COVID-19 tấn công khu công nghiệp và những quyết định chưa từng có tiền lệ

VTV News-Thứ năm, ngày 22/07/2021 06:24 GMT+7

VTV.vn - Dịch tấn công khu công nghiệp đã đặt các nhà quản lý đứng trước bài toán vô cùng hóc búa trong việc thực hiện mục tiêu kép.

DỊCH VÀO KHU CÔNG NGHIỆP LÀ BÀI TOÁN HOÀN TOÀN KHÁC BIỆT

Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến nay, trên cả nước đã có 369 khu công nghiệp được thành lập; 26 khu kinh tế cửa khẩu và 18 khu kinh tế ven biển.

Tính đến hết tháng 10/2020, các khu công nghiệp đã thu hút hơn 9800 dự án trong nước và 10 nghìn dự án FDI còn hiệu lực. Trong giai đoạn 2016-2019, khu công nghiệp, khu kinh tế nộp Ngân sách nhà nước trên 400 nghìn tỷ đồng, tạo việc làm hơn 3,8 triệu lao động trực tiếp, chiếm khoảng 7% lực lượng lao động của cả nước.

Tọa đàm: Đối mặt thách thức

Các chuyên gia nhận định, vì quy mô lớn, vai trò quan trọng nên khi bị dịch COVID-19 tấn công các khu công nghiệp đòi hỏi những những biện pháp phòng chống khác biệt so với trước đây, thậm chí là "chưa có tiền lệ".

Không chỉ áp lực trong việc lấy mẫu, xét nghiệm, truy vết, khoanh vùng, cách ly hàng chục nghìn công nhân và điều trị cùng lúc hàng nghìn bệnh nhân… mà còn áp lực về bài toán kinh tế.

Việc đóng cửa các nhà máy, các khu công nghiệp có thể khiến nền kinh tế tê liệt hoặc chịu thiệt hại vô cùng lớn.

Dừng các khu công nghiệp có thể gây thiệt hại hàng nghìn tỷ giá trị sản xuất công nghiệp, hàng trăm nghìn công nhân mất việc làm, ảnh hưởng đời sống của hàng trăm nghìn gia đình

Ông Dương Văn Thái, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang

Ông Dương Văn Thái, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang, cho biết là địa phương đầu tiên chứng khiến dịch bùng phát trong khu công nghiệp trong khi kinh nghiệm chưa có đã đặt Bắc Giang vào tình thế "hết sức khó khăn".

"Quyết định dừng 4 khu công nghiệp là quyết định vô cùng khó khăn, thiệt hại hàng nghìn tỷ giá trị sản xuất công nghiệp, hàng trăm nghìn công nhân mất việc làm, ảnh hướng tới đời sống của hàng trăm nghìn gia đình", ông Dương Văn Thái cho biết trong cuộc tọa đàm "Đối mặt thách thức" do Đài Truyền hình Việt Nam thực hiện.

COVID-19 tấn công khu công nghiệp và những quyết định chưa từng có tiền lệ - Ảnh 3.

Ông Dương Văn Thái, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang và bà Đào Hồng Lan, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh trong chương trình tọa đàm của Đài Truyền hình Việt Nam

Tương tự như Bắc Giang, Bắc Ninh cũng là tâm dịch vào tháng 5. Theo bà Đào Hồng Lan, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh, ước tính một ngày dừng sản xuất trong các khu công nghiệp, giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh này giảm khoảng 3.600 tỷ. 

"Đó là chưa tính đến giá trị về thương mại, dịch vụ và còn nhiều hoạt động khác", bà Đào Hồng Lan nói thêm.

Nói về tầm quan trọng của những khu công nghiệp tại Bắc Ninh, Bắc Giang, ông Nguyễn Đức Kiên Tổ trưởng tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, đưa ra số liệu: Chỉ trong 2 tuần đầu khi dịch tấn công vào hai địa phương này, nền kinh tế đã đang từ chỗ xuất siêu 1,6 tỷ USD  trong 4 tháng đầu năm, thành nhập siêu 340 triệu USD.

"Biến động này cho thấy ảnh hưởng của dịch COVID-19 lớn như thế nào. Chỉ hai tuần đã chuyển trạng thái của nền kinh tế từ xuất siêu sang nhập siêu", ông Nguyễn Đức Kiên cho hay.

NHỮNG QUYẾT ĐỊNH "CHƯA CÓ TIỀN LỆ"

Khi dịch COVID tràn vào khu công nghiệp, doanh nghiệp không muốn dừng sản xuất bởi thiệt hại là rất lớn. Hơn nữa, dừng sản xuất đồng nghĩa với việc gián đoạn, thậm chí đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu.

Tuy nhiên, với số lượng công nhân ngoại tỉnh lên tới hàng chục nghìn, nếu không đóng cửa thì hậu quả dịch bệnh là khôn lường. Tất cả đặt ra bài toán hóc búa cho các nhà quản lý.

COVID-19 tấn công khu công nghiệp và những quyết định chưa từng có tiền lệ - Ảnh 4.

Lấy mẫu xét nghiệp tại khu công nghiệp ở Bắc Giang

"Thực hiện mục tiêu kép trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát là quyết định cân não hết sức nặng nề. Những ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, đặc biệt là Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo quốc gia phải nói rất sát sao và rất "trăn trở" trong việc thực hiện các giải pháp hiệu quả nhất cho địa phương".

Không ngày nào Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ không liên hệ với hai tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang để nắm tình hình. Thậm chí là 12 rưỡi, 1 giờ đêm vẫn gọi để xem tình hình ngày hôm nay như thế nào và rất trăn trở với những phương án đưa ra.

Bà Đào Hồng Lan, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh.

Bảo đảm sản xuất phương châm "3 tại chỗ" tức là "sản xuất tại chỗ - ăn tại chỗ - nghỉ ngơi tại chỗ; chống dịch để sản xuất, sản xuất để chống dịch" được hai tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang thực hiện để giải bài toán vừa chống dịch vừa đảm bảo sản xuất. 

Tuy nhiên, việc áp dụng phương châm này ngay từ đầu là không dễ dàng. Ông Dương Văn Thái cho biết, giai đoạn đầu là "rất khó khăn".

Ông Dương Văn Thái, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang và bà Đào Hồng Lan, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh

"Không phải doanh nghiệp nào cũng đủ điều kiện, doanh nghiệp cũng có ý kiến. Công nhân khi mới bắt đầu vào sinh hoạt, ăn nghỉ ở doanh nghiệp cũng có nhiều vướng mắc. Tuy nhiên, chúng tôi xác định là phải hỗ trợ doanh nghiệp, lấy quyền lợi của doanh nghiệp là trách nhiệm trong chỉ đạo. Chúng tôi đã họp với các doanh nghiệp, ban hành hướng dẫn trình tự các bước; các ngành y tế, giao thông, lao động thương binh xã hội… đều ra những quy định hết sức cụ thể.

Bắc Giang cũng thành lập các tổ phòng chống dịch, vào các doanh nghiệp, hướng dẫn doanh nghiệp. Thứ 3 là thành lập bộ phận thường trực ban quản lý khu công nghiệp để kiểm tra xem các doanh nghiệp có đủ điều kiện thực hiện hay không. Nếu không đủ điều kiện, thì hướng dẫn họ. Sau đó, các doanh nghiệp cũng thấy phù hợp. Nhiều công nhân tăng ca, vượt năng suất lao động", ông Thái chia sẻ.

Kinh nghiệm áp dụng 3 tại chỗ của 2 tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang đã được nhân rộng tại TP Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh thành phía Nam đang trong tâm dịch mới.

Những ngày qua, các doanh nghiệp  tại TP Hồ Chí Minh đã "chạy đua" để đáp ứng yêu cầu "3 tại chỗ" gồm sản xuất tại chỗ - ăn tại chỗ - nghỉ ngơi tại chỗ hoặc "1 cung đường - 2 địa điểm", tức là chỉ duy nhất một cung đường vận chuyển tập trung công nhân từ nơi sản xuất đến nơi ở của công nhân để duy trì sản xuất trong điều kiện phòng chống dịch.

Bắc Ninh, Bắc Giang vì cả nước, cả nước vì Bắc Ninh, Bắc Giang

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính

Vào cuối tháng 5, khi dịch bệnh vào lúc nóng nhất tại Bắc Giang, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã về tâm dịch này để kiểm tra công tác phòng chống dịch, giải quyết các kiến nghị, đề xuất của tỉnh và động viên các lực lượng tuyến đầu đang làm nhiệm vụ với tinh thần sức khỏe của nhân dân là trên hết, trước hết…

Tại đây, Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành kịp thời tháo gỡ khó khăn cho tỉnh trên tinh thần "3 không": Không nói thiếu tiền; không nói thiếu nguồn nhân lực và không nói thiếu cơ chế, chính sách…

COVID-19 tấn công khu công nghiệp và những quyết định chưa từng có tiền lệ - Ảnh 8.

Thủ tướng động viên cán bộ, chiến sĩ và các lực lượng ở tuyến đầu chống dịch ở Bắc Giang vào tháng 5 (Ảnh: VPG)

Trong các cuộc họp trực tuyến khác , Thủ tướng nhiều lần khẳng định: Cần ưu tiên hai tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh trong chiến lược tiêm vaccine, cũng như ưu tiên các giải pháp phục hồi hoạt động sản xuất.

"Chúng tôi có thể vượt qua vượt qua được chặng đường khó khăn như thời gian vừa qua đó chính là sự động viên, quan tâm, chia sẻ của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, của các Bộ Ban ngành, địa phương trên cả nước; tập thể, cá nhân đã chung tay, giúp sức cả về vật chất lẫn tinh thần. Đến nay đã hơn 1500 bệnh nhân ở Bắc Ninh được chưa khỏi. Đến nay chỉ còn vài chục ca đang trong quá trình điều trị và chuẩn bị ra viện trong thời gian tới", bà Đào Hồng Lan chia sẻ.

Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ

3 tháng TP Hồ Chí Minh gồng mình chống dịch và cam kết dành tất cả cho thành phố từ Chính phủ 3 tháng TP Hồ Chí Minh gồng mình chống dịch và cam kết dành tất cả cho thành phố từ Chính phủ

VTV.vn - Chính phủ cũng như người dân cả nước đang hướng về TP Hồ Chí Minh và bằng tất cả mọi khả năng đang nỗ lực chung tay giúp Thành phố đẩy lùi dịch bệnh COVID-19.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước