Theo cục Thống kê TP.HCM, mức tăng 0,36% là do sự cộng hưởng của 7 nhóm hàng tăng giá, 2 nhóm hàng giá không đổi và 2 nhóm hàng giảm giá, trong đó hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng mạnh nhất. Theo phân tích, ngoài nhóm hàng ăn, lương thực thực phẩm, bên cạnh còn tác động không nhỏ từ lần điều chỉnh giá xăng dầu trong tháng 4 và việc siết chặt cân tải trọng của vận tải.
‘ Tháng 5, nhiều mặt hàng tăng giá nhẹ. (Hình minh họa)
Chỉ số giá tiêu dùng tăng nhưng không bền vững là nhận định của hầu hết các chuyên gia. Nhưng nếu nhìn vào bối cảnh sức cầu đang yếu như hiện nay thì đây là một tín hiệu đáng lạc quan. Điều này cho thấy tác động tích cực trong giải pháp điều hành kinh tế của Chính phủ nỗ lực duy trì ổn định vĩ mô, đảm bảo lạm phát ở mức thấp và khẳng định tái cấu trúc kinh tế đúng hướng.
Bên cạnh tăng chỉ số CPI thì tổng sản phẩm nội địa (GDP), đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), tăng trưởng tín dụng, sức tiêu thụ bất động sản... đều tăng.
Đóng góp vào chỉ số CPI tháng này cũng phải kể đến vai trò của hàng bình ổn. Sở Công Thương cho biết tháng này hàng bình ổn cung ứng ra thị trường tăng 25% so với chỉ tiêu được giao.
Theo tính toán của nhiều chuyên gia thì chỉ số CPI tháng 6 dự kiến sẽ trên đà tăng do ảnh hưởng tích cực từ động thái điều hành kinh tế vĩ mô linh hoạt của Chính phủ thể hiện qua các chính sách ưu đãi về thuế, hải quan và nguồn vốn cung ứng hỗ trợ kịp thời cho các doanh nghiệp chủ động hàng hóa sản xuất.