Giá rau tăng cao khiến cho nhóm ngành thực phẩm trong tháng 8 của Hà Nội tăng 0,64%
Theo Cục Thống kê TP.HCM, dù chỉ số CPI trên địa bàn Thành phố trong tháng 8 giảm 0,12% so với tháng 7, nhưng chỉ số giá bình quân 8 tháng năm 2015 so với cùng kỳ tăng 0,66% và so với tháng 12/2014 tăng 0,22%.
CPI tháng 8 của TP.HCM giảm nhẹ là do tác động của 2 đợt giảm giá xăng dầu (ngày 20/7 và ngày 4/8) dẫn tới sự giảm giá của nhóm giao thông - nhóm có mức giảm cao nhất, giảm 2,4% so với tháng trước. Cũng do tác động giảm giá của xăng dầu, giá vé ô tô khách cũng giảm 2,14% so tháng trước.
Trong tháng 8, ngoài nhóm giao thông, còn có 4 nhóm khác cũng giảm giá. Đó là nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt (-0,66%); thiết bị đồ dùng gia đình (-0,01%); văn hóa giải trí du lịch (-0,06%) và hàng hóa dịch vụ khác (-0,32%).
Có 3 nhóm hàng tăng giá trong tháng 8 và tăng mạnh nhất là nhóm giáo dục với mức tăng 1,54%, do đã bắt đầu vào năm học mới. Hai nhóm hàng tăng giá còn lại là hàng ăn và dịch vụ ăn (tăng 0,1%) và bưu chính viễn thông (tăng 0,01%).
Ngược với tháng 7/2015, hai nhóm hàng giá ổn định là may mặc và dịch vụ y tế.
Thông tin từ Cục Thống kê Hà Nội cho biết, chỉ số CPI tháng 8/2015 tăng 0,17% so với tháng 7. Có 8/11 nhóm hàng có chỉ số giá tăng trong tháng này. Tăng cao nhất là nhóm hàng giáo dục, tăng 2,9%, do hiện đang là thời điểm chuẩn bị vào năm học mới nên người tiêu dùng tăng mua sắm.
Nhóm hàng thực phẩm tăng 0,64% so với tháng trước. Nguyên nhân là do đợt mưa kéo dài nên rau bị dập nát khiến giá tăng cao. Ngoài ra, giá các loại trứng gia cầm cũng tăng do nhu cầu sản xuất bánh Trung thu tăng mạnh.
Có 2 nhóm chỉ số giá giảm. Cụ thể: Nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng giảm 0,49% do giá gas, giá dầu hoả giảm. Nhóm giao thông giảm mạnh (-2,19%) là do trong tháng, giá xăng dầu được điều chỉnh giảm 2 lần vào ngày 20/7 và ngày 4/8.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.