Bê tông nhựa nóng là một hỗn hợp được tạo thành từ các cốt liệu (đá dăm, cát, bột khoáng) có tỷ lệ nhất định. Được sấy nóng, trộn đều với nhựa đường nóng từ 110 độ C trở lên theo một tỷ lệ được thiết kế để phù hợp với từng loại đường.
Việt Nam đang trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, theo đó, phát triển về hạ tầng giao thông là một trong những ưu tiên hàng đầu.
Thi công bê tông nhựa nóng
Bê tông nhựa nóng thường được sử dụng cho các công trình xây dựng đường giao thông như đường nội bộ trong các khu công nghiệp, nhà máy, đường giao thông cấp 1, cấp 2, đường cao tốc, đường giao thông nông thôn, bãi đỗ xe, sân tennis…
Để đảm bảo chất lượng hạ tầng giao thông, Việt Nam có nhu cầu về bê tông nhựa nóng cho khoảng 70% dự án thi công đường bộ. Tuy nhiên, công nghiệp phụ trợ phục vụ nhu cầu này hiện còn rất hạn chế.
Thi công bê tông nhựa nóng
Hiện nay, ở Việt Nam, đã có một số nhà máy sản xuất bê tông nhựa nóng. Tuy nhiên, các khâu nhập khẩu hóa chất, khai thác mỏ, công nghiệp hóa đòi hỏi đưa việc sản xuất bê tông nhựa nóng vào một quy trình khép kín, từ khai thác đá đến sản xuất bê tông nhựa, vận chuyển thi công.
Tháng 8/2022, Việt Nam mới khởi công tổ hợp đầu tiên sản xuất bê tông nóng theo hướng này. Đó là Tổ hợp Nhà máy Sản xuất Bê tông Nhựa nóng, chi nhánh Đồng Nai của Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng BMT, với tổng vốn đầu tư 100 tỷ đồng, vừa chính thức đi vào hoạt động từ ngày 15/12/2022. Điểm ưu việt của tổ hợp khép kín là quản lý được nguồn gốc, chất lượng nguyên liệu đầu vào và đảm bảo quy trình kỹ thuật sản xuất.
Tổ hợp Nhà máy Sản xuất Bê tông Nhựa nóng, chi nhánh Đồng Nai (Cty CPĐTXD BMT)
Tổ hợp nhà máy này có công suất 560 tấn/giờ, tức là mỗi năm, có thể cung cấp khoảng 1 triệu tấn bê tông nhựa nóng. Đây là loại bê tông nhựa nóng chất lượng cao, đồng đều do kiểm soát được cốt liệu nhất là thành phần hạt nhỏ 0-5mm, từ một mỏ khai thác, một máy xay. Độ ẩm đá đồng đều, tạo ra nhiệt độ bê tông nhựa nóng ổn định, giúp cho việc thi công tại công trường nhiều tiện lợi, tiết kiệm chi phí thi công và sức khỏe của người lao động tại công trình.
Theo đánh giá của các chuyên gia, việc xây dựng các mô hình sản xuất khép kín, công suất lớn, với công nghệ hiện đại, đảm bảo các yêu tố môi trường, kinh tế, xã hội như thế này sẽ góp phần đặt nền móng cho một ngành công nghiệp phụ trợ quan trọng cho quá trình công nghiệp hóa hạ tầng giao thông ở Việt Nam.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!