.

Những chiếc máy san sát nhau, vốn trước đây xếp đặt lộn xộn trong nhà xưởng, thậm chí là ở xưởng khác. Sau khi được Toyota tư vấn bố trí tối ưu theo dây chuyền, doanh nghiệp đã giảm lượng tồn kho 30% và giảm thời gian di chuyển 20%.

"Tạo cho doanh nghiệp văn hóa Kaizen cải tiến liên tục, khi đó doanh nghiệp mới thay đổi được. Khi đạt được cái đó rồi, chúng tôi mới tiếp tục đào tạo khó hơn, như sản xuất theo dây chuyền, xây dựng chất lương theo công đoạn, thay khuôn nhanh", ông Mai Anh Hiền, Phó Tổng Trưởng phòng Bộ phận Mua hàng, Toyota Motors Vietnam, cho biết.

Công nghiệp hỗ trợ nội địa tồn tại nhiều thách thức - Ảnh 2.

Sau hơn 20 năm hình thành và phát triển, công nghiệp hỗ trợ trong nước mới chỉ có chưa đến 300 nhà cung ứng đáp ứng được công ty đa quốc gia. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)

Đại diện doanh nghiệp chia sẻ, trong hơn 10 năm cải tiến liên tục, chỉ riêng trong năm qua, với sự tham gia tư vấn của Toyota, quy trình sản xuất mới thay đổi vượt bậc, ngay cả khâu đào tạo nhân lực cũng được tối ưu.

"Trước đây chúng tôi đào tạo công nhân 4 tháng mới làm việc được, nhưng thông qua tiêu chuẩn hóa của Toyota thì một người mới vào rút ngắn đáng kể thời gian, hiện 1 tháng, hơn 1 tháng công nhân có thể áp dụng được", ông Ngô Vĩnh Tĩnh, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Xích líp Đông Anh, cho hay.

Chuyên gia kỳ vọng, những xúc tiến từ cơ quan quản lý sẽ không chỉ mang tính đơn lẻ với từng doanh nghiệp FDI, mà từng bước có thể mở rộng quy mô hơn nữa.

Riêng Toyota hiện có 6 nhà cung ứng nội địa và dự kiến trong thời gian tới sẽ tăng lên 8.

Được biết, nhiều quốc gia đã đưa ra các chính sách đặc thù để thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ trong nước, thậm chí là những chính sách có phần mang tính bảo hộ với các ngành mũi nhọn như ngành sản xuất lắp ráp ô tô.

Hiện nay, Bộ Công Thương đang giao xây dựng Luật Công nghiệp hỗ trợ và Luật Phát triển công nghiệp. Chia sẻ với phóng viên, ông Phạm Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương cho rằng, xây dựng những hành lang pháp lý, cùng với chiến lược quy hoạch của các ngành công nghiệp riêng lẻ kỳ vọng sẽ tháo gỡ được các điểm nghẽn trong nhiều năm qua của công nghiệp hỗ trợ.

Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025 đã xác định mục tiêu đến năm 2025, tỷ trọng công nghiệp chế biến chế tạo trong GDP đạt 25%, so với mức cuối năm 2020 chỉ khoảng 16,7%. Nhiệm vụ nêu rõ: "Cơ cấu lại công nghiệp, nâng cao trình độ công nghệ, đẩy mạnh chuyển đổi sang công nghệ số, nâng cao tính tự chủ của nền kinh tế, có khả năng tham gia sâu, có hiệu quả vào các chuỗi giá trị toàn cầu". Đây là những mục tiêu thách thức, đòi hỏi sự đột phá về hệ thống chính sách hỗ trợ để tạo nền tảng pháp lý thống nhất, là cơ sở cho quá trình thực thi chính sách hiệu quả, bền vững.

Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ sử dụng công nghệ tụt hậu trung bình của thế giới từ 2 - 3 thế hệ Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ sử dụng công nghệ tụt hậu trung bình của thế giới từ 2 - 3 thế hệ

VTV.vn - Với trình độ công nghệ hiện nay, các doanh nghiệp chưa đủ năng lực để sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh cao.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước