Ngành công nghiệp hỗ trợ: Cần lực bẩy mạnh hơn

Ban Thời sự-Thứ bảy, ngày 12/06/2021 06:30 GMT+7

VTV.vn - Ngành công nghiệp hỗ trợ là ngành quan trọng nền tảng để phát triển các ngành công nghiệp khác, nhưng lại là ngành rất cần được hỗ trợ khi còn đang rất thiếu và yếu.

Ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp hỗ trợ

Nghị định 57 vừa được ban hành về ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp đối với doanh nghiệp có dự án đầu tư sản xuất sản phẩm thuộc Danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển là một chính sách rất quan trọng để hỗ trợ ngành này.

Cụ thể, các dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ thực hiện trước ngày 1/1/2015 được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy xác nhận ưu đãi sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ sẽ được hưởng ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp:

- Trường hợp dự án có thu nhập chưa được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp sẽ được hưởng ưu đãi;

- Trường hợp thu nhập từ dự án đã hưởng hết ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp theo điều kiện ưu đãi khác được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp;

Ngành công nghiệp hỗ trợ: Cần lực bẩy mạnh hơn - Ảnh 1.

Các doanh nghiệp hỗ trợ trong nước chủ yếu có quy mô nhỏ và siêu nhỏ. (Ảnh minh họa: Báo Đầu tư)

- Trường hợp dự án đang được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp theo điều kiện ưu đãi khác, thì được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp theo điều kiện này.

Theo thống kê của Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI), gần 1/2 doanh nghiệp hội viên VASI đã bị giảm doanh thu đến 50% trong quý I/2020.

Các doanh nghiệp hỗ trợ trong nước chủ yếu có quy mô nhỏ và siêu nhỏ nên không chỉ thiếu vốn, thiếu công nghệ, thiếu đất để xây dựng nhà xưởng nên bất cứ ưu đãi về tài chính, tài khóa nào cũng sẽ giúp doanh nghiệp dưỡng sức hơn trong thời điểm khó khăn này, quan trọng là chính sách như vậy nhưng thực hiện ra sao.

Doanh nghiệp mong chờ chính sách trên thực tế

Chuyên chế tạo các chi tiết cho các thiết bị công nghiệp đã gần 10 năm nay, nhưng 100% vốn của Công ty Cổ phần KYOYO Việt Nam đều phải huy động từ người thân. Doanh nghiệp cho biết, tuy Nhà nước đã có nhiều chính sách ưu đãi cho các doanh nghiệp hỗ trợ, nhưng họ không dễ tiếp cận.

"Doanh nghiệp tôi 100% phải tự thân vận động, tự tìm kiếm khách hàng, tự quảng cáo, quảng bá sản phẩm đến các đơn vị có nhu cầu. Chúng tôi rất mong muốn thời gian tới nhà nước tổ chức nhiều tọa đàm, kết nối doanh nghiệp hỗ trợ với các doanh nghiệp có nhu cầu tại Việt Nam", ông Trần Đức Thùy, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần KYOYO Việt Nam, chia sẻ.

Lo lắng của doanh nghiệp còn đến từ các quy định về điều kiện hưởng các chính sách ưu đãi. Điều mong muốn của doanh nghiệp vẫn là các chính sách ưu đãi này sát với thực tế, tiếp sức cho doanh nghiệp những lúc khó khăn này.

Chính sách ở bên trên và lúc đầu rất tốt nhưng khi đến doanh nghiệp còn nhiều khó khăn, với nhiều rào cản về các quy định bên dưới để công nhận là doanh nghiệp hỗ trợ, có rất nhiều điều kiện. Nếu không đơn giản hóa, sát thực tế hơn thì doanh nghiệp hỗ trợ khó có thể khẳng định được vai trò của mình.

Hỗ trợ sản phẩm chủ lực

Chính sách hỗ trợ chung cũng không ít nhưng thực hiện không dễ. Một số địa phương đã có cách làm khá hiệu quả để thúc đẩy ngành công nghiệp quan trọng này như các chính sách của TP Hồ Chí Minh.

Ngành công nghiệp hỗ trợ: Cần lực bẩy mạnh hơn - Ảnh 2.

Mục tiêu đến năm 2025, sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ đáp ứng 45% nhu cầu nội địa. (Ảnh minh họa: Báo Đầu tư)

Công ty TNHH Lập Phúc chuyên sản xuất khuôn mẫu cho nhiều thương hiệu nổi tiếng trên thế giới như: bàn chải Colgate, máy giặt Sanyo Aqua, các thiết bị điện Panasonic... Doanh nghiệp này được lọt vào danh sách có sản phẩm chủ lực của thành phố bởi đáp ứng tiêu chí có sản phẩm giá trị cao, đóng góp lớn, chiếm tỷ trọng giá trị sản xuất trên 5% vào ngành công nghiệp thành phố. Doanh nghiệp kỳ vọng sẽ có cơ hội bứt phá từ chương trình hỗ trợ sản phẩm chủ lực.

"Sắp tới công ty Lập Phúc sẽ tiến tới những tiêu chuẩn cao hơn về môi trường, vệ sinh lao động, an toàn và chuẩn trong ngành cơ khí để tiến tới Lập Phúc sẽ làm khuôn cho ngành ô tô", ông Nguyễn Văn Trí, Giám đốc Công ty TNHH Lập Phúc, cho biết.

Điều đặc biệt của chương trình là những doanh nghiệp có sản phẩm nằm trong danh mục chủ lực sẽ được thụ hưởng nhiều ưu đãi chưa từng có như: thuê nhà đất công với giá ưu đãi, hỗ trợ vốn vay lãi suất thấp trong vòng 7 năm, đào tạo nhân lực theo đặt hàng của doanh nghiệp, hỗ trợ ứng dụng công nghệ phát triển sản xuất kinh doanh và được hỗ trợ xúc tiến mở rộng thị trường.

Mục tiêu đến năm 2025, sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ đáp ứng 45% nhu cầu nội địa, chiếm khoảng 11% giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp; có khoảng 1.000 doanh nghiệp đủ năng lực cung ứng trực tiếp cho các doanh nghiệp lắp ráp và tập đoàn đa quốc gia trên lãnh thổ Việt Nam. Mục tiêu rất lớn nhưng cũng chỉ còn vài năm là đến mốc thời gian trên, nhưng thực tế còn rất khó khăn. Ngành công nghiệp hỗ trợ cũng đang rất cần được hỗ trợ vượt qua khó khăn để lớn mạnh hơn.

Liệu điểm khác biệt của Nghị định 57 so với 2 nghị định trước có tháo gỡ vướng mắc trong ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp cho ngành công nghiệp này? Trong bối cảnh hiện này việc tháo gỡ có tác động như thế nào đến các doanh nghiệp?

Câu trả lời phần nào sẽ có trong chương trình Vấn đề hôm nay (11/6) với sự tham gia của TS. Trương Thị Chí Bình, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam. Mời quý vị theo dõi qua video trên!

Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt khó vào chuỗi các tập đoàn đa quốc gia Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt khó vào chuỗi các tập đoàn đa quốc gia

VTV.vn - Hiện nay, ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam vẫn còn khá yếu khi chỉ có vài doanh nghiệp điện tử tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước