CPTPP có hiệu lực: Dòng vốn FDI vào nông nghiệp Việt có cơ hội khơi thông

Trung tâm Tin tức VTV24-Thứ hai, ngày 28/01/2019 10:40 GMT+7

VTV.vn - Tận dụng Hiệp định CPTPP có hiệu lực, nhiều doanh nghiệp nước ngoài đã mở rộng đầu tư, thay đổi hướng đầu tư vào Việt Nam.

Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) vừa có hiệu lực, tạo cơ hội cho hàng loạt nông sản xuất khẩu của các nước thành viên được giảm thuế về 0%. Trong đó, nông sản Việt Nam cũng được giảm thuế mạnh như Nhật Bản cho phép 91% thủy sản, 91% đồ gỗ của Việt Nam về mức thuế 0% ngay lập tức. Hay Canada cũng giảm ngay thuế nhập khẩu cho các sản phẩm đồ gỗ của Việt Nam.

Tận dụng cơ hội trên, nhiều doanh nghiệp nước ngoài đã mở rộng đầu tư, thay đổi hướng đầu tư vào Việt Nam. Thay vì làm thức ăn chăn nuôi suốt 10 năm qua tại Việt Nam, Tập đoàn De Heus đến từ Hà Lan vừa bất ngờ đầu tư góp vốn xây dựng một tổ hợp chế biến thịt sạch, phục vụ trong nước và hướng đến xuất khẩu.

Ông Gabor Fluit - Tổng Giám đốc châu Á - Tập đoàn De Heus nói: "Nhiều doanh nghiệp có nhu cầu những sản phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp như rau, trái cây, thịt cá, trong khi Việt Nam là một nước xuất khẩu rất mạnh, vì vậy khi vào CPTPP, EVFTA sẽ giúp nhiều doanh nghiệp đầu tư tại Việt Nam".

Hiện doanh nghiệp chế biến nông sản Việt Nam là nhỏ lẻ - 70 - 80% là chế biến thô, giá trị thấp. Theo chính các nhà đầu tư, FDI vào nông sản trong thời gian tới sẽ chuyển hướng mạnh vào chế biến vì họ có thế mạnh công nghệ hiện đại. Hay thậm chí có không ít doanh nghiệp sang Việt Nam đầu tư làm nông nghiệp công nghệ cao để xuất khẩu vào chính quốc và các nước thứ 3.

"Khí hậu thổ nhưỡng Việt Nam có tiềm năng tạo ra sản phẩm và nhân công lao động của Việt Nam có chi phí hợp lý - là những yếu tố thu hút nhà đầu tư nước ngoài", ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục xúc tiến thương mại - Bộ Công Thương nói.

Ngoài các nhà đầu tư quen thuộc từ Hà Lan, Nhật Bản, các nhà đầu tư của Australia - một nước thành viên CPTPP cũng bắt đầu để ý đến Việt Nam.

Ryan Galloway - Phó Tổng Giám đốc Nafood Group nói" "Hiện chúng tôi có hợp tác với 25 quốc gia trên thế giới. CPTPP như cơ hội hỗ trợ chúng tôi kết nối nhiều hơn với các doanh nghiệp của Mexico, Canada, Nhật Bản... Qua đó quảng bá hình ảnh, tạo cơ hội cho nông nghiệp Việt Nam phát triển thu hút vốn đầu tư thêm từ nước ngoài, hay mở rộng thị trường xuất khẩu".

Việt Nam đứng thứ 2 Đông Nam Á và đứng thứ 15 thế giới về xuất khẩu nông sản nhưng số vốn FDI vào ngành này mới chỉ đạt 1% tổng số vốn đầu tư FDI tại Việt Nam. Đây là một con số khiêm tốn và chưa tương xứng với tiềm năng. Các chuyên gia hy vọng, CPTPP cùng 16 hiệp định thương mại đã ký kết sẽ góp phần tăng sức hấp dẫn của nông nghiệp Việt Nam trong mắt các nhà đầu tư ngoại.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước