Cú sốc kinh tế do COVID-19 có thể nghiêm trọng hơn khủng hoảng tài chính 2008

Ban Thời sự-Thứ hai, ngày 13/04/2020 20:11 GMT+7

VTV.vn - Dịch bệnh COVID-19 đang có nguy cơ đẩy nền kinh tế thế giới vào giai đoạn suy thoái trầm trọng nhất trong lịch sử hiện đại.

Đại dịch COVID-19 đã tạo ra những cơn sóng lớn liên tiếp đánh vào mọi mặt của nền kinh tế thế giới. Những lời cảnh báo về tác động của dịch tới kinh tế thế giới liên tiếp được đưa ra trong những ngày qua. Những tác động đó thậm chí sẽ còn tồi tệ hơn cuộc đại suy thoái năm 1929 và cuộc khủng hoảng tài chính 2008.

"Rõ ràng, chúng ta đã bước vào một cuộc suy thoái với mức độ ngang ngửa hoặc thậm chí là tồi tệ hơn so với cuộc khủng hoảng năm 2008. Một mối quan tâm chính về tác động lâu dài của khủng hoảng là nguy cơ của một làn sóng phá sản và sa thải, không chỉ làm suy yếu sự phục hồi của kinh tế toàn cầu mà còn có thể làm xói mòn kết cấu xã hội của chúng ta" - Bà Kristalina Georgieva, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đánh giá.

Trong khi đó, Tổ chức thương mại Thế giới (WTO) nhận định thương mại toàn cầu sẽ sụt giảm nghiêm trọng trong năm 2020.

Ông Roberto Azevedo, Tổng Giám đốc WTO cho biết: "Trong một kịch bản lạc quan, thương mại toàn cầu sẽ sụt giảm khoảng 13% trong năm 2020. Còn nếu đại dịch không được kiểm soát, mức sụt giảm này có thể lên tới 32%, thậm chí cao hơn".

Các nước châu Âu, Mỹ sẽ là những quốc gia chịu thiệt hại nặng nề nhất do COVID-19. Cho đến nay, các chuyên gia khẳng định chưa thể đánh giá chính xác về mức độ và thời gian ảnh hưởng của COVID-19 đến kinh tế thế giới. Tuy nhiên, suy thoái toàn cầu là điều khó tránh khỏi.

Không giống như cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, các quốc gia đưa ra giải pháp là bơm lượng tiền lớn vào các nền kinh tế. Trong đại dịch này, các nền kinh tế đã buộc phải ngừng lại một cách đột ngột để ngăn chặn sự lây lan dịch bệnh. Khi hàng triệu người phải thực hiện cách ly xã hội, giao thông, du lịch tê liệt, sản xuất bị đình trệ, chuỗi cung ứng toàn cầu cũng vì thế mà bị đứt gãy thì các biện pháp chống đỡ chắc chắn không chỉ cần đến những khoản tiền khổng lồ.

Theo thống kê, 10 nền kinh tế lớn nhất thế giới hiện chiếm 46% xuất khẩu toàn cầu. Cũng 10 quốc gia này chiếm tới hơn 70% số ca nhiễm. Do vậy, khi các quốc gia này đồng loạt áp dụng biện pháp hạn chế đi lại, đóng cửa biên giới, sự đứt gãy và xáo trộn chuỗi cung ứng toàn cầu là điều không thể tránh khỏi.

OPEC+ thống nhất mức giảm sản lượng dầu kỷ lục do dịch COVID-19 OPEC+ thống nhất mức giảm sản lượng dầu kỷ lục do dịch COVID-19

VTV.vn - Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) cùng với các đồng minh (OPEC+) đã thống nhất cắt giảm sản lượng dầu kỷ lục do dịch COVID-19.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước