Hai tác giả trên hai tờ báo khác nhau đang cùng một mối trăn trở chung đó là CPTPP. Góc nhìn của Chủ tịch Hội doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao trên VnExpress xuất phát từ những thông tin sơ sài trên cổng thông tin của bộ chủ quản, mà theo bà, ảnh hưởng gì tới toàn bộ cục diện cạnh tranh của Việt Nam với 10 thành viên còn lại và đối tác, đối thủ khác trên thế giới, dưới nhan đề bài viết là "Quên một ngày trọng đại".
Tác giả bày tỏ lo lắng về mặt truyền thông cho Hiệp định thế hệ mới với chất lượng cao, dự kiến sẽ mở cửa cho nền kinh tế và làm bật tung tiềm năng phát triển của đất nước mà sao cơ quan chủ quản có nhiệm vụ này lại lặng trang như không có gì. Tác giả viết: "Ngày Hiệp định hiệu lực, tôi vào xem, có thêm vài tài liệu nhưng không mới và cụ thể như mong đợi của doanh nghiệp. Tôi cảm thấy vấn đề cũng không được quan tâm bao nhiêu, không thấy cập nhật hay đáp ứng nhu cầu tối thiểu tìm hiểu bằng hỏi đáp cho doanh nghiệp và công dân. Tôi tự hỏi, mọi tin tức về Hiệp định được chuyển tải ở đâu?
Nhấn mạnh ngoài những ưu đãi hưởng lợi, CPTPP cũng bao gồm những yếu tố mới mẻ chưa từng có như mua sắm công, môi trường, tổ chức lao động độc lập... với yêu cầu minh bạch thông tin cũng như cơ chế giải quyết tranh chấp có tính cách ràng buộc, trừng phạt rõ ràng và chặt chẽ, thế nhưng, tài liệu của Bộ vẫn đang ghi "theo kinh nghiệm thực hiện WTO" hay là "cũng như quá trình đã triển khai WTO" khiến doanh nghiệp e ngại. Liệu sự khác biệt của khái niệm "Hiệp định thế hệ mới" đã được quán triệt thấu đáo chưa?
Việt Nam đã ký kết và nếu không muốn "dâng" thị trường gần 100 triệu dân của Việt Nam cho các đối tác bằng những ưu đãi được CPTPP bảo vệ thì tại sao không hề quan tâm triển khai việc truyền thông, thực thi, khai thác ưu đãi tương ứng cho doanh nghiệp, người tiêu dùng và đất nước mình?
Một góc nhìn khác, thực tế hơn, đi từ phía doanh nghiệp. Doanh nghiệp có biết đến CPTPP không? Câu trả lời là có nhưng động cơ sao vẫn chưa chạy, cờ đến tay vẫn chưa phất? Vấn đề nằm ở nội tại từng ngành, từng doanh nghiệp vẫn chưa được giải quyết.
Có hiệp định thì tốt, không có cũng không sao, câu viết trên Thời báo Kinh tế Sài Gòn. Dệt may từ xưa đến nay nguyên liệu gần như phụ thuộc 100% vào Trung Quốc, trong khi đó, CPTPP hay EVFTA đòi hỏi rất khắt khe về xuất xứ, yêu cầu phải từ sợi. Do đó, doanh nghiệp dệt may không được hưởng lợi vì Việt Nam chỉ gia công hoặc mua nguyên liệu bán thành phẩm, cuối cùng vẫn lấy công làm lời.
Một doanh nghiệp xuất khẩu dừa tươi cũng chia sẻ họ không cảm nhận được áp lực thì hiện mối quan tâm lớn hơn là làm sao cạnh tranh được với thị trường xuất khẩu truyền thống và phát triển nội địa. Áp lực này thực tế hơn với cạnh tranh bán phá giá, bán dưới giá tại Mỹ và chi phí logistics quá cao tại nội địa.
Doanh nghiệp chia sẻ có quá nhiều mối lo trước mắt khiến họ chưa kịp khởi động cho CPTPP. Chiến tranh thương mại Mỹ Trung phải tìm chính sách đối phó, những diễn biến khó lường của tỷ giá đồng Nhân dân tệ, những sóng gió từ sự suy giảm tăng trưởng của Trung Quốc, châu Âu và Mỹ, 3 trong số các đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Đó là những mối lo nhãn tiền.
Nếu nhìn vào những kháo sát công bố về sự hiểu biết hay truyền thông luôn lo lắng giúp cho doanh nghiệp về cơ hội và thách thức của CPTPP, đó là những lo lắng chính đáng nhưng chưa thật xác đáng. Doanh nghiệp không phải không biết đến cơ hội, nhưng làm ăn, trước khi tính đến tận dụng cơ hội để hưởng lợi, phải tính đường sống sót trước sóng gió của thương trường.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!